Nguy cơ mất an ninh nông thôn từ những vụ phá hoại cây trồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thời gian gần đây trên địa bàn Tây Nguyên xảy ra nhiều vụ phá hoại nông sản - cây cà phê, sầu riêng… gây nhiều hậu quả nặng nề về kinh tế và ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương.
5 năm, vườn cà phê bị phá 8 lần
Ngày 1/5, anh Vũ Xuân Hải (trú tại xã Hòa Ninh, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) ra vườn cà phê hơn 100 cây đang ra trái thì thấy mấy cây cà phê bị héo. Ban đầu anh tưởng bị gió mạnh giật gãy hay bị sâu, nhưng sau kiểm tra kỹ thì anh thấy trong vườn nhiều cây cà phê 1 năm tuổi đã bị phá.  Hầu hết những cây cà phê này đang chuẩn bị cho trái bói, xanh tốt giờ héo khô lá, nằm la liệt. 
Ngày 5/5, Công an huyện Di Linh cùng với các cơ quan liên quan đã tới vườn cà phê này để khám nghiệm hiện trường, xem xét từng cây cà phê bị bẻ gãy, hoặc nhổ lên, chặt ngang. Theo anh Hải sau khi kiểm đếm có tất cả khoảng 114 cây cà phê bị phá không thể phục hồi.
Anh Hải bức xúc: "Nhà tôi có ba miếng vườn, nhưng miếng nào trồng cà phê lên cũng bị phá. Tính đến nay cả ba miếng vườn bị phá hoại đến 8 lần rồi. Riêng miếng hẹp nhất là 3,8 sào trồng cà phê đã bị phá 4 lần". 
Theo đó, từ năm 2015, vườn nhà anh Hải đã bị phá hai lần vào tháng 7, tháng 8. Lúc đó cà phê sai trái nhưng hai lần đó bị bẻ hết cành khoảng 40 cây. Năm 2018, khi tái canh cà phê được 2 năm tuổi cà phê đang ra trái bói lại bị phá tiếp. 
Thời điểm đó, qua kiểm đếm tại hiện trường của cơ quan chức năng cho thấy có 85 cây cà phê (3 năm tuổi) trên diện tích gần 1.000m² đang cho thu hoạch trái bói bị chặt hạ. Đến cuối 2019, vườn cà phê nhà tôi lại tiếp tục bị phá hoại"
 
Những gốc sầu riêng 5 năm tuổi nhà ông Phạm bị đẽo gốc, cưa đứt ngang.
Trước đó, cũng tại xã Hòa Ninh, huyện Di Linh, hàng trăm cây sầu riêng của gia đình ông Nguyễn Văn Phạm (47 tuổi, thôn 15, xã Hòa Ninh) cũng bỗng nhiên bị kẻ xấu chặt hạ, cưa đổ và đẽo bạt gốc không thương tiếc. Đáng nói, trong số cây bị phá hoại này chủ yếu đã được trồng 5 năm tuổi đang ra hoa, thiệt hại ước tính hàng trăm triệu đồng.
Ông Phạm cho biết khu vườn của nhà ông rộng 1,3ha, trồng chủ yếu bơ, sầu riêng, nhưng chỉ có sầu riêng bị phá hoại khoảng 100 cây (lúc đầu tính 120 cây). Trước đó, vào chiều 7/4, ông Phạm đang tưới cà phê thì nghe người dân báo vườn sầu riêng của gia đình bị kẻ xấu phá hoại. Ông Phạm cùng vợ vội vã chạy ra vườn kiểm tra thì phát hiện sầu riêng bị chặt hạ nằm ngổn ngang khắp vườn.
Thời điểm đó, ghi nhận của Công an huyện Di Linh cho thấy, vườn sầu riêng của ông Phạm có hàng trăm cây sầu riêng bị kẻ xấu chặt hạ, cưa đổ và đẽo bạt gốc. Công an huyện Di Linh đã khám nghiệm hiện trường, làm việc một số người liên quan để điều tra.
 
Anh Hải xót xa với hàng loạt cây cà phê của gia đình bị chặt hạ, bẻ ngang.
Cũng theo ông Phạm, lâu nay ông và gia đình không mâu thuẫn gì với ai. "Để chăm sóc hơn 1 ha sầu riêng, nhiều năm nay gia đình tôi đã đầu tư hàng trăm triệu đồng. Nhưng đến khi sắp thu hoạch thì vườn sầu riêng bị kẻ xấu phá hoại nhìn rất đau xót. 
Sau khi phát hiện sầu riêng bị cưa, chặt, đẽo bằng dao, nhiều hàng xóm thân thiết còn bảo tôi là họ cũng không thể hiểu được tôi không mâu thuẫn với ai mà bị phá hoại thê thảm như vậy", ông Phạm nói. 
Theo ông Vũ Thế Quyết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hòa Ninh, hiện cơ quan chức năng đã lấy lời khai của người nghi vấn để xem xét, từ đó có hướng điều tra, xử lý. Theo quan điểm của địa phương phải xử lý nghiêm thủ phạm gây ra vụ việc bởi đây là mồ hôi công sức lẫn nước mắt của người dân vun vén trong nhiều năm ròng rã.
Trung tá Võ Khánh Vân, Phó Trưởng Công an huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, cho biết từ đầu năm 2020 đến nay, Công an huyện đã tiếp nhận ba vụ việc phản ánh của người dân về cây trồng như cây ăn quả như cà phê, bơ và sầu riêng bị các đối tượng xấu chặt hạ, phá hoại, gây thiệt hại lớn về kinh tế gia đình, khiến người dân bất an, lo lắng, không an tâm sản xuất. Hiện các vụ việc đang được Công an huyện Di Linh tập trung điều tra.
 
Số cây cà phê héo khô, ngổn ngang do bị phá hoại gần đây nhất.
Cần xử lý nghiêm, tránh những hệ lụy về an ninh trật tự
Tháng 2/2020, Công an huyện Di Linh nhận được trình báo của ông Tiến về việc rẫy cà phê của gia đình ông tại thôn 13, xã Hòa Nam (huyện Di Linh) bị kẻ xấu chặt phá 565 cây cà phê, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. 
Vào cuộc điều tra, Công an huyện Di Linh đã xác định Nguyễn Thanh Long (49 tuổi) cùng con trai là Nguyễn Cao Trí (28 tuổi, cùng ngụ thôn 9, xã Hòa Nam, huyện Di Linh) là đối tượng đã gây ra vụ hủy hoại tài sản trên.
Theo kết quả điều tra của Công an huyện Di Linh, nguyên nhân dẫn đến việc ông Long và con trai cưa hạ vườn cà phê của ông Tiến là do tranh chấp đất đai giữa hai gia đình. 
Cụ thể, mảnh vườn nói trên có tổng diện tích hơn 1 ha, trước đây thuộc quyền sở hữu của bố mẹ ông Tiến. Năm 1997, mảnh vườn này được bố mẹ chia đôi cho ông Tiến và chị gái (bà Trịnh Thị Lệ Dung, vợ ông Long). 
Năm 1997, ông Tiến thỏa thuận với chị gái cùng làm sổ chung mảnh vườn và để ông Long đứng tên. Năm 2016, ông Tiến yêu cầu tách sổ mảnh vườn nhưng gia đình ông Long - bà Dung không đồng ý. Do đó, ông Tiến đã khởi kiện ra TAND tỉnh Lâm Đồng và TAND Cấp cao ở TP HCM để tranh chấp quyền sử dụng đất. 
Kết quả, ông Tiến được TAND cả hai cấp tuyên thắng kiện, được giao mảnh đất với diện tích hơn 6.000m². Sau đó, trong quá trình ông Tiến sản xuất thì gia đình ông Long không chấp nhận, vẫn xem mảnh vườn đó là của gia đình mình.
"Việc ông Long và con trai cưa hạ vườn cà phê của ông Tiến có dấu hiệu của hành vi hủy hoại tài sản. Hiện, Công an huyện đang hoàn tất các thủ tục để trưng cầu định giá trị tài sản bị thiệt hại làm cơ sở khởi tố vụ án theo quy định của pháp luật; đồng thời, ra lệnh cấm đi khỏi địa phương đối với ông Long và Trí để phục vụ công tác điều tra, làm rõ vụ việc...", Trung tá Võ Khánh Vân, Phó Trưởng Công an huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, cho biết.
 
Số cà phê vườn nhà anh Hải bị phá năm 2018.
Ngoài địa bàn huyện Di Linh, Lâm Đồng, gần đây ở nhiều địa bàn khác ở Tây Nguyên như TP Bảo Lộc, Lâm Đồng hay huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai cũng xảy ra nhiều vụ phá hoại cây trồng, cây ăn quả. 
Như mới đây, 20 cây sầu riêng hơn 4 năm tuổi, đang ra trái của gia đình bà Hoàng Thị Phượng và ông Lê Hữu Biên (ngụ phường 2, TP Bảo Lộc) bị kẻ xấu khoan lỗ, đổ thuốc đầu độc chết. 
Hay ngày 5/5, hai rẫy cà phê của người dân làng O Ngó, xã Ia Băng huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai chỉ trong một đêm hàng ngàn cây cà phê cũng bị kẻ xấu chặt hạ không thương tiếc. Trong đó phần lớn cây cà phê trồng có tuổi đời từ 3 đến 4 năm tuổi, chuẩn bị đến thời kỳ thu hoạch. Đây là vườn cà phê do người dân làng O Ngó chung nhau trồng, mỗi người vài trăm cây…
Nguyên nhân dẫn đến các vụ hủy hoại tài sản cây công nghiệp thường bắt nguồn từ những mâu thuẫn trong cuộc sống hoặc phát sinh từ việc tranh chấp đất đai... Do vậy, cơ quan chức năng cần nhanh vào cuộc điều tra xử lý nghiêm, triệt để, tránh những hệ lụy xấu về an ninh trật tự.
Phú Lữ -Nam Phạm (Cảnh sát Toàn cầu Online)

Có thể bạn quan tâm