Nhớ dốc hoa vàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi định cư ở Kon Tum, nhưng tính đến cuối năm 1976, tôi đã có 3 lần “tạm trú” ở Pleiku, mỗi lần gần 1 năm. Thế nhưng năm thì mười họa tôi mới có chuyến đi về phía Nam thị xã (bây giờ là thành phố) chơi nhà vài người bạn ở Trà Bá; chưa bao giờ có dịp đi xa hơn đến dốc núi Hàm Rồng. Tôi còn nhớ, nhìn voi vói xa hơn Trà Bá một tí về phía Nam khi ấy còn nguyên dáng dấp nông thôn, dân cư thưa thớt, nhà cửa tầm tầm chứ không như bây giờ.

Mãi đến cuối năm 1989, khi Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Gia Lai-Kon Tum tổ chức cho hội viên chuyến thực tế sáng tác về huyện Chư Sê, tôi mới có dịp lần đầu tiên ngang qua dốc Hàm Rồng lượn vòng quanh một phần chân núi.

 

Vạt dã quỳ vàng rực dưới chân núi Hàm Rồng. Ảnh: Lê Hà
Vạt dã quỳ vàng rực dưới chân núi Hàm Rồng. Ảnh: Lê Hà

Không biết nói cách sao cho rõ hết được cảm giác và cảm xúc của tôi (và nhiều anh chị em hội viên khác) trước một cảnh sắc thiên nhiên vô cùng độc đáo ở núi Hàm Rồng khi ấy. Từ xa xa, trước mắt chúng tôi là ngờm ngợp một màu vàng rưng rức dã quỳ phủ kín từ chân núi lên đến đỉnh! Đúng là như vậy, hầu như không có một chỗ trống nào! Gần như cả đoàn cùng “ồ” lên một lúc, đề nghị dừng xe. Ai cũng nhờ chụp hình kỷ niệm (lúc bấy giờ rất hiếm người có máy ảnh). Khi lên xe đi tiếp về Chư Sê, tôi tin chắc lúc ấy chỉ duy nhất anh lái xe là phải lo nhìn đường mà thôi, chứ toàn thể chúng tôi đều chăm chăm về phía núi để “uống” cho hết cái cảnh sắc ấy vào trong tư duy và cảm xúc.

Ngày hôm ấy và non ngày hôm sau, cả đoàn tham quan Công ty Cao su Chư Sê và Nông trường Cà phê Ia Pát. Mặc dù được Công ty và Nông trường tiếp đãi tử tế, ân cần, song chúng tôi cứ ngong ngóng giờ về, để lại chiêm ngưỡng lần nữa cái phong cảnh-mà chúng tôi kháo nhau-không nơi nào có được!

Cảnh sắc ấy, khi đi đã ngỡ ngàng thế nào, thì chuyến về càng ngẩn ngơ hơn nữa. Hóa ra phía bên này núi (tức phía Tây Nam, hướng về Chư Prông, Chư Sê), cũng cảnh sắc ấy, nhưng dường như hoa nhiều hơn, vàng hơn, ngờm ngợp hơn và đẹp hơn thì phải. Tự thắc mắc, rồi chúng tôi cũng tự lý giải rằng: lúc bấy giờ phía bên này sườn núi còn nguyên vẻ hoang sơ thảo dã, điệp trùng bát ngát thảo nguyên bao quanh (chứ không như ngày nay), trong khi phía Đông Bắc bên kia (tức phía hướng về thị xã Pleiku) gần vùng dân cư hơn, chung quanh dưới chân núi đã lốm đốm nhiều chỗ bị bà con khai hoang làm rẫy khiến cho cảnh sắc bớt đi ít nhiều vẻ hoang sơ; và điều đó khiến những “con mắt thơ” thấy khác!

Thế là núi Hàm Rồng lúc ban đầu không nằm trong kế hoạch, không phải là “trọng điểm” của chuyến đi, nhưng núi ấy, hoa ấy, khung trời ảo mộng ấy cứ tự nhiên và tự do đi vào những sáng tác của chúng tôi, không những nhiều, mà còn đẹp, còn hay, ngoài sự mong ước của chính các tác giả!

Rất tiếc, ngày nay núi Hàm Rồng đã không còn cái nét “đẹp xưa” (tên một bài thơ mang khí vị hoài cổ rất hay của Huy Cận) nữa. Người ta đã trồng lên ấy rất nhiều thông, mà lớp thực bì của lá thông rụng có chất tinh dầu đã khiến dã quỳ không còn chen mọc được! Mỗi khi ngang qua đấy, nhất là vào thời điểm cuối năm, trong sương mơ bảng lảng và gió núi se se, không còn gặp lại cái màu vàng rưng rức nhớ thương giữa trời cao vời vợi, lòng tôi có nỗi bùi ngùi…

Trở lại chuyến thực tế sáng tác. Cái “Dốc hoa vàng” Hàm Rồng bất ngờ ùa ập vào tôi một nỗi gì ngờm ngợp, mang mang… Bất giác, bóng hình cô bạn gái Pleiku gặp nhau thời “khờ khạo ngây ngô” nơi Trường Trung học Sư phạm Gia Lai-Kon Tum (cũ) đã hút mờ dĩ vãng cũng ùa về choáng ngợp hồn tôi. Tôi chìm vào dòng nhớ cái hôm theo về nhà bạn ở miệt Đức An tĩnh lặng với những khu vườn cây trái sum sê. Đức An ngày nay khó tìm lại một lối nhỏ “đường làng” nào như khi ấy để tôi tiện tay với ngắt một đóa dã quỳ ven rào tặng bạn và đặt tên cho bạn là “Dã hoa” (loài hoa thảo dã). Bạn đón nhận cả hoa và tên gọi mới bằng ánh mắt nhìn chỉ riêng tôi hiểu… Ôi, ước gì có bạn ở đây, lúc này! Tôi sẽ tặng bạn nguyên cả một sườn đồi hoa vàng trước mắt…  Một ý thơ đáp vào tôi bất chợt…

Đêm ấy, cả đoàn nghỉ lại Pleiku để chờ sáng mai đi tiếp về hướng Bắc, đến thác Ia Ly (thác Ia Ly khi ấy còn nguyên sơ, chưa thi công công trình thủy điện). Chén tạc chén thù, trong cơn bâng lâng cùng bè bạn, tôi cao hứng “trình làng” bài thơ mới rời rợi của mình. Bài thơ sau này nhiều lần được chọn in lại trong các tuyển tập thơ Gia Lai nói chung, Pleiku nói riêng. Tôi đặt tên cho bài thơ là Hoa vàng Pleiku: “Đưa nhau lên dốc hoa vàng/Màu hoa vàng đến ngỡ ngàng Pleiku/Chiều hoang vắng khói hoang vu/Rừng hoang dã với sương mù hoang sơ/Ngỡ chừng đi lạc trong mơ/Rời tay, hai đứa chợt ngơ ngẩn buồn…/Xa rồi một thuở mù sương/Người xa ngút một mùa hương chưa về/Hoa vàng vẫn nở tái tê/Chiều đông lạnh gió bốn bề dốc xa/Vô tình giữa chuyến xe qua/Mình tôi với một mùa hoa… rất vàng!”…

Bây giờ dốc núi Hàm Rồng tới mùa cũng vẫn là dốc hoa vàng đấy, nhưng chỉ ven dọc đường đi mà thôi, không còn cảnh sắc vàng ngợp lên đến đỉnh. Nhưng biết làm sao được, Hoa vàng Pleiku vẫn là trong nỗi nhớ riêng tôi…

Tạ Văn Sỹ

Có thể bạn quan tâm

Phú Thiện: Cán bộ chủ chốt góp ý Dự thảo lần thứ nhất Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ huyện

Phú Thiện: Cán bộ chủ chốt góp ý Dự thảo lần thứ nhất Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ huyện

(GLO)- Sáng 11-12, Huyện ủy Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) tiến hành hội nghị cán bộ chủ chốt toàn huyện góp ý Dự thảo lần thứ nhất Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025-2030. Các đồng chí Thường trực Huyện ủy chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Dự án 8 tại huyện Ia Pa. Ảnh: Vũ Chi

Ia Pa sơ kết 3 năm triển khai Dự án 8

(GLO)- Sáng 10-12, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) tiến hành sơ kết 3 năm thực hiện dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” giai đoạn 2021-2024.

Ảnh: Đ.M.P

Sró một thời...

(GLO)- Từ trung tâm huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đi chừng 30 km là đến xã Sró. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều lần trong các chuyến công tác, tôi đã qua lại nơi đây. Kỷ niệm thì nhiều, nhưng tôi nhớ nhất là hồi chú Trần Quốc Bảo làm Bí thư Huyện ủy.

Gia Lai: Công bố 3 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực tài sản kết cấu hạ tầng chợ

Gia Lai: Công bố 3 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực tài sản kết cấu hạ tầng chợ

(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành Quyết định số 783/QĐ-UBND về việc công bố danh mục gồm 3 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực tài sản kết cấu hạ tầng chợ do nhà nước đầu tư, quản lý thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công thương, UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Phòng-chống cháy mía

Kbang tích cực xây dựng phương án phòng-chống cháy mía

(GLO)- Để chuẩn bị tốt thu hoạch mía niên vụ 2024-2025, phòng ngừa cháy mía gây thiệt hại cho người dân, UBND huyện Kbang đã chỉ đạo các xã, thị trấn đăng ký kế hoạch thu mua mía với Nhà máy đường An Khê, đồng thời tích cực xây dựng phương án phòng-chống cháy mía.

Tặng 600 chiếc áo ấm cho thiếu nhi xã Đak Sơ Mei

Tặng 600 chiếc áo ấm cho thiếu nhi xã Đak Sơ Mei

(GLO)- Chiều 6-12, Công ty TNHH Doanh nghiệp xã hội từ thiện và hỗ trợ phát triển cộng đồng Fly To Sky phối hợp cùng Đảng ủy-UBND-Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đak Sơ Mei (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Áo ấm chuyền tay” nhằm trao tặng áo ấm cho thiếu nhi trên địa bàn xã.

Quang cảnh hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng năm 2024 huyện Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: 19/20 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt kế hoạch năm 2024

(GLO)- Sáng 6-12, UBND huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) tổ chức hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Nguyễn Ngọc Ngô chủ trì hội nghị.

Mùa cà phê chín đỏ

Mùa cà phê chín đỏ

(GLO)- Dưới ánh nắng rực rỡ của những ngày cuối tháng 11, trên khắp các vườn cà phê chín đỏ, không khí thu hoạch rộn rã hơn. Năm nay, bà con nông dân đón mùa vụ với sự hân hoan lớn khi lần đầu tiên cà phê có một mức giá cao nhất lịch sử.