Nhà máy Đường An Khê nâng cao năng suất mía

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mía là cây trồng có sinh khối lớn, đòi hỏi lượng dinh dưỡng nhiều để đáp ứng nhu cầu phát triển của cây. Do đó, ngoài các biện pháp về giống, cơ giới hóa, những năm qua, Nhà máy Đường An Khê luôn chú trọng việc cải tạo đất và xây dựng công thức bón phân để nâng cao năng suất, chất lượng cây mía toàn vùng.

Xây dựng công thức bón phân

Vùng nguyên liệu mía của Nhà máy Đường An Khê hiện có khoảng 28.000 ha thuộc địa bàn các huyện, thị xã phía Đông tỉnh gồm: Kbang, Kông Chro, Đak Pơ và An Khê. Hầu hết diện tích mía đều nằm trên những chân đất đồi gò, có độ dốc lớn, dinh dưỡng thấp nên ảnh hưởng phần nào đến năng suất, chất lượng khi thu hoạch. Trước thực tế đó, ngoài việc chú trọng đến công tác thay đổi giống mía mới, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất mía, Nhà máy đã triển khai đầu tư phân bón và hướng dẫn quy trình kỹ thuật bón phân nhằm đảm bảo đủ dinh dưỡng cho mía phát triển, tiết kiệm chi phí sản xuất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

 

Sử dụng cơ giới hóa trong việc bón phân cho cây mía. Ảnh: H.T
Sử dụng cơ giới trong việc bón phân cho cây mía. Ảnh: H.T

Ông Nguyễn Hoàng Phước Trưởng phòng Đầu tư-Nguyên liệu Nhà máy Đường An Khê, cho biết: Nhà máy đã phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành lấy mẫu từng loại đất đem phân tích thành phần dinh dưỡng để làm cơ sở cho việc xây dựng công thức phân bón phù hợp đối với từng vùng nguyên liệu mía. Song song với đó, Nhà máy cũng triển khai khảo nghiệm liều lượng phân bón trên nhiều vùng đất để xác định lượng phân bón phù hợp cho từng vùng, từng loại đất khác nhau; đồng thời, ứng dụng cơ giới hóa trong việc bón vùi phân cho mía nhằm giảm sự thất thoát phân bón do rửa trôi khi mưa hay bốc hơi khi nắng hạn.

Ngoài ra, Nhà máy còn đặt hàng với các công ty phân bón có uy tín trên thị trường để sản xuất các dạng phân bón chuyên dùng cho mía nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của người trồng, góp phần tạo ra nguồn phân bón chất lượng cao, tránh được phân giả, phân kém chất lượng. Hàng năm, Nhà máy ưu tiên nguồn vốn trên 100 tỷ đồng mua 8.000-9.000 tấn phân bón NPK chuyên dùng để đầu tư trực tiếp cho nông dân trên toàn vùng nguyên liệu và không tính lãi suất vay ngân hàng trong suốt quá trình đầu tư. Với chính sách đầu tư này, người trồng mía có thể chủ động được nguồn phân bón chất lượng cao, tiết kiệm chi phí nên lợi nhuận được tăng lên.

Hộ ông Trần Như Bất (tổ dân phố 4, phường An Bình, thị xã An Khê) có 100 ha mía ở thôn 8, xã Chơ Long, huyện Kông Chro, trong đó có 60 ha thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn. Ông Bất chia sẻ: “Vài năm gần đây, mỗi vụ tôi có nhận đầu tư của Nhà máy Đường An Khê khoảng 60-70 tấn phân bón và áp dụng đúng quy trình, công thức bón phân mà Nhà máy hướng dẫn nên tiết kiệm được khá lớn lượng phân bị rửa trôi. Hiệu quả sản xuất tăng lên đáng kể với năng suất trung bình 100 tấn/ha, cao hơn sản xuất theo cách truyền thống 30-40 tấn/ha. Mùa vừa rồi, trừ chi phí, tôi thu được hơn 4 tỷ đồng”.

 

Công thức bón phân vô cơ cho mía được Nhà máy Đường An Khê tạm thời xác định gồm 2 loại: phân hỗn hợp NPK 15-15-15-TE để bón lót và phân hỗn hợp NPK 17-6-17-TE để bón thúc. Trên chân đất tốt, có khả năng giữ nước, giữ phân dùng 700-800 kg NPK/ha; đất xấu, khả năng giữ nước, giữ phân kém thì dùng 900-1.000 kg NPK/ha. “Qua thực tế cho thấy việc áp dụng theo công thức trên đã tiết kiệm tối thiểu 100 kg NPK/ha so với tập quán canh tác cũ của người trồng mía; năng suất mía năm sau đều tăng cao hơn năm trước 5-10%”-ông Nguyễn Hoàng Phước cho biết.

Chú trọng cải tạo đất

Hầu hết diện tích mía ở khu vực Đông Gia Lai đều nằm trên các sườn đồi, có độ dốc lớn cộng với kỹ thuật canh tác còn đơn giản, làm đất cạn, cày bừa, chăm sóc mía theo lối truyền thống nên đất đai ngày càng nghèo kiệt và dần bị sa mạc hóa. Chính vì thế, ngoài việc đầu tư phân vô cơ cho mía, Nhà máy Đường An Khê luôn chú trọng đến việc cải tạo đất, nâng cao độ phì hàng năm và trả lại chất hữu cơ cho đất, tiến đến xây dựng quy trình sản xuất mía bền vững trên toàn vùng nguyên liệu.

Biện pháp được Nhà máy áp dụng để bồi dưỡng, cải tạo đất là bón bổ sung vôi và chất hữu cơ. Ông Phước cho hay: Vôi không chỉ đơn thuần cung cấp can-xi cho cây mía mà còn có nhiều tác dụng khác như ngăn chặn sự suy thoái, cải tạo độ pH cho đất; ức chế được nấm bệnh tồn lưu trong đất và đặc biệt là phát huy hiệu lực của phân bón vô cơ, hữu cơ, giữ được lượng mùn có trong đất. Nhờ đó, bón vôi làm tăng năng suất cây mía, giúp môi trường canh tác ngày càng bền vững hơn. Còn chất hữu cơ sẽ cải thiện tất cả quá trình lý hóa tính đất; là kho thức ăn cho cây trồng và vi sinh vật đất; duy trì và bảo vệ đất; tăng cường giữ nước, giữ phân trong đất để cung cấp dần cho cây mía; giúp cho đất tơi xốp, tạo điều kiện thông thoáng cho bộ rễ mía phát triển tốt và chống rửa trôi xói mòn đất. Do đó, đòi hỏi người trồng phải thường xuyên tăng cường bón phân hữu cơ để trả lại cho đất chất hữu cơ mà cây trồng lấy đi hay mưa lũ rửa trôi, xói mòn. Tuy nhiên, nhiều năm qua, người trồng mía chưa thấy được tác dụng của việc bón vôi dẫn đến còn ngần ngại đầu tư. Việc bón phân hữu cơ cho mía cũng chưa được quan tâm đúng mức bởi thiếu nguồn phân, chi phí nhân công cao. Thêm vào đó, phân hữu cơ có hàm lượng dinh dưỡng thấp nên chưa tạo ra năng suất trực tiếp, rõ ràng trước mắt khiến người trồng chỉ chú trọng đến phân vô cơ. Để tạo thói quen bón vôi cho bà con nông dân, Nhà máy Đường An Khê đã bỏ ra gần 2 tỷ đồng để mua trên 1.000 tấn vôi nông nghiệp đầu tư không tính lãi cho vùng nguyên liệu. Trên cơ sở xác định độ pH trên từng vùng, từng loại đất cụ thể, Nhà máy đã khuyến cáo cho người trồng mía thực hiện quy trình bón vôi, liều lượng vôi bón phù hợp.

Đối với hiện tượng sa mạc hóa, Nhà máy thường xuyên khuyến cáo người trồng mía làm đất, chăm sóc mía đúng quy trình kỹ thuật; vận động tăng cường bón hữu cơ để vừa cung cấp thêm nguồn dinh dưỡng cho mía vừa cung cấp chất hữu cơ cho đất; đồng thời đầu tư trực tiếp bã bùn để bón cho mía hàng năm (số lượng bã bùn Nhà máy đầu tư trong vụ 2014-2015 là 40.000 tấn; vụ 2015-2016 trên 50.000 tấn). Hơn nữa, để khuyến khích người trồng mía bón cải tạo đất, Nhà máy đã đầu tư không thu hồi tiền mua bã bùn trên 80% của giá trị thị trường (khoảng 6 tỷ đồng). Hiện nay, nhiều nông dân đã hiểu được tác dụng trực tiếp của việc bón vôi và phân hữu cơ cho cây mía nên ngoài lượng vôi, bã bùn mà Nhà máy cung cấp hàng năm, họ còn tự mua thêm bên ngoài để bón cho mía. “Tôi có 40 ha mía trồng tại xã Ya Hội, huyện Đak Pơ. Địa hình đa số là đồi núi dốc nên canh tác một thời gian, đất đai bạc màu, xấu đi.

Sau một thời gian thực hiện theo phương pháp của Nhà máy Đường An Khê, tôi thấy đất được cải tạo rất tốt. Bón vôi giúp độ pH của đất ngày càng tăng cao, cây mía sinh trưởng phát triển tốt hơn; bón bã bùn giúp giữ ẩm đất, tiết kiệm được 1/3 đến 1/4 lượng phân vô cơ, giảm lượng cỏ dại trong ruộng vì mía sinh trưởng nhanh ngay từ thời kỳ đầu nên tạo ra sự che phủ đất. Năng suất mía ngày càng được nâng lên, ổn định và bền vững ở mức trên 100 tấn/ha”-ông Lê Công Khoa (tổ dân phố 8, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) phấn khởi bày tỏ.

Hồng Thi

Thời gian đến, Nhà máy Đường An Khê sẽ tiếp tục đầu tư nghiên cứu thành phần dinh dưỡng trong đất ở quy mô rộng hơn để xây dựng bản đồ thổ nhưỡng trên toàn vùng; thường xuyên kiểm tra chất lượng phân bón vô cơ để đầu tư cho người trồng mía đúng chủng loại, yêu cầu kỹ thuật; tập trung nguồn bã bùn để đầu tư cải tạo đất trồng mía; tiếp tục khảo nghiệm liều lượng phân bón và kỹ thuật bón phân trên diện rộng để làm cơ sở xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất mía phù hợp trên từng loại đất nhằm tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, góp phần tăng thu nhập cho người trồng mía; tiếp tục tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề phân bón và kỹ thuật bón phân cho người trồng mía nắm bắt và thực hiện. Bên cạnh đó, Nhà máy tiếp tục nghiên cứu, cải tiến thiết bị cơ giới để bón phân cho mía nhằm giảm thiểu sự thất thoát phân bón, tăng hiệu lực sử dụng phân bón cho mía, góp phần tiết kiệm chi phí bón phân và giảm ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí do sự tồn dư, tích tụ lượng phân bón vô cơ gây ra.

Có thể bạn quan tâm

Sản phẩm bò một nắng Mười Đức (huyện Krông Pa) đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Ảnh: N.D

Chương trình OCOP: Động lực phát triển kinh tế nông thôn

(GLO)- Sau 5 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều loại nông-lâm-thủy sản đặc trưng của tỉnh được đầu tư khai thác, chế biến thành sản phẩm OCOP, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn của tỉnh.

Dự án trụ sở HĐND-UBND TP. Pleiku đang được đơn vị thi công gấp rút hoàn thành các hạng mục còn lại. Ảnh: Q.T

Pleiku tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

(GLO)- Ủy ban nhân dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đang tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và các xã, phường quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn. Thành phố quyết tâm đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 95% theo kế hoạch.

Chư Pưh: Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư

Chư Pưh: Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư

(GLO)- Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, những năm qua, huyện Chư Pưh luôn là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, tại Hội nghị Liên kết, kêu gọi đầu tư và kết nối tiêu thụ sản phẩm huyện năm 2024 vừa được tổ chức, hàng loạt dự án trên các lĩnh vực được UBND huyện và các nhà đầu tư ký kết biên bản hợp tác.

Nhà máy chế biến nông sản Olam của Chi nhánh Công ty TNHH Olam Việt Nam tại Gia Lai. Ảnh: H.D

Gia Lai đa dạng hình thức thu hút đầu tư FDI

(GLO)- Gia Lai đang đa dạng hóa các hình thức thu hút đầu tư, trong đó có các dự án đầu tư nước ngoài (FDI). Đây là cơ sở để các dự án FDI trên địa bàn tỉnh sẽ tăng cả về số lượng và chất lượng trong thời gian tới.

Sản phẩm được trao giải thưởng Mai An Tiêm của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang. ở xã Nam Yang, huyện Đak Đoa. *Ảnh: Hoàng Cư

Gia Lai có 3 sản phẩm được trao giải thưởng Mai An Tiêm

(GLO)- Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân mới ký quyết định công nhận danh hiệu sản phẩm tiêu biểu của Hợp tác xã năm 2024 và trao giải thưởng Mai An Tiêm lần thứ nhất. Toàn quốc có 100 sản phẩm thì Gia Lai có 3 sản phẩm được công nhận danh hiệu sản phẩm tiêu biểu của Hợp tác xã năm 2024 và trao giải thưởng Mai An Tiêm

Nhiều hội viên nông hội mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: H.D

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho nông hội

(GLO)- Mô hình nông hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần giúp nông dân chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng giá trị các sản phẩm.