Người K'Ho Lâm Đồng trở lại làm du lịch sau dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trải qua 2 năm gần như “đóng băng” bởi dịch COVID-19, các địa điểm du lịch cộng đồng ở Lâm Đồng nói chung và bà con dân tộc K’Ho nói riêng đang có những bước hoạt động du lịch tích cực trở lại.
Người K'Ho Lâm Đồng trở lại làm du lịch sau dịch ảnh 1
 
Đi chậm lại để tiến xa hơn
Làng du lịch cộng đồng Darahoa (xã Hiệp An, Đức Trọng) còn có tên là làng Gà nhờ bức tượng gà trống bằng bê tông to nhất Việt Nam đặt ở giữa làng. Người làng chủ yếu là bà con dân tộc K’Ho, Chil làm nông nghiệp, đi rừng và sau này là hoạt động du lịch. Du khách đến làng phần lớn là người nước ngoài. Dịch COVID-19 ập đến, các chuyến bay quốc tế bị huỷ, làng Darahoa cũng đìu hiu hơn từ đó.         
Bà Kră Jăn K’Đông - người phụ nữ K’Ho có một cửa hàng dệt và bán thổ cẩm phục vụ du lịch ở trung tâm làng. Nhờ khả năng giao tiếp tiếng Anh tốt nên trước dịch, hầu như ngày nào K’Đông cũng tiếp hàng chục lượt khách nước ngoài. Thu nhập không nhiều nhưng đều đặn đủ giúp K’Đông nuôi gia đình với 4 người con. Khó khăn ập đến khi nguồn thu nhập chính từ du lịch hoàn toàn bị cắt. Cuối cùng, bà cũng không gắng gượng nổi qua một năm dịch đầu tiên, phải dắt díu 4 đứa con sang Bình Dương làm công nhân.
Bà K’ Win - em gái bà K’Đông đang tiếp quản gian hàng thổ cẩm của chị gái để làm thành hàng nước, bán cho người làng – chia sẻ: “Giờ tôi chỉ mong du khách trở lại nhiều để buôn làng vui như xưa. Chị K’Đông về mở lại cửa hàng thổ cẩm, mấy chị em lại dệt vải, thu nhập tốt hơn bán nước nhiều”.
Được biết, từ cuối năm 2021, làng Darahoa đã được nhà nước đầu tư làm lại đường giao thông liên xã. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào năm 2023. Ông Thái Bình Đông – Phó chủ tịch UBND xã Hiệp An cho biết: “Thực ra dự án làm lại đường cho làng Darahoa đã có chủ trương, kế hoạch từ trước. Tuy nhiên, trong khi dịch bệnh đang khiến khách quốc tế chưa trở lại ngay được cũng là cơ hội để địa phương chúng tôi nâng cấp hạ tầng, chỉnh trang diện mạo cho làng. Qua đó mong rằng, về lâu dài, Darahoa sẽ trở thành một điểm du lịch cộng đồng không chỉ thú vị mà còn sạch, đẹp, bài bản.”
Công trình tượng gà và hệ thống đường làng Darahoa đang được sửa chữa, nâng cấp để sớm trở lại phục vụ du khách.
Công trình tượng gà và hệ thống đường làng Darahoa đang được sửa chữa, nâng cấp để sớm trở lại phục vụ du khách.
Cũng trong thời gian này, ông Thái Bình Đông đang thay mặt địa phương gấp rút hoàn thành đề án nhằm quản lý, khai thác và phát huy hiệu quả địa danh làng Gà để trình UBND tỉnh phê duyệt phát triển trong thời gian tới. Những bước đi bài bản này nhằm góp phần chuẩn bị cho sự trở lại của làng du lịch cộng đồng Darahoa trong một diện mạo mới mẻ, ấn tượng và chuyên nghiệp hơn.
Những bước chuyển mình
Nằm kế bên TP.Đà Lạt, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương tận dụng lợi thế vị trí và nhiều nét văn hoá truyền thống nên đã đẩy mạnh đầu tư phát triển du lịch cộng đồng từ nhiều năm qua. Đặc biệt, địa phương hiện đang duy trì một câu lạc bộ cồng chiêng hơn 20 người để thường xuyên biểu diễn phục vụ du khách.          
Bà Kra Jãn Belle - Chủ nhiệm câu lạc bộ cồng chiêng thị trấn Lạc Dương cho biết: “Trước dịch, chúng mình thường biểu diễn phục vụ du khách ở làng Cù Lần. Bây giờ, câu lạc bộ mình còn kết hợp với một số nhà hàng trên địa bàn để biểu diễn cồng chiêng trong lúc khách thưởng thức đặc sản và uống rượu cần tại quán nữa”. Bà cũng chia sẻ thêm, trong dịp nghỉ lễ 30.4, 1.5 năm nay, đã rất lâu rồi mọi người trong câu lạc bộ mới có cơ hội được “chạy sô” biểu diễn cả ngày. Bà không chỉ vui vì nguồn thu nhập nhiều hơn mà vui nhất là vì có vẻ tình hình dịch bệnh đã ổn định và du khách đang trở lại ngày một nhộn nhịp hơn. 
Các thành viên trong câu bộ cồng chiêng thị trấn Lạc Dương chủ yếu là người trẻ (từ 18 đến 35 tuổi) đam mê gìn giữ văn hoá truyền thống.
Các thành viên trong câu bộ cồng chiêng thị trấn Lạc Dương chủ yếu là người trẻ (từ 18 đến 35 tuổi) đam mê gìn giữ văn hoá truyền thống.
Bên cạnh việc duy trì sinh hoạt văn hoá cồng chiêng và ẩm thực truyền thống, hiện người K’Ho ở Lâm Đồng cũng đã và đang phục hồi, bảo tồn nghề dệt thổ cẩm, nấu rượu cần để phục vụ du khách. Theo thống kê của xã Hiệp An (Đức Trọng), hiện địa phương có khoảng 43 công nhân đang theo học và sản xuất dệt thổ cẩm. Bên cạnh các sản phẩm truyền thống của người K’Ho, các nghệ nhân cũng không ngừng sáng tạo nhiều mẫu mã mới, kết hợp hoạ tiết thổ cẩm với áo quần, túi xách, ba lô, ví cầm tay... để phục vụ du khách.
Theo ông Trần Xuân Đường, Chủ tịch UBND thị trấn Lạc Dương, việc đa dạng hóa các loại hình dịch vụ du lịch đã mang lại nguồn thu nhập lớn, đặc biệt đối với bà con dân tộc thiểu số. Du lịch cộng đồng đã góp phần rất lớn vào công tác giảm nghèo bền vững cho địa phương. Hiện thị trấn chỉ còn 16 hộ nghèo, số hộ giàu và khá ngày càng tăng. Địa phương xác định việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống chính là cái gốc để phát triển kinh tế du lịch.
PHƯƠNG NHIÊN (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.