Nguyễn Thị Thủy-Làm giàu nhờ trồng cây ăn trái

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong những gương mặt thanh niên tiêu biểu về phát triển kinh tế ở huyện Phú Thiện, điều dễ nhận thấy là đa số họ đều chọn khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Họ là minh chứng sinh động nhất về những người trẻ dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân để vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương. Một trong những thanh niên tiêu biểu ấy là chị Nguyễn Thị Thủy (SN 1987, ở Plei Ơi, xã Ayun Hạ).

Dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng khu vườn rộng chừng 5.000 m2 với các loại cây ăn trái như: chuối, mít Thái, chanh không hạt, na Thái... chị Thủy chia sẻ: Để có được cơ ngơi như hôm nay là cả một quá trình phấn đấu không mệt mỏi của bản thân.

 

Chị Nguyễn Thị Thủy bên vườn mít Thái của gia đình. Ảnh: H.Đ.T
Chị Nguyễn Thị Thủy bên vườn mít Thái của gia đình. Ảnh: H.Đ.T

Gian nan tìm đường khởi nghiệp

Quê chị Thủy ở huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Năm 1988, khi Thủy vừa tròn 1 tuổi, gia đình chị đưa nhau vào huyện Phú Thiện xây dựng kinh tế mới. Tại đây, học hết lớp 10, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, Thủy đành nghỉ học rồi theo người thân vào Bình Dương làm thêm để kiếm tiền nuôi bản thân và phụ giúp gia đình. Sau 4 năm phụ bán quần áo cho người bà con, Thủy xin vào làm công nhân một công ty may mặc ở Bình Dương. Tuy nhiên, sau 3 năm làm việc, thấy mức lương công nhân quá ít ỏi, không tích lũy được bao nhiêu, năm 2010, Thủy quyết định quay về Phú Thiện để gần gia đình và tìm hướng phát triển kinh tế.

Khi về nhà, Thủy được bố mẹ cho 5 sào đất. Lúc ấy, chị chỉ biết trồng lúa và các loại hoa màu ngắn ngày. Vì vậy, nguồn thu từ mảnh vườn 5 sào này cũng chỉ giúp chị đủ sống. Sau nhiều đêm suy nghĩ, Thủy thấy rằng phải tìm một hướng đi khác thì mới có thể thay đổi được cuộc sống. Nhớ lại thời gian ở Bình Dương được đi tham quan các vườn cây ăn quả, Thủy nhận thấy, trồng cây ăn quả vừa tốn ít công chăm sóc mà thu nhập lại cao. Vậy là chị vừa lên mạng internet tìm hiểu về các loại cây trồng phù hợp với vùng đất Phú Thiện, vừa học hỏi kinh nghiệm của người khác. Sau đó, Thủy bàn với gia đình cải tạo khu vườn để trồng cây ăn quả.

Đầu năm 2016, sau khi cải tạo lại vườn, Thủy dốc toàn bộ số tiền tích cóp lâu nay của mình và vay thêm bạn bè, người thân để đầu tư trồng 200 cây mít Thái, 100 cây chanh không hạt, 20 cây bưởi Diễn, 20 cây ổi găng và 15 cây na Thái. Ngoài ra, chị còn trồng xen chuối trong vườn. Theo chị Thủy, cây mít Thái rất thích hợp với vùng đất Phú Thiện, thời gian thu hoạch lại nhanh, chỉ trong 18 tháng đã cho quả và đặc biệt là ra quả quanh năm. Đây là loại cây càng trồng lâu năm càng cho quả ngọt, thơm.

Quả ngọt trên đồng đất quê hương

Chị Thủy cho biết, mỗi cây mít Thái năm thứ 3 cho khoảng 4 quả, mỗi quả nặng chừng 10-12 kg. Giá mít Thái mua tại vườn hiện nay là 12.000 đồng/kg. Ngoài mít Thái, hiện nay, chanh không hạt chị trồng cũng đã cho thu hoạch. Với 100 gốc chanh, mỗi tháng, chị thu hoạch được 3-4 lần, mỗi lần 20-30 kg, giá bán khoảng 27.000 đồng/kg. Hàng năm, chị còn thu được khoảng 20 triệu đồng từ bán chuối.

Để có nguồn phân bón cho cây trồng, chị Thủy đầu tư nuôi 3 con bò. Mỗi năm, ngoài nguồn phân bón cho cây ăn quả, 3 con bò này còn đẻ 3 con bê, bán được  25-30 triệu đồng. “Không phải cứ ly hương hay ly nông mới có thể thành công. Tôi nghĩ, với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chỉ cần chịu khó học hỏi và dám đối diện với thử thách, sẵn sàng chấp nhận thất bại thì các bạn trẻ có thể đứng vững ngay trên chính quê hương mình. Trên thực tế, đã có nhiều tấm gương người trẻ dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân và xây dựng thành công các mô hình phát triển kinh tế ở địa phương”-chị Thủy tâm sự.

 

Kinh nghiệm khởi nghiệp của NGUYỄN THỊ THỦY

Khi quyết định khởi nghiệp thì phải theo đuổi đến cùng.

Kiên trì, không nản lòng khi gặp khó khăn.

Cần có định hướng kế hoạch rõ ràng.

Thế nhưng, theo kinh nghiệm thực tế của chị Thủy, khởi nghiệp trong nông nghiệp có rất nhiều khó khăn. Vì vậy, mỗi bạn trẻ cần có tư duy sáng tạo và mạnh dạn thử nghiệm để tìm cho mình một hướng đi thích hợp. “Phải có tư duy mới thì mô hình của mình mới lớn mạnh được”-chị Thủy khẳng định.

Khi mô hình khởi nghiệp từ cây ăn trái của mình thành công, chị Thủy đã vận động người thân và đoàn viên thanh niên trong vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng để cho thu nhập cao, góp phần xóa đói giảm nghèo. Hiện nay, chị Thủy cũng đang phá bớt số chuối trong vườn để trồng thêm mít Thái và chanh không hạt vì đây là 2 loại cây có thị trường ổn định, sức tiêu thụ cao. “So với trồng lúa và mì thì trồng cây ăn trái cho lợi nhuận gấp nhiều lần, Hiện nay, không ít người quan niệm nghề nông là nghề “chân lấm tay bùn”, khó nhọc và không mang lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, với  tôi thì đây là nghề  có rất nhiều tiềm năng phát triển”-chị Thủy chia sẻ.

Hà Đức Thành

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Chủ nhân tuổi 19 của loạt phim hoạt hình triệu view

Lê Văn Vũ (19 tuổi) là người đứng sau loạt phim hoạt hình triệu view, như Chàng trai bất tử (11,2 triệu lượt xem), Yêu em trong mơ (1,8 triệu lượt xem), series Tây Du Ký gen Z (7,6 triệu lượt xem)... Nhờ công việc này, Vũ đã có thêm thu nhập ổn định từ khi còn là học sinh.