Nguyên nhân cản tiến độ dự án kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2 nhìn nhận tiến độ chưa đạt mong muốn do có khó khăn trong giải phóng mặt bằng, thời tiết bất lợi mưa nhiều cùng với đó một số nhà thầu có năng lực còn hạn chế.
Các đơn vị thi công nỗ lực thảm bù vênh, tạo mặt đường êm thuận trên tuyến Quốc lộ 19. Ảnh: Quang Thái/TTXVN

Các đơn vị thi công nỗ lực thảm bù vênh, tạo mặt đường êm thuận trên tuyến Quốc lộ 19. Ảnh: Quang Thái/TTXVN

Quốc lộ 19 nối Gia Lai-Bình Định, chạy thẳng lên tuyến biên giới giáp với Campuchia là huyết mạch quan trọng, kết nối thông thương, phát triển kinh tế.

Tuy nhiên thời gian vừa qua, tiến độ của án dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ này đang bị chậm so với kế hoạch đề ra của Bộ Giao thông Vận tải.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2 - Bộ Giao thông Vận tải (chủ đầu tư), dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 19) có 8 gói thầu và đang triển khai thi công trên toàn tuyến.

Do dự án có xuất phát điểm chậm (ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nên đến tháng 12/2021 phần lớn các gói thầu mới có thể triển khai, đáng chú ý gói thầu XL01 mãi tháng 7/2022 mới chính thức triển khai) nên giá trị sản lượng thực hiện từ khởi công đến nay đạt 38,9% giá trị hợp đồng. Sản lượng trên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải mong muốn.

Lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2 nhìn nhận tiến độ chưa đạt mong muốn bao gồm một loạt các nguyên nhân; trong đó có khó khăn trong giải phóng mặt bằng, thời tiết bất lợi mưa nhiều cùng với đó một số nhà thầu có năng lực còn hạn chế.

Cụ thể, về vướng mắc mặt bằng, tại huyện Đăk Pơ (tỉnh Gia Lai) mặc dù hệ thống điện đã tiến hành di dời 25/35 trụ và 2/3 trạm biến áp nhưng do vướng một số hộ dân nằm tại ví trí giao cắt dẫn đến không có đường vận chuyển vật liệu vào công trường.

Nhưng những vị trí còn lại chưa di dời được do vướng giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, tại thị xã An Khê (Gia Lai) vẫn còn 5 trường hợp chưa thống nhất đền bù.

Tại thành phố Pleiku (Gia Lai), hiện mặt bằng thi công tuyến tránh vẫn còn một hộ chưa thống nhất phương án đền bù và một hộ chưa xác định được chủ đất.

Cũng tại tỉnh Gia Lai, huyện Chư Prông cũng đang còn một hộ thuộc xã Bình Giáo, huyện Chư Prông chưa bàn giao mặt bằng do tồn tại một số vướng mắc trong công tác quản lý đất đai.

Trong khi đó, tại huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định có 48 hộ dân chưa đồng ý nhận được tiền bồi thường hỗ trợ.

Thông tin về tình hình triển khai trên thực địa, theo Ban điều hành dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 19, tranh thủ thời tiết thuận lợi hơn giai đoạn trước Tết, đến nay nhà thầu đã đồng loạt triển khai nhiều mũi thi công để bù tiến độ bị chậm trước đó.

Cụ thể, tại gói thầu XL01, dài 17km do Công ty cổ phần xây dựng Trung Nam 18 E&C thi công, khởi công tháng 6/2022, dự kiến hoàn thành tháng 6/2023.

Tuy nhiên, giá trị thực hiện mới đạt 16,5%. Đây là gói thầu có sản lượng rất đáng báo động và cũng là gói thầu tồn tại vướng mắc về mặt bằng nhiều nhất trong dự án.

Đối với gói thầu XL02, thi công tuyến tránh An Khê dài 13,7km do Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Đông Đô - Công ty cổ phần cầu 3 Thăng Long thực hiện; khởi công tháng 12/2021, dự kiến hoàn thành tháng 6/2023. Giá trị sản lượng xây lắp đạt 34,8% chậm 1,8 % so với kế hoạch.

Những đoạn đường thi công cẩu thả gây mất an toàn giao thông của các nhà thầu thi công Quốc lộ 19 đoạn qua tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN

Những đoạn đường thi công cẩu thả gây mất an toàn giao thông của các nhà thầu thi công Quốc lộ 19 đoạn qua tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN

Gói thầu XL03 dài 10,4km do Liên danh Công ty cổ phần Thành An - Công ty cổ phần Xây dựng tổng hợp Quảng Trị thi công; khởi công tháng 7/2021, dự kiến hoàn thành tháng 6/2023, giá trị thực hiện đến nay đạt 45% chậm 11,3% so với kế hoạch.

Gói thầu số XL04A dài tuyến 23,7km do Liên danh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hợp Tiến và Công ty cổ phần Vina Delta thực hiện.

Khởi công tháng 7/2021, dự kiến hoàn hoàn thành tháng 6/2023. Giá trị thực hiện đến nay mới đạt 33% chậm so với tiến độ theo hợp hợp.

Trong khi đó gói thầu XL04B thi công tuyến tuyến tránh Pleiku với chiều dài 13,3km do Liên danh Công ty cổ phần xây lắp và cơ khí Phương Nam - Công ty Trách nhiệm hữu hạn xây dựng Thuận Nguyên thi công; khởi công tháng 2/2022, dự kiến hoàn thành tháng 6/2023.

Đây là gói thầu cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra. Hiện khối lượng đạt 34% và nhà thầu đang tập trung thi công lớp móng cấp phối đá dăm, mặt đường rất lớn

Về gói thầu số XL05 với chiều dài khoảng 20 km do Liên danh Công ty cổ phần Xây dựng dịch vụ và thương mại 68 - Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và xây dựng công trình 656 thực hiện.

Gói thầu khởi công tháng 11/2021, dự kiến hoàn thành tháng 6/2023. Hiện khối lượng gói thầu đạt 39% cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra.

Đối với gói thầu XL-06 chiều dài tuyến là 22 km do Liên danh Công ty cổ phần xây lắp và cơ khí Phương Nam-Công ty Xây dựng Việt Đức- Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mạnh Cường thực hiện.

Gói thầu được khởi công tháng 12/2021 dự kiến hoàn thành tháng 6/2023. Giá trị thực hiện đến nay đạt 42% cơ bản đáp ứng tiến độ

Gói cuối cùng là XL-07 có chiều dài là 19km do Liên danh Công ty Trico - Công ty 203 - Công ty 559 thi công. Giá trị thực hiện đến nay là 29% chưa đáp ứng tiến độ đề ra.

Theo đánh giá của Ban Quản lý dự án 2, chỉ còn thời ngắn nữa là hết thời hạn thực hiện gói thầu nhưng việc giải phóng mặt bằng của các địa phương vẫn chưa hoàn thành và có nguy cơ chậm tiến độ do nhà thầu chưa nhận được mặt bằng để hoàn thiện gói thầu.

Bên cạnh đó, khó khăn về mặt bằng hiện nay tỉnh Gia Lai đang tập trung rà soát việc cấp mỏ vật liệu trên toàn tỉnh do vậy Ủy ban Nhân dân tỉnh đã tạm ngừng cấp phép cũng như gia hạn cấp phép cho các mỏ vật liệu đất, điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc đẩy nhanh khối lượng thi công của nhà thầu.

Đặc biệt, lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2 cho hay, Quốc lộ 19 khi triển khai cải tạo, nâng cấp với mục tiêu đường cấp 3 theo tiêu chuyển hiện hành phải điều chỉnh bình đồ, trắc dọc nhiều vị trí nâng cao và hạ thấp nền đường cho phù hợp quy định và mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đã gây ảnh hưởng đến cuộc sống của một số người dân hai bên tuyến đường.

Để đẩy nhanh tiến độ, Ban Quản lý dự án 2 đã yêu cầu nhà thầu khẩn trương huy động bổ sung thiết bị, nhân lực, tăng cường bổ sung các mũi thi công.

Đồng thời, đẩy nhanh thi công các hạng mục đặc biệt cấp phối đá dăm và bêtông nhựa; khẩn trương thi công các cổng, cầu để không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân.

Liên quan đến tiến độ dự án và khó khăn về giải phóng mặt bằng, cuối tuần vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm đã trực tiếp kiểm tra hiện trường và có buổi làm việc với tỉnh Gia Lai để tháo gỡ vướng mắc trên.

Trong đó có đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh Gia Lai, Bình Định tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan của địa phương tập trung, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục còn tồn tại theo thẩm quyền để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng

Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai quan tâm cấp phép khai thác mỏ vật liệu cho dự án đảm bảo thi công đúng tiến độ. Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (Quốc lộ 19) vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) có tổng chiều dài khoảng 143km đi qua hai tỉnh Gia Lai và Bình Định.

Với tổng vốn đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng, dự án là một trong những công trình quan trọng được đầu tư nhằm góp phần nâng cao năng lực vận hành, khai thác, giảm thiểu ùn tắc giao thông trên tuyến Quốc lộ 19.

Sau khi dự án hoàn thành sẽ góp phần tăng cường khả năng kết nối hệ thống giao thông khu vực Tây Nguyên với các tỉnh Duyên hải miền Trung và kết nối với các nước bạn Lào, Campuchia và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Có thể bạn quan tâm