Người đi tìm di ảnh chiến sĩ Gạc Ma

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thắp nén hương, kính cẩn trước những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh, thầy Ngô Văn Minh đỏ hoe mắt rồi lặng người đi trong giây lát. Trong sâu thẳm đáy lòng, giọt nước mắt còn là niềm vui khi thầy đã thỏa lòng với lời hứa “Tìm ảnh cho anh”. Từ nay, trên tấm bảng “Tổ quốc ghi công” tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đã có di ảnh liệt sĩ Trần Quốc Trị. Anh đã sum vầy bên đồng đội!
“Mái nhà chung” của chiến sĩ Gạc Ma
Cách đây vài hôm (trưa 8-12), thật may mắn cho tôi khi được cùng PGS-TS Ngô Văn Minh, Trưởng khoa Dân tộc và Tôn giáo, Học viện Chính trị Khu vực III, đến xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa để trao bức di ảnh và những kỷ vật của liệt sĩ Trần Quốc Trị cho Ban quản lý Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Đứng trước công trình “Vòng tròn bất tử” - biểu tượng tưởng nhớ 64 anh hùng, liệt sĩ Gạc Ma, thầy Minh nói, tiết trời hôm nay dịu đến lạ thường; lâu lâu có những cơn gió nhẹ từ biển thoảng qua, có cảm giác như hương hồn các anh “mượn gió” về quanh đây. Chứng kiến lễ bàn giao bức di ảnh, ai cũng bùi ngùi đan lẫn vui sướng, bởi từ nay, bức di ảnh sẽ làm vơi đi phần nào nỗi day dứt của nhiều người bấy lâu nay khi đứng trước vong linh các anh. Vui hơn, sau khi tiếp nhận, di ảnh của liệt sĩ Trần Quốc Trị đã được Ban quản lý Khu tưởng niệm Gạc Ma tạc ngay vào khung đá và in trên tấm bia Tổ quốc ghi công, đặt nơi trang trọng nhất của khu tưởng niệm cùng với di ảnh đồng đội anh. 

Thầy Ngô Văn Minh (bên phải) trao di ảnh quý cho Ban quản lý Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma
Thầy Ngô Văn Minh (bên phải) trao di ảnh quý cho Ban quản lý Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma
Trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển và quần đảo Trường Sa, ngày 14-3-1988, 64 chiến sĩ chúng ta đã anh dũng hy sinh, nhiều người ở tuổi đời còn rất trẻ. Để tưởng nhớ những người đã ngã xuống, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đã được xây dựng trên khu đất rộng hơn 25.000m2, nằm ở phía Đông đại lộ Nguyễn Tất Thành, tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm. Công trình tọa lạc nơi vị trí cao ráo, thoáng đãng, có cả hai mặt hướng biển và đất liền, hoàn thành vào tháng 7-2017. Khu tưởng niệm mang nhiều ý nghĩa về lòng tri ân, là địa chỉ thiêng liêng về giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ. Hơn 30 năm đã trôi qua, nhưng ký ức bi tráng về 64 anh hùng, liệt sĩ vẫn sống mãi trong trái tim những người Việt Nam. Các anh đã có “một mái nhà chung” tại khu tưởng niệm. 
Từ ngày khánh thành đến nay đã hơn 4 năm, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma thu hút hàng trăm ngàn lượt người đến viếng thăm lặng mình trước hương hồn các anh hùng, liệt sĩ. Nhưng cũng có nhiều người băn khoăn tự hỏi, sao trên tấm bảng ghi công còn một chỗ trống, có phải còn thiếu một bức di ảnh; sao không tìm để các liệt sĩ ấy đoàn tụ bên nhau? Ông Võ Duy Trúc, Trưởng ban Quản lý Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tâm sự, mỗi lần nghe câu hỏi ấy, chúng tôi lại thấy day dứt. Dù ban và nhiều cơ quan, đơn vị bao lần tổ chức tìm kiếm bức di ảnh của liệt sĩ Trần Quốc Trị nhưng không thành. Cứ vậy, nỗi day dứt ngày một “dày” thêm mỗi khi nhìn vào ô trống ở vị trí còn thiếu bức ảnh. Bởi vậy, trong nội dung thuyết minh của hướng dẫn viên về khu tưởng niệm luôn có câu kết, rằng ai có thông tin về hình ảnh của liệt sĩ Trần Quốc Trị, xin vui lòng chia sẻ để anh được sum họp cùng 63 đồng đội của mình. “Hôm nay, thầy Minh đem đến đây bức di ảnh của liệt sĩ Trần Quốc Trị, tôi rất xúc động và tỏ lòng biết ơn đến thầy và những người cùng thầy đi tìm ảnh cho anh ấy”, ông Võ Duy Trúc bày tỏ.
Lời hứa đi tìm di ảnh
Năm 2019, trong chuyến dẫn đoàn học viên lớp cao cấp lý luận chính trị đi thực tế tại tỉnh Khánh Hòa, PGS-TS Ngô Văn Minh đã cùng đoàn đến đặt vòng hoa tưởng niệm và thăm nhà trưng bày tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Nhìn di ảnh các liệt sĩ, lòng ông trào lên nỗi day dứt khi vị trí di ảnh liệt sĩ Trần Quốc Trị (sinh năm 1965, quê xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), chỉ có tên tuổi và một ô trống thiếu di ảnh. Hỏi ra mới biết, dù đã nhiều cách, nhưng đến thời điểm đó vẫn không thể tìm được bất cứ một hình ảnh nào của liệt sĩ Trần Quốc Trị. Mang theo nỗi niềm day dứt đó, người thầy giáo nặng lòng với Trường Sa bắt đầu hành trình “Tìm ảnh cho anh”. Thầy tâm sự: “Không thể có chuyện một con người như thế ra đi mà không để lại bất cứ hình ảnh nào. Tôi có một niềm tin mãnh liệt là sẽ tìm thấy di ảnh của liệt sĩ Trần Quốc Trị”. Niềm tin ấy cứ thôi thúc thầy Minh, nhưng rồi ngày tháng trôi qua, những địa chỉ cần tìm hầu như đã tìm, mà di ảnh của liệt sĩ vẫn là ẩn số.
Trong những chuyến giảng dạy tại Quảng Bình, quê hương của liệt sĩ Trần Quốc Trị, thầy luôn chia sẻ thông tin với nhiều học viên các khóa về tâm tư đi tìm di ảnh cho anh. Đồng cảm với niềm tin của thầy Minh, một số nhà báo ở Báo Quảng Bình cũng đã nhiều lần lặn lội khắp nơi để cùng thầy hoàn thành tâm nguyện. Thậm chí, Huyện đoàn Bố Trạch cũng đã phát động chương trình “Tìm ảnh cho anh” và phân công các cơ sở Đoàn liên hệ với đồng đội, bạn bè của liệt sĩ trong tỉnh và toàn quốc nhưng vẫn không có kết quả.
Dù nhiều cuộc tìm kiếm trở nên vô vọng, nhưng hành trình “Tìm ảnh cho anh” vẫn tiếp tục được PGS-TS Ngô Văn Minh và nhiều người kiên trì. Đã từng nhờ người liên hệ tìm ở phía quân đội nhưng vẫn không có kết quả, thầy Minh chợt nhớ đến một học viên cũ nay là lãnh đạo của Công an Quảng Bình, nhờ người đó tìm qua kho lưu trữ tàng thư tờ khai chứng minh nhân dân, đây như là hy vọng cuối cùng. Thật may mắn là trong lớp cao cấp lý luận chính trị thầy đang giảng tại Quảng Bình có học viên của lớp là Thượng tá Trần Thị Hồng Phượng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội. Thầy đã nhờ chị Phượng sao lục hồ sơ, và niềm vui vỡ òa khi hồ sơ lưu trữ của liệt sĩ Trần Quốc Trị đã được tìm thấy, trong đó có bức ảnh chân dung với đầy đủ thông tin. “Khi nhận tin này, tôi đã về phòng đóng cửa lại và khóc một mình. Tôi khóc vì mình và những học viên đã làm được điều gì đó để gia đình liệt sĩ Trần Quốc Trị vơi đi sự mất mát, để người ở lại bớt day dứt”, thầy Minh bùi ngùi nhớ lại. 
Ngay trong tối hôm đó, thầy Minh cùng hai học viên Nguyễn Thị Thu Hiền và Nguyễn Thị Ngọc Mai (công tác tại Báo Quảng Bình) đồng hành trên con đường “Tìm ảnh cho anh” lập tức về thôn 4, xã Đồng Trạch để gặp gia đình liệt sĩ Trần Quốc Trị. Anh Trần Quốc Tuấn (sinh năm 1954), anh trai liệt sĩ Trần Quốc Trị nhìn bức ảnh đã không giấu nỗi niềm xúc động khi nhận ngay ra người em trai út của mình dù đã hơn ba mươi năm chia xa. Gia đình liệt sĩ cho biết, trước đây có một bức ảnh liệt sĩ Trần Quốc Trị chụp chung với hai người bạn, nhưng trong một trận bão, bức ảnh đã hỏng cùng với nhiều giấy tờ. “Gia đình hy vọng và mong mỏi có một ngày sẽ tìm được ảnh của em tôi nhưng thời gian cứ trôi qua mà không thấy di ảnh đâu. Lần tiễn em trai lên đường nhập ngũ năm ấy không ngờ là lần chia tay cuối cùng. Những năm qua cũng có nhiều cơ quan, đoàn thể và cá nhân giúp gia đình tìm ảnh chú nhưng không tìm được. Thật may mắn, cuối cùng chúng tôi cũng có được bức ảnh của chú ấy. Mấy hôm rồi, hay tin nhà đã có di ảnh cho em, bà con chòm xóm đến đông, họ thắp những nén hương mà lòng thêm ấm. Ba mẹ tôi chắc cũng mỉm cười nơi chín suối…”, anh Tuấn xúc động.
Viết tiếp bản hùng ca
Để giữ được biển đảo thiêng liêng, có không ít những người con đất Việt đã ngã xuống để cờ Tổ quốc mãi tung bay. Liệt sĩ Trần Quốc Trị và những đồng đội của anh- những người con kiên trung, đã ngã xuống, máu thịt hòa vào với biển đảo Trường Sa để bảo vệ chủ quyền. Với những người ở lại, như PGS-TS Ngô Văn Minh và bao người khác, họ luôn đau đáu với những ký ức bi hùng của Trường Sa, Hoàng Sa. Thầy Minh đã có những vần thơ cảm xúc và những bài nghiên cứu về biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đến nay, thầy đã có trên 30 bài nghiên cứu về Trường Sa, Hoàng Sa, trong đó có tác phẩm “ Biển, đảo - Máu thịt quốc gia, không gian sinh tồn của dân tộc” mà thầy tâm đắc. Không dừng lại ở đấy, thầy Minh còn cho biết, sau này thầy sẽ dành nhiều thời gian hơn để nghiên cứu về vấn đề chủ quyền biển đảo Việt Nam và cũng để tri ân những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc thiêng liêng. 
Từ nay, ngày giỗ chung của 64 chiến sĩ Gạc Ma (ngày 14-3 và 22-12 hàng năm) sẽ ấm cúng hơn khi di ảnh của liệt sĩ Trần Quốc Trị được ngay ngắn xếp hàng bên đồng đội thân thương, gắn bó vĩnh viễn như câu chuyện về lòng quả cảm mà các anh đã viết nên cách đây hơn 30 năm. Và hôm nay, câu chuyện ấy sẽ đẹp hơn với niềm tin mãnh liệt và tình yêu dành cho những người anh hùng đã ngã xuống vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, như hành trình “Tìm ảnh cho anh” mà thầy Ngô Văn Minh và những học viên của thầy, cùng bao người nay đã hoàn thành tâm nguyện.
VĂN NGỌC (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.