Người nước ngoài đón tết Việt ở thành phố ngàn hoa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Những ngày này, sắc xuân đang ngập tràn khắp phố phường của thành phố ngàn hoa. Người người, nhà nhà háo hức chờ đón thời khắc chuyển giao qua năm mới.

Những người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam cũng đang hòa chung với niềm vui ấy. Với họ, đây là cơ hội để được trải nghiệm, hòa mình trong không gian ngày Tết cổ truyền đậm nét văn hóa Việt.

Khi đến Đà Lạt và trải nghiệm kỳ nghỉ, bạn bè của Tom Kim thường đến những điểm du lịch văn hóa và nổi tiếng ở đây

Khi đến Đà Lạt và trải nghiệm kỳ nghỉ, bạn bè của Tom Kim thường đến những điểm du lịch văn hóa và nổi tiếng ở đây

Tết là thời điểm tiết trời đẹp nhất trong năm, nắng trong vắt, tiết trời se lạnh, mai anh đào nhuộm hồng dọc dài những con đường nơi phố núi. Màu sắc rực rỡ của hoa đào, địa lan, lily, tầm xuân… đến sắc đỏ của những gian hàng bán đồ trang trí Tết dường như càng điểm tô thêm cho ngày Tết rộn ràng. Khắp các nẻo đường của Đà Lạt, nhà nhà tất bật mua sắm, trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị chào đón một năm mới an lành và may mắn.

Trong không khí này, những người nước ngoài đang sống và làm việc tại Việt Nam cũng háo hức không kém.

Anh Tom Kim - hướng dẫn viên du lịch người Hàn Quốc, cho biết, không khí Tết tại Đà Lạt luôn để lại cho anh nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Tuy đã sống và làm việc ở nhiều thành phố khác ở Việt Nam, nhưng anh vẫn dành một sự yêu mến đặc biệt cho Đà Lạt và không khí Tết ở đây. Sau 6 năm ở Việt Nam, gồm 2 năm ở Đà Lạt, anh cho rằng: “Không giống Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt có khí hậu mát mẻ quanh năm, thời tiết này làm tôi nhớ đến mùa xuân ở Hàn Quốc. Đà Lạt hội tụ nhiều nét đẹp từ kiến trúc, văn hóa đến con người hiền hòa, mến khách, xứng đáng là lựa chọn hàng đầu để đến trải nghiệm, nghỉ dưỡng - đây cũng là lý do mà thời gian gần đây, nhiều du khách Hàn chọn lựa đến Đà Lạt du lịch”.

Trong không khí này, những người nước ngoài đang sống và làm việc tại Việt Nam cũng háo hức không kém.

Là người yêu thích tìm hiểu những nét đẹp văn hóa, lễ hội truyền thống, nhiều năm sống tại Việt Nam và trải nghiệm Tết cổ truyền tại Đà Lạt, anh Tom Kim chia sẻ, anh đặc biệt thích không khí Tết Việt, sắc xuân trên khắp phố phường, không khí vui tươi của mùa xuân ở đây luôn đem lại cho anh một cảm giác rất gần gũi. Và điều anh thích nhất, dù xã hội phát triển nhưng người Việt vẫn giữ truyền thống sum họp gia đình, thăm hỏi họ hàng, bạn bè và dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp. Anh cho biết: “Nét đẹp văn hóa này giống ở Hàn Quốc, theo phong tục truyền thống, ngày mùng một âm lịch, các gia đình sẽ gặp mặt tại gia đình trưởng nam, bày mâm cúng tổ tiên và cùng nhau quây quần bên mâm cơm ấm cúng”.

Còn với Phousaming Sanavong, người Lào, sinh viên năm cuối Khoa Luật, Trường Đại học Đà Lạt, sau 2 lần đón Tết Việt ở Đà Lạt, Phousaming Sanavong đã hoàn toàn bị chinh phục bởi không khí vui tươi ngày Tết Việt. Yêu mến đất nước và con người Việt, Phousaming Sanavong muốn được mọi người gọi một cách thân thiết là Minh. Những lần ở lại Đà Lạt dịp Tết, Minh luôn được các bạn mời về nhà trải nghiệm Tết Việt. “Em đặc biệt thích không khí mọi người đến thăm từng nhà nhau để chúc Tết và vui nhất là được lì xì mừng tuổi. Sự gần gũi, thương yêu của mọi người cùng với không khí vui tươi, đầm ấm của không gian Tết Việt khiến em đỡ nhớ nhà và càng yêu quý nơi này hơn. Đây cũng là lý do mà em xem Đà Lạt là quê hương thứ hai của mình”, Minh cười. Minh cho rằng, Tết Việt và Tết Bunpimay của Lào có nhiều nét tương đồng vì đều dành cho nhau những lời chúc năm mới tốt đẹp, chỉ khác một điều là ở Việt Nam không có lễ hội té nước như ở Lào. “Mỗi dịp về lại Lào, em đều kể cho mọi người biết về những nét đẹp văn hóa của Tết Việt và về con người Đà Lạt. Sau 2 lần trải nghiệm Tết ở đây, em muốn có thêm nhiều cơ hội nữa để được đón Tết ở Việt Nam”, Minh hào hứng nói.

Không chỉ riêng Phousaming Sanavong, Tom Kim, những ai đã từng đến sống và làm việc tại Đà Lạt đều không thể cưỡng lại vẻ đẹp của Đà Lạt, khí hậu và con người nơi đây - một vùng đất ôn hòa và đáng sống. 17 năm sống và làm việc tại Việt Nam, anh Nicolas Leymonerie, người Pháp, đã dành 5 năm sống ở Đà Lạt để tránh xa những ồn ào, tất bật nơi thành phố lớn. “Đà Lạt đã để lại ấn tượng mạnh mẽ trong tôi, phong cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ và những ngôi nhà có kiến trúc Pháp, tất cả khiến tôi nhớ lại khung cảnh làng quê của mình trong ký ức tuổi thơ. Chính nó đã thôi thúc tôi và gia đình đến sống và làm việc tại đây”, anh nói.

Dù đã 11 lần đón Tết cổ truyền Việt nhưng với Nicolas Leymonerie, Tết truyền thống của người Việt vẫn luôn đầy thú vị và ý nghĩa. Như một người Việt thực thụ, anh luôn là người thắp hương và khấn vái, còn vợ chuẩn bị mâm cỗ trong ngày Tết. Không khí ấm cúng, sum vầy của các thành viên trong gia đình và lời chào thăm hỏi, chúc Tết của đồng nghiệp, bạn bè, hàng xóm luôn khiến anh cảm thấy gần gũi như đang ở chính quê hương mình. Với anh, bánh chưng rán là món anh thích ăn nhất trong những ngày Tết. “Tôi thích trộn nó đều lên và chiên phẳng trong chảo như món ốp - lết (tiếng Pháp: omelette, món ăn được làm từ trứng đánh lên rán bằng bơ hoặc dầu ăn), còn vợ tôi thì thích ăn theo kiểu truyền thống”, anh Nicolas Leymonerie dí dỏm nói. Sau bữa cơm sum vầy, cả gia đình cùng ra hồ Xuân Hương chờ xem pháo hoa, tận hưởng không khí se lạnh và đón chờ thời khắc giao thừa.

Pháo hoa giao thừa đêm 30 rực sáng, báo hiệu thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, gia đình, bạn bè đoàn tụ, quây quần bên nhau và dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Giây phút thiêng liêng này, dường như không còn những khác biệt về văn hóa, màu da, tiếng nói... chỉ còn lại sự gắn kết, yêu thương và cầu mong cho một năm mới an lành, may mắn!

Có thể bạn quan tâm