Người thầy nơi miền đất dữ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Người thầy nơi miền đất dữ: Họ cắt rừng tìm con nước về cho học trò khi hạn hán, còn lúc mưa sa phải khiêng xe máy vượt lũ dữ để đến trường.
 
Đường vào Eo Bù - Chút Mút sạt lở nghiêm trọng khiến các giáo viên không thể vào bản
Lo cho trò từng con nước
Ngày 6.9, trời vừa tảng sáng, mặc cho những cơn mưa kéo dài và hơi lạnh tỏa ra từ núi rừng ngút ngàn, thầy giáo Ngô Mậu Tình, Phó hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Lâm Thủy (xã Lâm Thủy, H.Lệ Thủy), đã cùng các cán bộ, giáo viên, gồm: Nguyễn Quang Hưng, Đặng Ngọc Tân, Hoàng Ky mang áo mưa, đội mũ lội suối cắt rừng đi tìm con nước. Chuyện là, mưa lũ mấy ngày qua khiến đường ống dẫn nước từ khe Kho Rinh về cho trường sử dụng bị hư hỏng; lũ rút, các anh lập tức đi sửa chữa. Học sinh (HS) không thể thiếu nước một ngày. Tôi hỏi, nhà trường không có bể chứa hay sao? “Có nhưng nhỏ nhà báo à, chỉ hơn 40 khối”, thầy giáo Tình trả lời. Sau mấy tiếng đồng hồ vật lộn trong mưa, đường ống nối xong nhưng nước vẫn chưa về; các thầy lại phải đào đất nơi có đường ống đi qua ở khu vực gần trường để tìm nguyên nhân.

Ít ai nghĩ, một trường dân tộc miền núi như ở Lâm Thủy hay trường nội trú Lệ Thủy lại luôn là tập thể lao động xuất sắc, khuôn viên khang trang sạch đẹp, dạy và học theo công nghệ internet, học sinh giành được nhiều giải cao về HS giỏi và kể cả giải bơi lội… Nhưng hơn hết, đó là những thành tích, lòng ngưỡng mộ từ nhân dân dành cho các giáo viên vùng thiên tai.

Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Lâm Thủy đóng trên địa bàn rẻo cao biên giới, cách thị tứ gần nhất cũng 40 km đường rừng. Nơi đây chủ yếu đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều sinh sống. Trường được thành lập vào năm 2002 khi tách từ Trường phổ thông cơ sở Ngân Thủy. Ngày đó trường chỉ có 8 lớp với 98 HS, 11 cán bộ giáo viên, nhân viên; có 3 điểm trường: Xà Khía, Bạch Đàn, Tân Ly. Năm học 2005 - 2006 trường mở lớp đầu tiên ở điểm trường Eo Bù - Chút Mút, bản làng xa xôi và cách trở. Năm 2012, trường đổi tên như bây giờ và thực hành mô hình bán trú.
 
Người thầy nơi miền đất dữ: Các giáo viên đang sửa lại đường ống dẫn nước vì mưa lũ làm hư hỏng
Để duy trì, nuôi dạy học sinh bán trú, nhất là HS đồng bào dân tộc là điều không hề dễ dàng. Năm học 2019 - 2020, trường đón 43 HS vào lớp 1, nâng tổng số lên 312 em. Nề nếp nội trú luôn phải được giữ gìn, đảm bảo. Trong đó, nỗi niềm canh cánh nhất của thầy cô giáo là nguồn nước. Mưa lũ hư hỏng đường ống đã đành nhưng cứ đến tháng 3 hằng năm, mùa hè khô hạn nên phải dẫn nước theo đường ống từ Kho Rinh về bể chứa. Khe Kho Rinh ở bản Xà Khía cách trường tầm 2 km và vì nằm trên cao nên mỗi lần đi kiểm tra, sửa chữa đường ống thì các giáo viên phải cuốc bộ bở hơi tai. Đến tầm tháng 8 - 9, Kho Rinh cũng cạn nước, giáo viên phải tìm nguồn khác. Mới đây thôi, vào giữa tháng 8 vừa qua, các thầy giáo đội nắng băng rừng hơn 4 km để tìm nguồn nước mới dẫn về cho khu nội trú. Nếu bị tắc đường ống từ Kho Rinh, nhà trường buộc phải bơm từ khe Vàng lên; mỗi lần bơm như thế, trường phải cắt cử người thay nhau trực để đảm bảo an toàn điện. Khi không bơm được thì giáo viên phải dùng xe bò chở nước về cho HS dùng. Đặc biệt, đường ống dẫn nước trường làm nhưng cho cả dân bản Xà Khía sử dụng.
Chuyện thiếu nước vào mùa hè là vấn đề nan giải của các trường học nội trú miền núi. Không chỉ Lâm Thủy, thầy cô ở Trường phổ thông dân tộc nội trú Lệ Thủy cũng đau đáu về nước. Thầy giáo Lê Văn Bình, Hiệu trưởng nhà trường, kể: “Trường đón HS tựu trường vào ngày 18.8, mọi công tác chuẩn bị cho việc ăn, ở, sinh hoạt và học tập của HS đều cơ bản. Chỉ còn tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt cho 226 HS tại trường. Mặc dù nhà trường đã chuẩn bị về 2 nguồn nước sạch, 4 giếng khơi nhưng sau 3 ngày tựu trường, nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho HS cạn kiệt trong khi thời tiết nắng nóng kéo dài. Vì thế, nhà trường phải phối hợp với HTX dịch vụ nông nghiệp Mai Thủy chạy máy bơm nước từ sông Kiến Giang qua hệ thống mương máng đi qua trước cổng trường để các em sử dụng và bơm dự trữ; phối hợp với công ty nước khoáng Bang chở nước sông Kiến Giang bằng các xe bồn bơm vào bể chứa”.
Quay cuồng trong cơn hồng thủy
Hè thì nắng cháy, thiếu nước, nhưng hễ mùa mưa về, miền đất này ngay lập tức đối mặt với lũ lụt chia cắt. Ngày khai giảng 5.9 vừa qua là một kỷ niệm buồn không chỉ đối với người thầy, người cô mà cả với HS nhiều nơi ở Quảng Bình bởi bao nhiêu chuẩn bị, háo hức chờ đón tiếng trống khai giảng bị mưa lũ vùi dập tứ bề. Thật khó cầm lòng được với những hình ảnh phòng học, sân trường chìm trong nước; có nhiều trường ở H.Bố Trạch, phông nền với dòng chữ “Lễ khai giảng” đã treo lên nhưng sáng hôm sau vẫn không thể khai giảng vì nước lũ tràn vào. 239 trường (gần 1 nửa trường toàn tỉnh) với khoảng 90.000 HS chưa thể tổ chức khai giảng và hơn 200 phòng học bị ảnh hưởng, hư hại do mưa lũ vừa qua.
 
Người thầy nơi miền đất dữ: Để đến trường mùa lũ, các giáo viên phải khiêng xe máy như thế này. Ảnh: Huệ Minh
Có lẽ mọi người khó hình dung được trong lúc nguy cấp như thế, những người giáo viên làm gì. Với tôi, họ như những chiến binh quả cảm. Họ xông pha bất chấp hiểm nguy. Sáng 6.9, thầy giáo Ngô Mậu Tình mới nói được mạnh mẽ qua điện thoại: “Đến sáng nay đường được khơi thông hơn rồi; các giáo viên Nguyễn Thanh Phương, Trần Mạnh Cường và Ngô Thị Thu Hà đã vào được bản Eo Bù - Chút Mút với HS rồi em ơi”. Nghe giọng của anh mà tôi cũng mừng lây. Mấy ngày rồi HS thiếu thầy, thầy cũng không thấy được HS của mình. Các em trong bản chưa được khai giảng. Ngày 4.9, mưa như trút, 3 giáo viên quyết tâm vượt rừng vào bản nhưng bất lực quay ra điểm trường chính vì núi lở chắn hết đường. Nhìn hình ảnh họ trượt ngã và dìu nhau gồng lên nhích từng bước chân giữa khối đất dày đặc nhão nhoẹt, ai nấy ứa nước mắt.
Chẳng ai bắt buộc người thầy phải như thế nhưng vì nghề, vì HS mà trong mưa lũ, họ vẫn dấn thân đến trường. Đã nhiều ngày trôi qua nhưng cô giáo trẻ Lê Thị Thúy Diễm (26 tuổi, ở xã An Thủy, H.Lệ Thủy; giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Lâm Thủy) vẫn còn bàng hoàng. Ngày 3.9, trời chưa sáng thì Diễm đã rời nhà lên trường, đến Km 23 đường 10 thì nước lũ đổ về cuồn cuộn băng qua đường. Cô và 3 giáo viên của trường cùng nhiều giáo viên các trường khác ở trong vùng phải dừng lại. Chần chừ một lúc, họ quyết tâm lội qua nhưng được tầm 3 m phải lùi lại vì nước quá xiết. Đợi 2 tiếng đồng hồ, thấy nước có giảm, mọi người quyết định khiêng xe máy qua với sự hỗ trợ của người dân đi đường. Vượt qua đó, đi được một đoạn thì đến ngầm Km 25 hung dữ hơn. Lúc này không thể khiêng xe vì nước quá mạnh, đoàn phải cùng nhau đẩy từng chiếc qua. Nữ giáo viên Nguyễn Thị Hóa bị ngã trôi nhưng may mắn được nam giáo viên Nguyễn Thanh Hùng túm lại.
“Khi qua được ngầm 25 rồi, mọi người tay bắt mặt mừng, hẹn ngày gặp lại nhau và cầu mong không gặp nhau trong hoàn cảnh như này nữa. Em đến trường gặp lũ cũng nhiều rồi, nhưng lũ to và lượng nước nhiều như năm nay thì chưa gặp. Lúc đó sợ vô cùng, cái chết cận kề mà”, Diễm tâm sự. Thoát “cửa tử”, họ tất tả lên trường dò hỏi nắm tình hình HS vì ngày 2.9 nghỉ lễ, ngày 3.9 thì đổ mưa lũ. Giáo viên ngược xuôi về các địa bàn thăm hỏi, động viên HS trở lại trường.
Trương Quang Nam (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.