Nguyễn Thị Chúc Chi: Làm giàu từ ươm cây giống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khởi nghiệp từ 2 bàn tay trắng, giờ đây, chị Nguyễn Thị Chúc Chi (SN 1995, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) đã là chủ của một vườn ươm cây giống rộng hơn 6.000 m2 với thu nhập hơn 500 triệu đồng mỗi năm.

Phải mất vài lần hẹn, tôi mới gặp được chị Nguyễn Thị Chúc Chi. Lý do là chị quá bận bịu, hết giao hàng nơi này lại giao hàng nơi khác, khắp trong tỉnh, ngoài tỉnh. Ngay cả khi ngồi nói chuyện với tôi, điện thoại của chị cũng liên tục đổ chuông. Đấy là khách gọi tới đặt cây giống để trồng khi mùa mưa đang đến.

 

Chị Nguyễn Thị Chúc Chi. Ảnh: H.Đ.T
Chị Nguyễn Thị Chúc Chi. Ảnh: H.Đ.T

Sinh ra và lớn lên tại TP. Pleiku, bố mẹ đều là giáo viên Trường Trung cấp Lâm nghiệp Tây Nguyên, năm 2013, sau khi tốt nghiệp THPT, Chi nộp đơn thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai với mong muốn sau này trở thành một cô giáo để nối nghiệp bố mẹ. Thế nhưng, sau khi thi đậu, nhận thấy cơ hội xin việc sau này rất khó, Chi quyết định không theo học sư phạm mà xin làm nhân viên bán hàng cho hãng sữa Abbott. Một năm làm cho Abbott, Chi đi khắp các huyện, thị xã trong tỉnh. Nhận thấy nhu cầu trồng cây giống các loại của người dân và doanh nghiệp trong tỉnh rất cao, Chi nảy sinh ý định khởi nghiệp bằng nghề ươm cây giống. Lúc ấy, gia đình Chi cũng có một vườn ươm nhỏ và chị cũng đã học được ít nhiều kinh nghiệm ươm cây giống của bố mẹ. Sau khi đem ý định của mình bàn với bố mẹ và được ủng hộ, Chi quyết định vay mượn bạn bè và vay vốn ngân hàng để đầu tư làm một vườn ươm với diện tích 500 m2.

Với phương châm “Vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm”, lúc đầu, Chi tập trung vào ươm một số loại cây để trồng rừng như: thông ba lá, gáo vàng, keo lai, keo tai tượng…. Chi cho biết: Khi mới bắt đầu làm, do thiếu kinh nghiệm chọn đất, ươm giống, che chắn vườn và cách phòng ngừa, trị bệnh cho cây trồng nên tỷ lệ cây sống đạt thấp. Không nản chí, chị bỏ thời gian tìm hiểu thêm kỹ thuật ươm, chăm sóc cây giống trên sách báo, internet và tìm đến các vườn ươm cây giống trên địa bàn để học hỏi kinh nghiệm. Chi bảo, tưởng ươm cây giống dễ nhưng khi làm mới thấy khó khăn,  không phải cứ xới đất lên bỏ hạt giống xuống là được mà tất cả đều có bí quyết. Tùy loại hạt giống, loại cây mà có cách làm đất khác nhau. Đối với những cây hạt to thì đất ươm phải có độ xốp dày hơn các loại cây hạt nhỏ. Khi cây vừa lên lá mầm xanh rất dễ bị sâu bệnh hại nên phải chăm sóc kỹ lưỡng.

Nhờ những kinh nghiệm tích lũy được qua thực tế, cây giống do Chi ươm ngày càng phát triển tốt, được khách hàng gần xa tin tưởng chọn mua. Vì vậy, từ 500 m2 ban đầu, 1 năm sau, vườn ươm của Chi đã được mở rộng lên 2.000 m2. Mới đây, để chuẩn bị cây giống phục vụ nhu cầu của khách hàng trong vụ mùa 2018, chị đã thuê thêm 2.000 m2 để làm vườn ươm với khoảng hơn 100 ngàn cây giống các loại.

 

Kinh nghiệm khởi nghiệp của NGUYỄN THỊ CHÚC CHI

* Phải thật sự đam mê với lựa chọn của mình.
* Không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức.
* Kiên trì, chịu khó, sẵn sàng chấp nhận thất bại.

Chi cho biết, năm 2017, chị đã xuất bán gần 100.000 cây giống các loại, chủ yếu là cây trồng rừng. Do cây giống chị ươm có chất lượng tốt nên khách đặt hàng ngày càng nhiều, không chỉ trong tỉnh mà còn ở Kon Tum, Đak Lak… Vì vậy, bình quân mỗi năm, vườn ươm của chị đạt doanh thu hơn 500 triệu đồng. Theo chị Chi, nghề ươm cây giống cho lợi nhuận khá cao. Mỗi cây từ khi ươm đến khi bán mất 4-5 tháng, trừ chi phí thì lợi nhuận thu được khoảng 60-70%. Tuy nhiên, công việc này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi khi đã ký hợp đồng với khách hàng, nếu cây bị bệnh hay bị chết thì chủ vườn ươm phải đền 50% giá trị hợp đồng. Năm 2017, suýt chút nữa chị đã phải đền khoảng 150 triệu đồng cho một lô cây giống trồng rừng. Lúc ấy, chị ký hợp đồng ươm 500.000 cây giống với khách hàng. Nhưng sắp đến ngày giao hàng thì cây có hiện tượng rụng lá và chết. Chị phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi để học hỏi kinh nghiệm trị bệnh cho cây. Suốt nhiều đêm liền không ngủ, cuối cùng, chị tìm ra cách pha trộn các loại thuốc để phun cho cây. Lần đó, chị đã cứu thành công lô cây này để kịp giao cho khách hàng theo hợp đồng.

Từ 2 bàn tay trắng, sau vài năm khởi nghiệp với nghề ươm cây giống, Nguyễn Thị Chúc Chi đã mua được hơn 2.000 m2 đất, xây một ngôi nhà cấp 4 và mua được 1 xe tải nhỏ để vận chuyển hàng. Đây là thành quả xứng đáng cho sự nỗ lực không mệt mỏi cùng tinh thần dám nghĩ, dám làm của chị.

Hà Đức Thành

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.