(GLO)- Ngày nay, hầu như không một công trình nghiên cứu dân tộc học nào về Tây Nguyên mà không trích dẫn Jacques Dournes với các tác phẩm kinh điển: “Rừng, đàn bà, điên loạn”; “Pơtao-một lý thuyết về quyền lực ở người Jrai Đông Dương” hay “Miền đất huyền ảo”.
Jacques Dournes-người Jrai thường gọi thân mật là cha Đuốc, người Kinh gọi là cha Đức-sinh năm 1922 tại Pháp. Sau khi truyền giáo ở Sài Gòn rồi Di Linh (Đà Lạt), năm 1955, ông đến Ayun Pa. Tại đây, nói như nhà dân tộc học Condominas thì “chính người Jrai đã sản sinh một trong những nhà dân tộc học lớn”. Sự dấn thân hết mình cho khoa học của Jacques Dournes vẫn còn lưu dấu trong tâm trí ông Nay Val (buôn Ma Dương, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa, Gia Lai).
Một buổi chiều đầu mùa rẫy năm 1955, có một người Pháp ăn mặc lối thầy tu tìm đến buôn Ma Dương chúng tôi-ông Nay Val kể. Bấy giờ, Ayun Pa chưa là thị xã và buôn Ma Dương hãy còn nhỏ và hoang sơ lắm. Thấy ông, người lớn, con nít đều trố mắt nhìn. Không lạ người Pháp nhưng đồn Pháp rút rồi, sao vẫn còn người Pháp ở lại làm gì. Nhưng rồi qua người thông ngôn mới vỡ lẽ ông là cha đạo. Đạo thì cũng có nghe nhưng cha đạo thì còn lạ, là vì cả vùng Cheo Reo lúc ấy chỉ hơn chục hộ theo đạo Thiên chúa, mà cũng chỉ mới học giáo lý chứ chưa thấy cha đến ở bao giờ…
“Rừng, đàn bà, điên loạn”-một trong những tác phẩm kinh điển của Jacques Dournes. |
Nhưng cha đạo ấy rất nhũn nhặn. Ông không bước chân lên nhà ai mà chỉ xin bà HAreng cho ở dưới sàn nhà. Theo phong tục người Jrai thời ấy, người lạ đến buôn nếu chưa được mời thì không được tự tiện vào nhà. Vì cái cử chỉ ấy, “ông Tây” đã gây được thiện cảm của mọi người. Và cũng theo phong tục bấy giờ thì bất kể ai đã đến làng là thành khách cả làng. Người ta mang cơm đến cho ông ăn rồi cho ông lên nhà. Ông tiếp xúc với mọi người rất niềm nở nhưng vì không nói được tiếng Jrai nên chẳng ai hiểu ông muốn gì. Được khoảng mười ngày, ông xin làng một miếng đất hoang-giờ là nơi tọa lạc nhà thờ Phú Bổn. Nhân trong làng có người chết bất đắc kỳ tử để lại một căn nhà hoang, ông xin dỡ về làm nhà ở cho mình.
Mấy ngày sau, người làng lại phải trố mắt ngạc nhiên rồi không nhịn được cười. Ông linh mục ấy đã bỏ quần áo thầy tu, đóng khố, đi chân đất, hút thuốc tẩu như một người Jrai thực thụ. Dẫu sao thì cũng chưa biết ông muốn gì nên bà con vẫn tiếp xúc với ông một cách dè dặt. Thấy vậy, ông xoay sang làm quen với đám con nít chúng tôi. Ông cắt tóc cho chúng tôi, dạy chúng tôi tiếng Pháp, còn bản thân mình thì học tiếng Jrai. Sáng tinh sương, khi nhịp chày giã gạo trong buôn cất lên cũng là lúc ông trở dậy để bắt đầu một ngày mới. Bận rộn và lam lũ như một người đàn ông Jrai thực thụ, ông chặt cây, cuốc đất, vào làng xin cây giống lúi húi trồng trọt. Chẳng bao lâu đã thấy khoảnh vườn nhà ông mọc đủ các thứ cây: nào ớt, nào bắp, đậu và cả các cây ăn quả. Tối mịt, lúc mọi người từ rẫy về lại thấy ông lân la vào làng, cũng với bộ “trang phục” như thế. Thường ông dẫn theo một đứa trẻ đã được ông dạy tiếng Pháp để làm “thông ngôn”. Ai cho gì ông cũng ăn. Nếu được mời cơm ông cũng ăn bốc như họ. Sự thân tình của ông với dân làng nhờ đó tăng dần.
Nhưng Dournes không truyền đạo ngay. Ông vẫn miệt mài đi vào các làng. Nếu là làng xa ông mới đi xe đạp, còn thường thì cuốc bộ. Đặc biệt nghe đâu có lễ hội thì xa mấy ông cũng đến cho bằng được. Ông nhập cuộc thực tình, lê la trên nền đất, bốc thức ăn bằng tay, chỉ trừ một thứ là rượu. Nếu ai mời, ông chỉ chọc tay vào ghè rồi… mút. Ông hỏi han tỉ mỉ bất cứ thứ gì mà ông thấy rồi đo vẽ, ghi chép. Chẳng ai hiểu ông cần những thứ đó làm gì, nhưng là “ông Tây” mà dám đóng khố, bốc thức ăn, bập bẹ nói tiếng Jrai thì mọi người đều thích thú. Họ cởi mở kể cho ông nghe những gì ông yêu cầu rồi hát cho ông nghe, chỉ cho ông cả những cây “thuốc giấu”. Cứ thế, dần dần trong căn nhà ông bừa bộn những tài liệu ghi chép, hiện vật. Sau này, một người bạn đến thăm ông kể lại: “Dournes đã chỉ cho tôi thấy một cách tự hào những thứ cây mọc hoang, phần nhiều là cây rất tầm thường được trồng trong vườn của ông và vài ảnh tượng mà ông đã cứu thoát khỏi tình trạng mục nát trong rừng. Nhưng điều làm tôi ấn tượng mạnh nhất trong cuộc thăm ngắn ngủi này chính là một đống tài liệu đã được ông thu thập và nhân ra nhiều bản về mọi khía cạnh của đời sống mỹ thuật Jrai và kỹ thuật, thảo mộc dân tộc, tổ chức gia đình và chính trị, hệ thống tín ngưỡng và lễ nghi; ngữ vựng và thơ phú. Những gì ông đã xuất bản từ người KHo Srê đã lôi cuốn sự chú ý xứng đáng nhưng chưa đạt đến sự dồi dào và thích thú bằng những gì ông cho tôi nhìn qua…”.
Dĩ nhiên Dournes đến Cheo Reo không phải để nghiên cứu khoa học. Và những gì ông làm ban đầu ấy cũng là điều thường thấy đối với những linh mục truyền giáo. Nhưng Dournes, vốn đã sẵn một nhãn quan khoa học, bị vẻ đẹp của văn hóa Jrai mê hoặc mà đã từ con người tôn giáo nhập thế khoa học cả phần hồn lẫn phần xác. Mãi đến năm 1960-tức 5 năm sau ngày ông lãnh sứ mạng đến Cheo Reo “mở nước Chúa”, buôn Ma Dương mới có người theo đạo. Và trong suốt 15 năm, cũng với sứ mạng ấy, ông chỉ “mở” đâu được chừng 15 nhà theo đạo trong toàn vùng, ấy là bằng chứng cho thấy điều đó.
Ông Nay Val với chiếc ghế do Jacques Dournes đóng, hiện được ông giữ làm kỷ niệm. Ảnh: N.T |
Nhưng điều thuyết phục hơn là sự “quy y” của ông trong mọi sinh hoạt của cuộc sống riêng tư. ông Nay Val kể: Vào ngôi nhà ông ở, người ta thấy ông bài trí hệt như một căn nhà của người Jrai. Gian giữa dùng để tiếp khách. Gian trái là bếp. Gian phải để vật dụng. Không gian sực nức mùi khói. Giường ngủ của ông là một tấm ván đẽo sơ sài, bên trên trải một tấm chiếu đan bằng lá cây của người Jrai thời đó. Ông uống cà phê pha vào bát to không cần đường, hút thuốc lá do mình tự trồng. Bữa ăn ông tự nấu lấy, thường là cơm ăn với cá khô, lá mì nấu kiểu đồng bào dân tộc. Có lẽ cứ đóng khố, cởi trần mãi da thịt ông đã chai lì nên không thấy ông dùng đến chăn màn, khi nào lạnh lắm mới thấy ông chui vào túi ngủ. Ngắm con người dáng cao gầy, tóc cắt kiểu carê, cởi trần, đóng khố; chiếc tẩu lệch một bên miệng không mấy khi ngớt khói, chẳng ai phân biệt nổi ông với một già làng Jrai chính hiệu. Ông yêu cuộc sống tự do, đơn giản, thô ráp và có phần hoang dã ấy đến nỗi có lần thốt lên rằng: “Nếu tôi chết, xin hãy chôn tôi dưới sàn nhà của tôi!”.
Dấn thân hết mình, hòa nhập hết mình, ngay cả khi trở về với con người tôn giáo, có vẻ như Dournes cũng chịu sự chi phối của tinh thần dân chủ trong sinh hoạt kiểu công xã của đồng bào địa phương. Hay nói cách khác, “ông muốn trở thành chứng nhân về chính cuộc sống của người Jrai thay vì tìm cách hoán cải họ theo đạo theo cung cách cổ điển”. Ông không thích giảng giáo lý mà đối tượng chỉ biết nghe một chiều. Thường ông hỏi: “Sao các anh không cãi lại tôi?”. Ông có lẽ là linh mục duy nhất khác người khi ấy: không ly khai con chiên khỏi những sinh hoạt văn hóa truyền thống mà trái lại còn khuyến khích. Có chăng, ông chỉ khuyên nên bỏ các tập tục lạc hậu bằng những hình thức vận động kín đáo mà giàu sức thuyết phục. Chẳng hạn ông đã tự tay khoanh một khu rừng bị chặt phá, nuôi cho cây tái sinh lại rồi bảo mọi người: Tương lai, nguồn sống của dân tộc các anh là đây!
Jacques Dournes hồi hương về Pháp năm 1971. Nghe nói những năm cuối đời, ông không chịu được cuộc sống tập thể, nơi dành cho các tu sĩ về hưu nên đã bỏ về sống một mình tại chân núi Cévennes. Người ta hay bắt gặp ông mặc khố, cởi trần lúc chăm sóc mảnh vườn nhỏ của mình. Ông qua đời ngày 4-3-1993 trong cô đơn lặng lẽ…
*
* *
Có gì phải ngạc nhiên nếu đọc các tác phẩm của Dournes thấy ông tường tận đến máu thịt với mọi khía cạnh cuộc sống của đồng bào dân tộc Jrai như thế. Cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà năm 1969, Trường Cao học Thực hành Paris (Pháp) cấp văn bằng cho ông về công trình “Dân tộc thực vật học Jrai”; năm 1971, ông được trao bằng Tiến sĩ Sorborne cấp 3 với công trình nghiên cứu “Tổ chức gia đình và xã hội của người Jrai” và năm 1973, ông được công nhận là Tiến sĩ quốc gia Văn chương và Khoa học nhân văn với công trình mang tên “Pơtao-một lý thuyết về quyền lực ở người Jrai Đông Dương”. Không chỉ để lại cho hậu thế những công trình khoa học để đời, ông còn cho thấy một thái độ ứng xử rất đúng mực và đầy trân trọng với những giá trị của văn hóa Tây Nguyên. Các nhà khoa học thời nay-kể cả người dân tộc bản địa-thử hỏi đã có ai dám lụy cả một quãng đời để làm công việc như Dournes? Câu chuyện với ông Nay Val cứ đọng lại trong tôi một câu hỏi ấy…
NGỌC TẤN