Nhà ở xã hội: Cơ hội cho người thu nhập thấp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Dự kiến thời gian tới sẽ có một số dự án nhà ở xã hội được triển khai tại Gia Lai. Sở Xây dựng cũng đang rà soát đối tượng được ưu tiên mua nhà ở xã hội. Đây chính là cơ hội lớn dành cho người thu nhập thấp chưa có nhà ở.
Cơ hội cho người thu nhập thấp
Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, có 2 dự án nhà ở xã hội sẽ được triển khai trong tương lai gần. Đó là dự án Khu nhà ở xã hội ASEAN tại thị trấn Đak Đoa do Công ty cổ phần Phát triển Văn hóa Giáo dục Cộng đồng ASEAN đề nghị làm chủ đầu tư. Trên cơ sở lấy ý kiến từ các sở, ngành và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn gửi UBND tỉnh xin chủ trương nghiên cứu, đề xuất dự án nhà ở xã hội tại huyện Đak Đoa, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho gần 500 người. Theo dự kiến, dự án có tổng diện tích khoảng 17,6 ha, hiện là đất trồng cao su tái canh năm 2010 do Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang quản lý.   
Dự án thứ 2 là nhà ở xã hội tại Khu Công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku) do Công ty cổ phần Bất động sản Lan Hưng (Hà Nội) đề nghị được đầu tư. Theo đề nghị của doanh nghiệp này, khu nhà sẽ gồm nhà ở xã hội liền kề (2 tầng với diện tích sàn 130 m2/nhà) và nhà ở xã hội chung cư (9 tầng với diện tích 45-65 m2/căn hộ). Sẽ có các công trình đi kèm là nhà trẻ với quy mô phục vụ khoảng 300 cháu, sân thể thao, nhà sinh hoạt cộng đồng, cảnh quan cây xanh. Cùng với đó là cơ sở hạ tầng được đầu tư bài bản. Dự kiến người mua sẽ thanh toán trước 20% giá trị, số còn lại hai bên sẽ thỏa thuận thanh toán 10-20 năm, tùy thuộc vào khả năng tài chính của người mua. 
Chung cư Lê Lợi (TP. Pleiku) là khu nhà ở xã hội duy nhất của tỉnh tới thời điểm này. Ảnh: H.D
Chung cư Lê Lợi (TP. Pleiku) là khu nhà ở xã hội duy nhất của tỉnh tới thời điểm này. Ảnh: H.D
Ông Lê Tiến Anh-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: “Sự ra đời của các dự án nhà ở xã hội là vô cùng cần thiết, đáp ứng được nhu cầu rất lớn của người lao động trên địa bàn tỉnh. Đối với dự án Khu nhà ở xã hội ASEAN tại thị trấn Đak Đoa, khi được UBND tỉnh đồng ý chủ trương, Sở sẽ đăng thông tin công khai và mời gọi đầu tư dự án trên. Còn dự án nhà ở xã hội tại Khu Công nghiệp Trà Đa, nhà đầu tư đang trong quá trình lập quy hoạch chi tiết. Sở đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tạo điều kiện hết mức cho nhà đầu tư triển khai các dự án này”.
Ưu tiên người chưa có nhà
Ngày 10-8-2018, UBND tỉnh có Quyết định số 382/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2018-2025 và tầm nhìn đến năm 2035. Theo đó, tỉnh sẽ kêu gọi đầu tư các dự án nhà ở xã hội dạng nhà riêng lẻ nhằm giải quyết một phần nhu cầu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo khu vực đô thị trên địa bàn TP. Pleiku, thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa, thị trấn Chư Sê và một số địa phương khác.

Theo Điều 49, Luật Nhà ở, có 9 đối tượng được mua nhà ở xã hội gồm: người có công với cách mạng; hộ nghèo và cận nghèo; hộ sinh sống tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; người thu nhập thấp; người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; quân nhân, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân và Quân đội nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức; các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ; hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa. Tất nhiên, điều kiện tiên quyết là các đối tượng phải chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, phải có đăng ký thường trú tại nơi có nhà ở xã hội (nếu tạm trú thì từ 1 năm trở lên).

Theo ông Đỗ Việt Hưng-Giám đốc Sở Xây dựng: Ngoài các tiêu chí theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 27-9-2018, UBND tỉnh còn có Quyết định số 21/2018/QĐ-UBND quy định tiêu chí ưu tiên lựa chọn các đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội. Theo đó, thứ tự ưu tiên lần lượt là: cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có học hàm học vị, người được khen thưởng huân chương cao quý của Nhà nước; người có công với cách mạng; cán bộ, công chức, viên chức làm trong lĩnh vực giáo dục, y tế, người dân tộc thiểu số, có thành tích xuất sắc trong lao động và công tác; người lao động tự do có thu nhập bình quân tương đương hệ số 3,0 trở xuống.
Nhà ở xã hội là chính sách vô cùng nhân văn đối với những người có thu nhập thấp, chưa có nơi an cư. Theo rà soát chưa đầy đủ của Sở Xây dựng, toàn tỉnh có khoảng 3.000 công nhân, người lao động và cán bộ, công chức, viên chức thu nhập thấp có nhu cầu về nhà ở. Mong rằng các dự án nhà ở xã hội sẽ được hình thành nhiều hơn và sớm được triển khai để có thể giải bài toán an cư của đại bộ phận người lao động trên địa bàn tỉnh.
HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.