(GLO)- Năm nay, ông Nguyễn Khoa-cán bộ lão thành cách mạng đã bước sang tuổi 96. Vợ ông, bà Quách Thị Hường-cán bộ tiền khởi nghĩa cũng đã 92 tuổi. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng trí nhớ của hai ông bà vẫn còn khá minh mẫn. Vào những ngày này, cả hai ông bà lại xúc động bồi hồi nhớ lại những ngày tháng lịch sử của mùa thu cách mạng hào hùng 69 năm về trước…
Vợ chồng ông bà Nguyễn Khoa và Quách Thị Hường. Ảnh: Đức Phương |
Tháng 8-1945, ông Nguyễn Khoa lúc đó là cán bộ thanh niên tràn đầy nhựa sống đang hoạt động sôi nổi trong phong trào Đoàn Thanh niên yêu nước ở đồn điền chè Bàu Cạn và bà Quách Thị Hường cũng là một phụ nữ hoạt động tích cực ở đồn điền này. Ông Khoa nhớ lại: Chớp thời cơ chính phủ Nhật đầu hàng quân đồng minh, Trung ương Đảng ta đã phát lệnh tổng khởi nghĩa trên toàn quốc. Đáp lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân các dân tộc Gia Lai đã hòa chung khi thế của đồng bào cả nước đứng dậy đồng loạt làm cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công.
Trong khí thế cách mạng ngút trời, từ ngày 14 đến 18-8-1945, dưới sự hướng dẫn của tổ chức Đảng và cán bộ Việt Minh, hầu hết nông thôn các tỉnh miền Bắc, một số tỉnh miền Trung và miền Nam nhân dân đã nổi dậy cướp chính quyền thành công. Ở Gia Lai, bộ máy cai trị của địch hoang mang cực độ. Lực lượng quân đội Nhật, bọn hiến binh đóng ở Pleiku, An Khê, Cheo Reo và các đồn binh lính lần lượt rút về Quy Nhơn chờ quân đồng minh giải giáp. Lính bảo an không còn ủng hộ chính quyền thân Nhật, đã dần dần ngả về phía cách mạng, đồng tình và ủng hộ các hoạt động của quần chúng và thanh niên yêu nước. Chớp thời cơ, sáng 20-8, Đoàn Thanh niên An Khê kêu gọi quần chúng đứng lên khởi nghĩa thành công, tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai, thành lập chính quyền cách mạng. Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời huyện An Khê được thành lập do ông Trần Sanh làm Chủ tịch… Đây là địa phương đầu tiên trong tỉnh Gia Lai, lực lượng khởi nghĩa đứng lên giành chính quyền về tay nhân dân. Sáng 22-8, đoàn quân khởi nghĩa của An Khê có lực lượng vũ trang tự vệ đã tiến lên thị xã Pleiku phối hợp với Đoàn Thanh niên Gia Lai khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ.
Ông Khoa nhớ lại, lúc đó khí thế khởi nghĩa ở thị xã Pleiku đã dâng lên ngút trời. Chiều 22-8, chúng tôi nhận được điện của Việt Minh Bình Định với nội dung: “Bảo Đại chấp nhận thoái vị, Việt Minh giành chính quyền, yêu cầu thanh niên Gia Lai tổ chức biểu tình ủng hộ Việt Minh”. Đoàn Thanh niên Gia Lai lập tức hành động, yêu cầu tên Tỉnh trưởng Bửu Phu ký lệnh trưng dụng xe ô tô đưa cán bộ thanh niên đến các công sở trong tỉnh và các đồn điền, những vùng nông thôn phụ cận tuyên truyền huy động quần chúng vũ trang biểu tình giành chính quyền. Tổ chức thanh niên phân công đồng chí Nguyễn Đường đến đồn điền Biển Hồ, đồng chí Phạm Thuần đến đồn điền Bàu Cạn, đồng chí Nguyễn Xuân Mỹ đi Mỹ Thạch… thông báo tin Nhật đầu hàng, Bảo Đại thoái vị, Việt Minh giành chính quyền và huy động công nhân, nông dân, thanh niên, đồng bào dân tộc thiểu số về thị xã Pleiku để mít tinh, biểu tình giành chính quyền.
“Nhận được tin vui, suốt đêm 22-8, các địa phương trong tỉnh gần như không ngủ. Hơn mấy trăm người trong Đoàn Thanh niên và Phụ nữ, quần chúng ở đồn điền chè Bàu Cạn thức suốt đêm để lo may cờ đỏ sao vàng, dán cờ đuôi nheo bằng giấy và khẩu hiệu: “Toàn dân đứng lên đấu tranh khởi nghĩa giành chính quyền, giành độc lập tự do”. Bà Hường thì lãnh đạo chị em phụ nữ chuẩn bị cơm nắm, bánh tét để ăn trên đường đi còn tôi và các anh trong Ban Chấp hành Thanh niên thì tổ chức cho đàn ông đi trang bị gậy gộc, dao mác, cuốc xẻng. Nhiều người chuẩn bị thêm dây dừa để khi bắt được kẻ địch chống đối thì trói lại. Chừng 4 giờ sáng 22-8, hơn 700 thanh niên, phụ nữ, công nhân và quần chúng cách mạng ở Bàu Cạn với khí thế rợp trời giương cao cờ đỏ sao vàng tiến về thị xã”-ông Khoa kể.
Cũng theo ông Khoa, sáng 22-8, một cuộc biểu dương lực lượng hơn một vạn quần chúng chưa từng có trong lịch sử ở Pleiku gồm công nhân đồn điền, nông dân người Kinh và đồng bào các dân tộc, cùng các tầng lớp nhân dân thị xã tập trung mít tinh tại Tòa khâm sứ. Sau đó, lực lượng quần chúng chia thành hai cánh tuần hành qua các phố chính trong thị xã. “Chúng tôi vừa đi vừa hô vang các khẩu hiệu: “Đả đảo Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim”, “Việt Nam hoàn toàn độc lập”, “Ủng hộ Mặt trận Việt Minh”-ông Khoa kể… Tại các nơi đến, bọn tay sai trong bộ máy bù nhìn của chính quyền địch đã bỏ trốn để trụ sở trống không hoặc run rẩy đầu hàng để lực lượng cách mạng giành chính quyền về tay nhân dân”-ông Khoa xúc động nói.
Đúng 10 giờ sáng 23-8, gần một vạn người lực lượng cách mạng đã tập trung về sân vận động thị xã Pleiku dự cuộc mít tinh dưới rừng cờ đỏ sao vàng tung bay lộng gió. Từ trong biển người, ông Nguyễn Khoa xúc động nghẹn ngào chứng kiến ông Trần Ngọc Vỹ đứng trên bục cao đại diện lực lượng quần chúng khởi nghĩa dõng dạc tuyên bố xóa bỏ hoàn toàn bộ máy chính quyền cũ, thành lập chính quyền cách mạng, kêu gọi nhân dân các dân tộc trong tỉnh triệt để thi hành các chủ trương, chính sách đoàn kết dân tộc của Mặt trận Việt Minh, ủng hộ Ủy ban Dân tộc Giải phóng do cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch…
Đêm 23-9-1945, Hội nghị đại biểu các lực lượng khởi nghĩa tại Dinh Quản đạo đã nhất trí thông qua danh sách Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh Gia Lai gồm 5 thành viên đủ các thành phần đại diện, do ông Trần Ngọc Vỹ làm Chủ tịch.
Chỉ trong vòng hơn 1 tuần lễ, từ thị trấn An Khê, thị xã Pleiku, các thị trấn Cheo Reo, Chư Ty, Plei Kly, đến các làng xã cả vùng Kinh và vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh, quần chúng nhân dân đã khởi nghĩa giành thắng lợi. Hệ thống chính quyền của đế quốc, thực dân-phong kiến bị xóa bỏ hoàn toàn, bộ máy chính quyền cách mạng bước đầu được thiết lập trong toàn tỉnh. Cuộc nổi dậy giành chính quyền của nhân dân các dân tộc Gia Lai là mốc son chói lọi có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với phong trào cách mạng ở địa phương, góp chung vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám vĩ đại trên địa bàn cả nước.
Đức Phương