(GLO)- Cách đây mấy ngày, Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành Công văn số 2582/UBND-NL chỉ đạo các ngành, các cấp trong tỉnh nhanh chóng rà soát, duy trì, phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, cùng với đó là tổ chức đào tạo, tập huấn cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, cán bộ khuyến nông ở cơ sở… nhằm hướng dẫn bà con nông dân về quy trình sản xuất rau an toàn và làm tốt việc quản lý khâu buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời tuyên truyền, giáo dục mọi người nâng cao nhận thức, hiểu biết về các quy định pháp luật an toàn thực phẩm, ý thức trách nhiệm của người sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm.
Ngay sau khi công văn nói trên ra đời cũng có người bảo “Mất bò mới lo làm chuồng”. Bởi vì, hiện tình trạng chung của cả nước cũng như ở địa phương, việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đang “có vấn đề”, nếu không muốn nói là đã rơi vào tình trạng báo động. Từ lương thực đến thực phẩm, nói chung có gì ăn được là có nguy cơ độc hại, người tiêu dùng chẳng biết đâu mà lần, mỗi người chọn cho mình một cách đề phòng, có người cho là “tự cung tự cấp là an toàn”. Nhưng tất thảy những kiểu đề phòng, cảnh giác đó chẳng thể khẳng định tránh được nguy cơ nhiễm bệnh từ những thức ăn không an toàn, đặc biệt là rau củ quả, những loại đồ ăn không thể thiếu trong tất cả các bữa ăn hàng ngày của gia đình người Việt.
Cùng với sự phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất rau an toàn, nhất là các mô hình liên kết giữa các doanh nghiệp và nông dân thông qua hợp tác xã và các hình thức phù hợp trong sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, để biểu dương, khuyến khích thì việc cần làm nữa là phát hiện, cảnh báo, xử lý nghiêm túc, thích đáng các trường hợp vi phạm về buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại các vùng trồng rau tập trung. Các cơ quan chức năng và mọi người cũng cần tham gia giám sát chất lượng rau, nhất là nhóm rau có nguy cơ nhiễm độc cao như các loại rau thuộc nhóm lá, quả. Dù đấy chỉ mới là những giải pháp “ngọn”, nhưng nếu mọi người, mọi ngành cùng chung tay vào cuộc thì chắc chắn bước đầu cũng đã góp một phần làm cho thị trường rau an toàn phát triển, và là sự… “làm chuồng” này vẫn không hề muộn.
Về lâu dài, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp các ngành liên quan, địa phương, đơn vị… xây dựng chính sách đầu tư, hỗ trợ sản xuất, sơ chế rau an toàn đúng quy trình, quy chuẩn, trình Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt để triển khai trong toàn tỉnh. Hạn mà tỉnh giao cho Sở này hoàn thành việc đề xuất nói trên để Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét quyết định là trong tháng 9-2013.
Các huyện, thị xã và thành phố, các cơ quan truyền thông đại chúng trên địa bàn tỉnh là những nơi tùy theo chức trách của mình, Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo cần phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm trong việc tuyên tuyền, giáo dục, phát hiện biểu dương, noi gương, nhân rộng mô hình tốt trong nông dân, người sản xuất và buôn bán các sản phẩm rau an toàn, các chế phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp; đồng thời quản lý, phát hiện, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực này nhằm bảo đảm thật sự có một thị trường rau an toàn cho người tiêu dùng, mà đó cũng là một cách bảo vệ người tiêu dùng bằng hành động thiết thực, cũng là cách đưa khẩu hiệu “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vào đời sống hàng ngày, từng bước loại dần hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng nhập ngoại trong đời sống cộng động, bảo vệ người sản xuất trong nước, bảo vệ nền nông nghiệp nước nhà trong xu thế hội nhập ngày càng sâu vào thị trường thế giới hiện nay!
Bích Hà