Nhiều diện tích rừng trồng tại Kon Tum bị chết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tháng 7/2021, có 29 hộ dân ở thôn Tu Mơ Rông và Mô Pả xã Đăk Hà huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) đăng ký trồng rừng với diện tích hơn 33 ha. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm đến nay, số diện tích rừng trồng trên đã chết nhiều, mật độ cây sống chưa tới 20% khiến người dân lo lắng.

Cây sơn tra trồng tại Tiểu khu 266 (xã Đăk Hà) bị chết khá nhiều. Ảnh: baokontum.com.vn
Cây sơn tra trồng tại Tiểu khu 266 (xã Đăk Hà) bị chết khá nhiều. Ảnh: baokontum.com.vn
Hiện tại, diện tích rừng trồng bằng cây Sơn Tra tại xã Đăk Hà tỷ lệ cây sống rất thấp. Qua khảo sát các diện tích rừng trồng trên, sau 1 năm trồng, ngoài cây chết số lượng rất lớn, số cây sống chỉ phát triển được từ 20-30 cm. Mật độ cây trồng rất thưa. Diện tích rừng trồng giờ toàn cỏ dại. Một số diện tích trồng chung cây bời lời, rẫy mỳ. Cá biệt, nhiều diện tích rừng trồng, người dân mới thu hoạch mỳ cách đây 2-3 tháng nên làm cây rừng chết.
Theo chị Y Sản ở thôn Tu Mơ Rông, nhà trồng 4 sào Sơn Tra xen với cây mỳ. Cây Sơn Tra mới trồng, mất nhiều năm mới cho thu hoạch. Trồng rừng, chính quyền chỉ hỗ trợ giống là chính và hướng dẫn trồng. Còn việc chăm sóc dân phải lo. Người dân phải trồng xen cây mỳ để kiếm thêm thu nhập. Cây chết là do trâu, bò, dê vào phá. Những hộ có tỷ lệ cây sống cao là do trồng ở xa khu dân cư, gần rừng nên trâu bò không phá.
Qua khảo sát thực tế, diện tích rừng mới trồng chết nhiều một phần không nhỏ là do người dân thu hoạch mỳ, phá cây. Hiện trường có dấu vết đào bới củ mỳ, bánh xe cơ giới trên lô trồng rừng đã tác động làm lấp hố cây. Cùng đó, việc chăm sóc, bảo vệ sau khi trồng rừng không đảm bảo. Người dân không phát dọn thực bì, không làm cỏ. Cá biệt, có hộ Y Dang phun thuốc diệt cỏ làm chết cây.
Ông Dương Đăng Khoa, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đăk Hà cho biết, Sơn Tra là cây bản địa, đa mục đích. Rừng trồng cây Sơn Tra chết một phần do người dân trồng chưa tốt, ít chăm sóc, không phát quang. Cách chăm sóc không đảm bảo, phun thuốc diệt cỏ. Cây trồng xen lẫn trong cây mỳ, khi người dân thu hoạch mỳ cũng làm chết cây. Do còn khó khăn, người dân bắt buộc phải trồng xen cây mỳ. Mức hỗ trợ chỉ 10 triệu đồng/ha, với cây Sơn Tra nên chỉ đủ mua giống. Cây rừng lâu mới hưởng thụ nên bắt buộc dân phải trồng xen. Ngoài ra, nguồn hỗ trợ giống chậm so với thời vụ trồng (trồng đầu mùa mưa).
Ngoài những lý do trên, có một thực tế, cây rừng trồng xen vào diện tích đất đã trồng bời lời, mỳ, cây bị phủ kín, cây thiếu sáng, ít dinh dưỡng, cây phát triển kém, chết. Trước thực trạng trên, ông Võ Trung Mạnh cho biết, để giúp dân, huyện đã chủ động tìm nguồn hỗ trợ để cung cấp giống cho dân trồng dặm lại trong vụ tới. Hiện chi phí hỗ trợ trồng rừng khá thấp. Ngoài ra, việc hỗ trợ gạo 15 kg/người/tháng cho người trồng rừng vẫn chưa có nên dân vẫn chưa mặn mà trồng rừng. Cùng đó trồng rừng, sau nhiều năm mới được hỗ trợ tiền dịch vụ môi trường rừng để đảm bảo an sinh nên dân chưa chú tâm. 
Theo ông Võ Trung Mạnh, cần phải thay đổi cơ chế, nâng mức hỗ trợ dân trồng rừng. Ngoài giống, còn công trồng, chăm sóc; sớm khẩn trương hỗ trợ gạo cho dân trồng rừng. Chưa kể, một số diện tích trồng rừng là đất rẫy của người dân lâu nay, chưa cấp quyền sử dụng, khi thành rừng người dân sợ bị lấy lại đất nên dù thống nhất trồng rừng nhưng trồng xen thêm mỳ để cây tự chết. Cùng đó, phải đảm bảo an sinh lâu dài cho dân trồng rừng để tránh người dân phát rừng làm rẫy. Với diện tích rừng dân đang bảo vê, cần nâng mức hỗ trợ, dân phải được hưởng lâm sản phụ dưới rừng do dân quản lý.
Ngoài cây Sơn Tra, số diện tích rừng trồng bằng cây trồng khác trên địa bàn Tu Mơ Rông như thông hiện phát triển ổn định…
Theo Cao Nguyên (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm