Người dân làng Jút 2 mưu sinh nhờ rễ cỏ tranh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm, người dân làng Jút 2 (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) lại tất bật đi đào rễ cỏ tranh để bán. Dù khá vất vả nhưng công việc này giúp họ có thêm thu nhập từ việc thời vụ.
6 giờ sáng, gia đình chị Puih Thi (22 tuổi) đã chuẩn bị xong cơm nước và dụng cụ để bắt đầu hành trình đào rễ cỏ tranh. Địa điểm là mảnh đất hoang đầy cỏ tranh lẫn cỏ dại phía sau Trường Quốc tế Châu Á Thái Bình Dương-Gia Lai (xã Diên Phú, TP. Pleiku).
 Chị Puih Thi (bìa trái) và mẹ đang bó rễ cỏ tranh để bán. Ảnh: T.B
Chị Puih Thi (bìa trái) và mẹ đang bó rễ cỏ tranh để bán. Ảnh: T.B
Bịt khẩu trang và đeo bao tay cẩn thận, chị Thi cầm dao và cuốc tiến vào đám cỏ tranh, bắt đầu công việc đào đất kiếm rễ. Những bụi cỏ tranh cao ngang người, lá rất sắc nên chị cẩn thận cắt phần cỏ trước khi đào. Rễ tranh lan dài, ăn sâu trong lòng đất, đào lên được tốn rất nhiều công sức. Phải lật ngược từng thớ đất mới làm lộ ra những đoạn rễ dài, nhiều đốt, màu vàng nhạt; ngoài ra còn phải có kỹ thuật để tránh làm đứt phần rễ. Đào được một đoạn khoảng 2 m, chị ngồi xuống nhặt rễ tranh, giũ sạch đất và gỡ lớp vỏ lụa bên ngoài, xếp thành từng bó. Xoa đôi tay phồng rộp vì phải cuốc đất cứng, chị Thi cho hay, chị tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm Mầm non (Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai) năm 2019. Do không xin được việc nên đi cắt cành cà phê thuê cho người ta hoặc đi đào rễ tranh. Dù công việc vất vả nhưng có tiền chi tiêu trong gia đình.
Gần đấy, chị Ksor Yên (40 tuổi) cũng đang tất bật với công việc của mình. Chị Yên cho biết: “Theo kinh nghiệm, mình thường chọn đào cỏ tranh mọc ở vùng đất cứng. Dù đào khó, mất sức hơn nhưng rễ khi nấu nước uống có vị ngọt hơn”. 
Những người dân làng Jút 2 đã gắn bó với công việc này nhiều năm nay. Đến hẹn lại lên, cứ khoảng tháng 2 đến tháng 4, bà con lại rủ nhau đi đào rễ cỏ tranh. Lúc đầu thì đào gần nhà, sau do nhiều người tham gia, rễ cỏ tranh càng ít đi nên phải đi tìm vùng cỏ tranh mới xa hơn. Tùy vào sức khỏe, mỗi ngày, người đào nhiều có thể thu được gần 10 kg rễ, người ít thì cũng được 3-4 kg. “Bà con dặn nhau chỉ đào những chỗ đất đang bỏ hoang và đào những bụi cỏ tranh đã già để rễ dài và đẹp. Những bụi tranh còn nhỏ thì để lại cho mùa thu hoạch sau”-chị Yên tâm sự.
Để đào được những bó rễ cỏ tranh như thế này, người dân làng Jút 2 phải tốn nhiều công sức và mồ hôi. Ảnh T.B
Để đào được những bó rễ cỏ tranh như thế này, người dân làng Jút 2 phải tốn nhiều công sức và mồ hôi. Ảnh T.B
Lên đường từ sáng sớm, đến khoảng 14 giờ họ trở về nhà, rửa sạch rễ tranh và bó lại thành từng bó nhỏ. Sau 1-2 ngày, người dân lại gùi rễ tranh đi bán quanh các con đường, các chợ ở TP. Pleiku. Mỗi bó rễ tranh loại dài khoảng 60 cm/rễ được gia đình chị Thi bán với giá 15.000 đồng. Do nhà chị có 4 người cùng làm nên thu nhập lúc nào cũng cao nhất, mỗi lần ra chợ bán khoảng 80 bó rễ cỏ tranh. Còn nhà chị Ksor Yên thì bán cả loại rễ cỏ tươi và phơi khô; giá rễ tươi là 20.000 đồng/bó loại dài khoảng 70 cm/rễ; còn rễ đã phơi khô, thái nhỏ thì có giá 150.000 đồng/kg.
Rễ cỏ tranh nấu nước uống rất tốt cho thận, có tác dụng giải nhiệt nên được nhiều người tìm mua. Chị Nguyễn Thị Quyên (tổ 2, phường Thống Nhất, TP. Pleiku) cho biết: “Nước rễ cỏ tranh giúp thanh nhiệt, làm mát cơ thể, tốt cho sức khỏe. Mỗi lần gặp bà con gùi rễ cỏ tranh đi bán là tôi mua luôn 5 bó để dành nấu nước uống dần”.
THỦY BÌNH

Có thể bạn quan tâm

Những năm tháng cuối đời của Anh hùng Núp

Những năm tháng cuối đời của Anh hùng Núp

(GLO)- Những ngày cuối tháng 4 lịch sử, chúng tôi đến Nhà lưu niệm Anh hùng Núp (xã Tơ Tung, huyện Kbang) để sưu tầm thêm tư liệu, phục vụ triển lãm tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của người anh hùng huyền thoại (2/5/1914-2/5/2024).

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.