(GLO)- Dù các cửa hàng kinh doanh điện thoại chính hãng mọc lên nhan nhản tại TP. Pleiku nhưng nhiều người vẫn sẵn sàng bỏ một khoản tiền không nhỏ để mua bán các loại điện thoại xách tay, bất chấp những rủi ro tiềm ẩn.
Trên thực tế, không phải đơn vị nào cũng đủ điều kiện làm nhà nhập khẩu điện thoại chính hãng, đặc biệt là đối với thương hiệu nổi tiếng như Apple. Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện chỉ có vài đơn vị là nhà nhập khẩu trực tiếp điện thoại iphone, đó là Thế giới di động, FPT shop… Chính vì vậy, các cơ sở kinh doanh khác muốn bán mặt hàng này đều phải lấy lại từ các đơn vị nhập khẩu, khi đó lợi nhuận sẽ không nhiều. Vì thế, không ít cửa hàng đã lấy điện thoại từ nguồn hàng xách tay nhập lậu để tăng lợi nhuận.
FPT shop là một trong những nhà nhập khẩu trực tiếp iphone tại Việt Nam. Ảnh: D.Q |
Tuy nhiên, việc kinh doanh điện thoại xách tay khá rủi ro, có thể bị cơ quan chức năng “sờ gáy”. Đầu tháng 10 năm nay, lực lượng Quản lý Thị trường Gia Lai đã xử phạt hành chính số tiền 19 triệu đồng đối với 2 cửa hàng kinh doanh điện thoại di động (Hoàng Thanh Mobile và QUAN Apple, đều ở TP. Pleiku) vì kinh doanh hàng nhập lậu, đồng thời, tịch thu 3 chiếc iphone 7 32G do không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.
Không riêng gì iphone, thị trường điện thoại xách tay ở TP. Pleiku với nhiều thương hiệu như Samsung, Blackberry, Sony… cũng khá nhộn nhịp, nhất là những dòng điện thoại cao cấp hoặc độc, lạ. Khách hàng mua mặt hàng này là người thích thể hiện sành điệu với một chiếc điện thoại độc, lạ nhưng chủ yếu vẫn là vì giá rẻ.
Theo chia sẻ của anh H. (chủ một tiệm kinh doanh điện thoại trên địa bàn TP. Pleiku), đa số các cửa hàng kinh doanh đều giải thích với khách hàng là điện thoại xách tay rẻ hơn hàng chính hãng do không chịu thuế. Nếu đó là hàng xách tay “xịn” thì chẳng có gì đáng nói. Tuy nhiên, trong thực tế, khách hàng vẫn có thể mua nhầm phải hàng “dựng”-hàng lắp ghép linh kiện. Một nguồn điện thoại nữa mà các cửa hàng vẫn hay bán gọi là hàng nhập khẩu “xịn” nhưng giá rẻ, đó là hàng trả góp được bán lại.
“Hiện có một số khách hàng (nhất là thanh niên) cần tiền sẵn sàng mua hàng trả góp rồi bán lại cho các cửa hàng kinh doanh điện thoại khác với giá rẻ. Theo đó, chỉ cần có 2-3 triệu đồng là có thể mua một chiếc điện thoại khoảng 15 triệu đồng theo hình thức trả góp rồi bán lại với giá 10-12 triệu đồng. Mặc dù chịu lỗ cao nhưng lại giải quyết được nhu cầu tiền trước mắt. Khách hàng mua hàng loại này cũng có thể gặp rắc rối trong khâu bảo hành nếu chủ nhân đầu tiên chưa thanh toán tiền đầy đủ…”-anh H. cho biết thêm.
Ảnh: D.Q |
Không chỉ vậy, theo một nhân viên kinh doanh điện thoại tại FPT shop Gia Lai, khách hàng mua điện thoại xách tay sẽ không được hưởng chế độ 1 đổi 1 nếu lỗi do nhà máy như hàng nhập khẩu chính hãng và rất nhiều chế độ bảo hành khác mà hãng đưa ra. Chưa kể, việc vận chuyển điện thoại xách tay về Việt Nam nếu không đúng quy trình cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng máy.
Ngoài ra, khi mua điện thoại xách tay của nhà mạng ở nước ngoài về Việt Nam, người sử dụng sẽ bị thiệt thòi. Những loại điện thoại này dù được bẻ khóa, có thể sử dụng bình thường nhưng sẽ không được nâng cấp hoặc tải một số phần mềm mới, chỉ cần người dùng quên hoặc lỡ tay tải thì chiếc điện thoại đó sẽ có nguy cơ bị khóa lại, trở thành “cục gạch”. Việc tiếp tục phá khóa vẫn có thể làm nhưng chi phí rất cao, hoặc phải sử dụng sim ghép… Thậm chí, có trường hợp đành lựa chọn giải pháp bán “xác” điện thoại để vớt vát chút tiền. Bên cạnh đó, một số cửa hàng bán điện thoại xách tay không có uy tín, mặc dù vẫn cam kết sẽ bảo hành 1 năm như chính hãng nhưng có khi chưa hết thời gian bảo hành cửa hàng đã chuyển địa điểm hoặc không còn kinh doanh…
Dã Quỳ