Nhu cầu lớn, sao nhà xã hội vẫn ế?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Thị trường nhà ở xã hội đang xảy ra nghịch lý khi nguồn cung hạn chế, nhu cầu lớn nhưng có dự án bán đi bán lại gần 20 lần trong nhiều năm vẫn tồn đọng.
Dự án nhà ở xã hội AZ Thăng Long (Hoài Đức, Hà Nội) được mở bán lần thứ 12 suốt 5 năm qua vẫn không hết căn hộ. Ảnh: PV
Dự án nhà ở xã hội AZ Thăng Long (Hoài Đức, Hà Nội) được mở bán lần thứ 12 suốt 5 năm qua vẫn không hết căn hộ. Ảnh: PV
5 năm bán vẫn chưa hết
Để được mua nhà ở xã hội, người dân phải làm đủ các thủ tục chứng minh họ được mua và chịu ràng buộc sau 5 năm mới được bán lại. Thế nhưng, nhiều dự án nhà ở xã hội lại xảy ra tình trạng ế ẩm. Thậm chí qua cả 5 năm người dân đã có quyền chuyển nhượng vẫn chưa bán được nhà ở xã hội.
Mới đây, Dự án nhà ở xã hội AZ Thăng Long (Hoài Đức, Hà Nội) Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long làm chủ đầu tư thông báo mở bán lần thứ 12. Dự án có tổng số 1.496 căn. Sau 11 lần bán, chủ đầu tư mới bán được 475 căn hộ xã hội, còn 231 căn hộ dành cho thuê mua vẫn còn nguyên. Lần bán thứ 12 này, chủ đầu tư công bố đẩy ra thị trường 354 căn với giá 14.017.594 đồng/m2 (chưa bao gồm VAT và 2% phí bảo trì). Dự án được bán suốt từ năm 2015 đến nay vẫn chưa hết hàng.
Dự án nhà ở xã hội tại ô đất 5.B2 (Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội) do Công ty TNHH Thăng Long làm chủ đầu tư với tổng số căn hộ 504 căn. Sau 7 lần mở bán, chủ đầu tư mới bán được 228 căn. Mới đây, trong lần mở bán thứ 8, chủ đầu tư thông báo bán 177 căn. Đáng ngạc nhiên là trong 97 căn hộ nhà ở xã hội thuộc diện cho thuê vẫn còn đến 97 căn chưa ai thuê sau 7 lần thông báo. Mặc dù ở xa trung tâm, nhưng mức giá chủ đầu tư đưa ra là 15 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm phí bảo trì).
Còn dự án nhà ở xã hội tại Quốc Oai cũng phá kỷ lục khi mở bán đến lần thứ 19 trong suốt 5 năm qua. Đến nay, chủ đầu tư vẫn còn bán 42/364 căn, giá bán 9,96 triệu đồng/m2 (bao gồm cả VAT và phí bảo trì).
Tương tự, Dự án nhà ở xã hội Phú Lãm (Hà Đông) cũng qua 5 năm bán song vẫn còn tồn đọng.
Thiếu ưu đãi, hạ tầng bất cập
Theo ghi nhận của phóng viên, tính từ đầu năm 2020, ngoài các dự án nhà ở xã hội ế tiếp tục mở bán các đợt tiếp theo, Hà Nội có duy nhất dự án nhà ở xã hội tại Tứ Hiệp (Thanh Trì) triển khai mới. Dự án có quy mô hơn 1.000 căn hộ, Công ty CP Đầu tư xây dựng và cơ điện IEC làm chủ đầu tư. Dự án được bán với giá 16 triệu đồng/m2.
Các dự án đề cập trên hầu hết cách trung tâm Hà Nội khá xa, quan trọng nhất là thiếu hạ tầng cơ bản như trường học, bệnh viện, kết nối giao thông...
Có thể nhận thấy, kể từ khi gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng kết thúc, thị trường nhà ở xã hội đã chững lại cả về nguồn cung lẫn cầu do một thời gian dài không có gói tín dụng thay thế. Hiện tại, Ngân hàng Chính sách xã hội đã triển khai gói vay ưu đãi cho nhà ở xã hội, nhưng mức vốn thấp hơn nhiều so với nhu cầu vay vốn của người dân.
Ông Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, nhà ở là một trong những nhu cầu thiết yếu trong đời sống xã hội cùng với giáo dục, y tế... Cơ chế ưu đãi không còn nhiều, dân khó tiếp cận nguồn vốn, thủ tục phức tạp khiến việc phát triển nhà ở giá rẻ khó thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, giá đất và tiền sử dụng đất tại các khu vực gần trung tâm thành phố rất cao nên các chủ đầu tư không có khả năng phát triển nhà ở giá rẻ, bình dân tại các khu vực này mà phải đi ra xa trung tâm thành phố.
Trong khi đó, các khu vực xa trung tâm thường thiếu nhiều điều kiện về kết nối giao thông với các khu vực khác, chất lượng hạ tầng xã hội và dịch vụ thấp. Còn những nơi có nhiều cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức phát sinh nhiều lao động làm việc lại rất ít dự án nhà giá rẻ, bình dân.
Theo ông Đính, người dân mua nhà để ở và nơi đó còn phải có những công trình đáp ứng nhu cầu tối thiểu trong cuộc sống của họ như các tiện ích, trường học, bệnh viện, hạ tầng giao thông.
Bộ Xây dựng vừa báo cáo Thủ tướng về tình hình quy hoạch và khai thác sử dụng quỹ đất đô thị dành để phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, bộ này đã đề xuất, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố: Quan tâm phát triển nhà ở xã hội; Sử dụng đúng khoản tiền các chủ đầu tư nộp tương đương giá trị quỹ đất 20% để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Bộ Xây dựng cũng kiến nghị Chính phủ cũng giao Bộ Xây dựng thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các chủ đầu tư không thực hiện đúng theo quy định; sửa đổi, bổ sung Nghị định 100 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến tháng 1/2020 trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 207 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng hơn 85.810 căn, với tổng diện tích hơn 4.290.500 m2; đang tiếp tục triển khai 220 dự án với quy mô xây dựng khoảng 179.640 căn.
Riêng trong năm 2019, bộ này đã hoàn thành 9 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, quy mô khoảng 4.110 căn hộ. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng đánh giá kết quả trên chưa đạt yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo Ngọc Mai (bizlive.vn/NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.