Nguyễn Thới Lai-Ra đi để trở về

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Có bằng Thạc sĩ chuyên ngành Quản trị kinh doanh của Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh và đang làm việc cho một trong những tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam với nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp, nhưng Nguyễn Thới Lai quyết định từ bỏ tất cả để về quê khởi nghiệp ở lĩnh vực buôn bán nông sản và vận tải.

Ra đi để trở về

Cảm nhận đầu tiên của tôi về Nguyễn Thới Lai  (SN 1987)-Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hoàng Phi-Gia Lai ở xã Ia Hlốp (huyện Chư Sê) chính là sự năng động, hoạt bát. Lai kể, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Khoa Quốc tế, chuyên ngành Quản trị kinh doanh (Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh), Thới Lai tiếp tục học liên thông lên đại học. Tốt nghiệp Đại học, anh vào làm cho Công ty VNG TP. Hồ Chí Minh chuyên về truyền thông và giải trí. Sau hơn 1 năm công tác, anh lại “nhảy việc”, xin vào làm cho Công ty in tem thuộc Bưu điện Việt Nam. Thời gian này anh tranh thủ vừa làm và vừa học lên thạc sĩ; sau khi có tấm bằng Thạc sĩ anh lại đầu quân cho Công ty Dinh dưỡng Á Châu, làm việc tại Chi nhánh Cần Thơ. Công việc tốt, thu nhập hấp dẫn, làm việc trong môi trường thuận lợi, có nhiều cơ hội phát triển nhưng năm 2015, chàng trai 8X quyết định từ bỏ tất cả để trở về khởi động cho một hành trình mới ở quê nhà.

 

Anh Nguyễn Thới Lai. Ảnh: H.Đ.T
Anh Nguyễn Thới Lai. Ảnh: H.Đ.T

Trước quyết định của Lai, không ít bạn bè, đồng nghiệp ngạc nhiên nhưng với chàng thạc sĩ này thì đó là thời điểm chín muồi để tạo dựng sự nghiệp cho riêng mình. “Trước khi làm chủ thì tôi xác định phải đi làm thuê để học. 5 năm làm thuê ở các công ty là khoảng thời gian cần thiết để thực hành kiến thức, hiểu về cách làm việc, vận hành của tập đoàn lớn. Đó là hành trình đã được vạch sẵn chứ không phải quyết định bồng bột, nông nổi của tuổi trẻ. Vả lại, với vốn kiến thức đã học và tích lũy thì tại sao không khởi nghiệp tại quê hương mình”-Thới Lai chia sẻ.

Hành trình vượt khó

Khi quyết định về quê khởi nghiệp, Thới Lai đã tìm hiểu rất kỹ về môi trường kinh doanh tại địa phương, vốn là một vùng quê có nhiều nông sản có tiếng như hồ tiêu, cà phê. Sẵn có cơ sở của gia đình, anh quyết định đầu tư thêm vốn cùng anh trai mở rộng kinh doanh buôn bán nông sản và vận tải hàng hóa. Tuy nhiên khi bắt tay vào việc, Thới Lai mới thấy sự khốc liệt của môi trường kinh doanh, nhất là trong cơ chế thị trường hiện nay với sự cạnh tranh quyết liệt. Là đại lý mua bán nông sản nhỏ, ít vốn nên Công ty của Lai chỉ thu mua nhỏ lẻ, gom hàng rồi bán cho đại lý lớn, vậy nên tất cả phải phụ thuộc vào các đại lý này. “Có những đợt hàng khi mua xong bán lại lỗ hàng chục triệu đồng, lý do là vì chưa có kinh nghiệm nên không nắm bắt được dự báo giá nông sản sẽ xuống nên mua thì giá cao, đến khi bán lại thì giá thấp. Phần thua lỗ nữa là do khi thu mua cà phê tươi về phơi thì gặp thời tiết không thuận lợi, mưa liên tục dẫn đến cà phê bị mốc, giảm chất lượng”-Thới Lai kể về những khó khăn bước đầu. Chưa kể khi ra khởi nghiệp cũng là lúc khá nhiều đại lý ký gởi nông sản bể nợ nên bà con không tin tưởng ký gởi ở các đại lý nữa.

 

Kinh nghiệm khởi nghiệp của Nguyễn Thới Lai:

* Tích lũy kiến thức, trau dồi kinh nghiệm theo kế hoạch đã vạch sẵn. Khởi nghiệp không phải là chuyện bồng bột của tuổi trẻ.
* Có kế hoạch chi tiết, lâu dài.
* Say mê và dám chấp nhận dấn thân.

Trước những thách thức ấy, Thới Lai không hề nản chí và quyết tâm tìm hướng đi mới cho kinh doanh. Để chủ động trong việc vận chuyển hàng hóa nông sản thu mua, anh bàn với gia đình mua 2 xe tải vừa để vận chuyển hàng của Công ty và vận chuyển thuê trong vùng. Nhờ đi đúng hướng, công việc vận tải thuận lợi và mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó anh tiếp tục đầu tư thêm vào lĩnh vực mua bán nông sản bằng việc nghiên cứu kỹ thị trường, làm việc cụ thể và kỹ lưỡng với các đại lý lớn về giá cả thu mua. Với phương châm làm ít mà chắc, Công ty Hoàng Phi đã có chuyển biến tích cực, các đợt hàng thu mua và bán ra đã bắt đầu có lãi, hiện nay mỗi năm Công ty mua bán hơn 500 tấn nông sản, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động trẻ. Không chỉ vậy, Lai còn đầu tư trồng 1.000 trụ tiêu và 500 cây cà phê.

Chia tay trong một buổi chiều muộn, Thới Lai bộc bạch: “Hiện nay các bạn trẻ sau khi học hành xong chỉ thích làm việc, khởi nghiệp ở các thành phố lớn. Nhưng mình thấy ngay tại quê hương mình cũng có rất nhiều cơ hội, về quê khởi nghiệp vừa khẳng định mình vừa góp phần xây dựng quê hương”.

Hà Đức Thành

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.