(GLO)- Bên cạnh bộ phận cư dân tại chỗ là người Bahnar, Jrai, một bộ phận người Kinh (Việt) cũng có mặt ở Gia Lai khá sớm. Trong nửa cuối thế kỷ XX, trên địa bàn tỉnh đã có một bộ phận cư dân rất lớn, thuộc nhiều dân tộc khác nhau, từ những nơi khác đến lập nghiệp. Trong số này, có nhóm người Hmông (đồng bào tự nhận là người Mông) cư trú thành các làng riêng, tại xã Ya Hội (huyện Đak Pơ).
Nhóm người Hmông ở xã Ya Hội hiện nay có nguồn gốc từ xã Phi Hải, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng. Tháng 5-1982, nhóm người Hmông đầu tiên vào Ya Hội chỉ có 11 hộ với 115 nhân khẩu, do ông Lý Văn Páo dẫn đầu.
Những cô gái Hmông ở Ya Hội. Ảnh: Lê Nam |
Người nhà ông Lý Văn Páo cho biết, cơ duyên đưa họ đến với Tây Nguyên là vì, trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, một người em họ của ông Páo lấy chồng là ông Đinh Jong Hinh, người Bahnar, quê ở làng Tơ Nung (xã Ya Ma, huyện Kông Chro) tập kết ra Bắc. Thời gian ở miền Bắc, ông là họa sĩ của Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Quảng Uyên (tỉnh Cao Bằng). Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Hinh đưa vợ con về quê (năm 1978), còn bản thân thì chuyển về làm cán bộ Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Mang Yang, rồi nghỉ hưu từ những năm 1980. Trở về quê hương, ông viết thư mời ông Páo vào Tây Nguyên-nơi mà ông vẫn kể với gia đình bên vợ là có đất đai bao la, màu mỡ so với Cao Bằng.
Đến Tây Nguyên, 11 gia đình chọn địa điểm Gò Rạ, giáp UBND xã Ya Hội (cũ) để định cư, lập nên làng Mông. Sau đó, dân làng Mông đông dần lên do những người đã đến đây sinh thêm con cháu và do những người đồng hương của họ vẫn tiếp tục vào rải rác trong nhiều năm sau. Từ một làng ban đầu, đến nay, số người Hmông ở Ya Hội đã hình thành 3 làng tập trung, gồm: Mông 1, Mông 2 và Ghép. Tính đến tháng 4-2017, làng Mông 1 có 40 hộ, 229 nhân khẩu; làng Mông 2 có 52 hộ, 275 nhân khẩu, ở dọc suối Hvây. Làng Mông 1 và Mông 2 cách nhau khoảng 700 mét. Riêng làng Ghép, ngoài 42 hộ với 199 nhân khẩu là người Hmông, trong làng còn có 5 hộ với 17 nhân khẩu là người Dao.
Từ Ya hội, năm 1994, có khoảng 7-8 hộ người Hmông đã chuyển sang sinh sống tại làng Lơ Vir, xã Lơ Ku, huyện Kbang.
Ở nước ta, người Hmông nằm trong nhóm 3 dân tộc nói ngôn ngữ Hmông-Dao là: Hmông, Dao và Pà Thẻn. Trước năm 1979, người Hmông được gọi là người Mèo. Gần đây, có người cho rằng nên gọi dân tộc này là Mông, thay cho Hmông (nhóm cư dân ở Ya Hội cũng tự nhận họ là người Mông). Tuy nhiên, trong danh mục các dân tộc Việt Nam, tộc danh của họ vẫn được ghi là Hmông.
Đến Gia Lai-một vùng đất xa quê cũ, nhưng do sinh sống tập trung thành những cộng đồng riêng, nên người Hmông trong các làng Mông và làng Ghép ở xã Ya Hội vẫn giữ được khá nhiều nét văn hóa đặc sắc của dân tộc như múa khèn, làm những bộ trang phục Hmông sặc sỡ, làm quả còn... cùng nhiều hoạt động văn hóa tinh thần khá đặc sắc.
Kim Vân