(GLO)- Gia Lai có khá nhiều địa danh bắt đầu bằng chữ Trà như: Trà Bá, Trà Đa, Trà Phan, Trà Huỳnh, Trà Dôm, Trà Tiên, Trà Nhiên... và cả Pleiku cũng đã có thời được người Việt gọi là Trà Cu.
Trước đây, có ý kiến cho rằng, những địa danh có từ tố Trà ở Gia Lai là những nơi trước kia ở gần đồn điền trồng trà (chè) của người Pháp. Vì ở đó có nhiều trà nên người ta đặt tên làng, tên vùng đó (hoặc gần đó) bắt đầu bằng Trà. Theo cách giải thích này, Trà trong những địa danh ở Gia Lai có nghĩa là cây chè. Sau khi tiến hành khảo sát nhiều địa danh được bắt đầu bằng từ tố Trà, chúng tôi thấy ý kiến này chưa thật sự thuyết phục. Trên thực tế, có không ít địa danh có đặc điểm này nhưng ở quanh đó trước kia cũng như hiện nay chưa từng là đồn điền trà hay được người dân trong vùng trồng trà một cách phổ biến.
Một góc đường Trà Đa, TP. Pleiku. Ảnh: Đức Thụy |
Theo Linh mục Nguyễn Hoàng Sơn, một người đam mê nghiên cứu lịch sử-văn hóa, từ tố Trà trong rất nhiều địa danh ở Gia Lai có nguồn gốc từ từ pla, tức là làng trong tiếng Chăm. Trong cách đọc của cư dân ven biển miền Trung Trung bộ, pl thường bị biến âm thành tr, trà ở đây được biến âm từ pla, có nghĩa là làng mà thành.
Kiểm nghiệm lại ý kiến này, chúng tôi thấy, những địa danh ở Gia Lai bắt đầu bằng từ tố Trà xuất hiện đầu tiên thường là tên làng rồi sau đó mới chuyển hóa thành những địa danh khác (như chợ, hồ, xã, vùng…) và thường gặp ở những nơi có bộ phận cư dân Kinh đầu tiên đến lập nghiệp-là nhóm dân có nguyên quán ở miền Trung Trung bộ. Tên của những làng này thường bắt đầu bằng Trà kèm tên một làng dân tộc tại chỗ ở gần đó hoặc tên người lập làng. Còn một điều đáng lưu ý nữa là những địa danh ở Gia Lai có từ tố Trà cũng chỉ phổ biến trên cao nguyên Pleiku (nơi có cư dân tại chỗ là người Jrai). Ví dụ:
- Trước năm 1945 ở Đông Pleiku có làng Việt Trà Nhá, ở gần làng Tơnhă của người Jrai. Năm 1945, làng này sáp nhập vào làng Phú Thọ.
- Trà Đa ban đầu là tên của một làng người Kinh ở phía Nam chợ Biển Hồ, lập năm 1922. Nó vốn là một đồn điền nhỏ của linh mục thừa sai Corrompt (Cố Hiển). Vì ở gần làng Đal (làng Đal) của người Jrai đã có từ trước nên người Kinh ở đây gọi làng của mình là Trà Đa.
- Trà Dôm chỉ vùng đất gần làng Piơm của người Bahnar.
- Trà Bá ban đầu là tên một làng lập năm 1932, do ông Nguyễn Tỵ (xã Tỵ) mộ 15 gia đình từ đồng bằng lên lập làng gần đồn điền Ia Pết (SAPKO) làm rẫy, làm vườn và buôn bán.
- Trà Cú/Cu: Trong Sổ tay địa danh Việt Nam, ở mục từ Gia Lai, tác giả Đinh Xuân Vịnh viết: “Đạo Gia Lai ở Tây Nguyên thành lập năm 1932, tách từ tỉnh Kon Tum ra, đầu tiên gọi là đạo Trà Cú, Pháp gọi là Pleiku, lấy tên lỵ sở đạo mà gọi, sau đổi tên là đạo Gia Lai, lấy tên dân tộc thượng Gia Rai”.
Gần đây, khi đến Tiên Sơn, nói chuyện với một số người già trong vùng, chúng tôi vẫn nghe các cụ gọi những làng Jrai như làng Nhiêng, làng Tiêng ở gần đó là Trà Nhiên, Trà Tiên.
Trao đổi với Tiến sĩ ngôn ngữ Phú Văn Hẳn, người Chăm, hiện đang làm việc tại Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ, anh đồng ý với quan điểm thứ 2 và cho biết thêm: Không chỉ trong ngôn ngữ Chăm mà ngôn ngữ của các tộc người thuộc ngữ hệ Malayo-Polinesien nói chung (trong đó có người Jrai) thì cả plơi và pla đều có nghĩa là làng.
Vậy, chúng tôi thấy ý kiến cho rằng từ tố Trà trong những địa danh ở Gia Lai có nguồn gốc từ pla hay plơi-tức là làng trong ngôn ngữ Malayo-Polinesian mà cư dân Việt vùng ven biển miền Trung nước ta chịu ảnh hưởng từ trước, là có cơ sở.
Kim Vân