Theo chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13, chiều 4-11, Chính phủ sẽ trình bày Tờ trình về dự án Luật Báo chí sửa đổi. Dự án này là một trong những vấn đề được dư luận rất quan tâm trong thời gian vừa qua với kỳ vọng đạo luật mới sẽ giúp hạn chế tình trạng báo chí có xu hướng lá cải đang bùng phát trong thời gian gần đây.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã trao đổi với báo giới về vấn đề này.
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn. |
- Thưa Thứ trưởng, xin ông cho biết một số điểm mới đáng chú ý của Luật Báo chí sửa đổi đang được trình Quốc hội?
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Luật Báo chí ban hành năm 1989, được sửa đổi bổ sung năm 1999. Sau 16 năm thi hành đã bộc lộ những bất cập, chưa điều chỉnh kịp thời những nảy sinh trong thực tiễn hoạt động báo chí, chưa phát huy được hiệu lực và nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về báo chí giai đoạn hiện nay.
Ngoài ra, việc sửa đổi Luật Báo chí hiện hành cũng để triển khai và phù hợp với các yêu cầu mới việc thực thi Hiến pháp năm 2013. Do đó, việc sửa đổi Luật Báo chí là rất cấp thiết.
Về hình thức, nếu như Luật Báo chí năm 1989 gồm 7 chương, 31 điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí năm 1999 đã bổ sung 6 điều và bỏ 1 điều, tổng cộng có 36 điều thì Dự thảo Luật Báo chí lần này gồm 6 chương với 59 điều, trong đó có 30 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí hiện hành.
Các quy định đáng chú ý trong dự thảo là về đối tượng thành lập cơ quan báo chí; về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí; những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí; lãnh đạo cơ quan báo chí; giấy phép; liên kết trong hoạt động báo chí…
Ví dụ như việc đối tượng được thành lập cơ quan báo chí, dự thảo Luật quy định ngoài đối tượng như Luật hiện hành thì các cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật Giáo dục đại học; Tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ; Bệnh viện từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương… được ra tạp chí khoa học.
Hoặc, việc tên gọi lãnh đạo cơ quan báo chí cũng được quy định mới. Theo đó, người đứng đầu cơ quan báo chí được gọi là giám đốc hoặc tổng giám đốc. Tổng biên tập là người chịu trách nhiệm về nội dung, phụ trách một hoặc nhiều ấn phẩm, còn lãnh đạo cơ quan báo chí là người phụ trách chung. Người đứng đầu cũng có thể kiêm nhiệm tổng biên tập một hoặc một vài ấn phẩm.
Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền đăng tải nội dung thông tin có tính chất báo chí trên truyền thông xã hội. Nhưng, nếu nội dung được đăng tải đó xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, lợi ích của đất nước thì đó là hành vi bị cấm…
- Thời gian vừa qua, dư luận rất bất bình với những sai phạm về nội dung thông tin trên báo chí. Vậy, trong dự thảo Luật Báo chí lần này, vấn đề này được xử lý như thế nào?
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Tôi cho rằng, để hạn chế những sai phạm về nội dung thông tin báo chí cần thực hiện nhiều mặt công tác, như: thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm minh vi phạm; bồi dưỡng, đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho phóng viên…
Nhiệm vụ quản lý nhà nước về báo chí cũng như chức năng, nhiệm vụ của Hội nhà báo đã quy định rõ các mặt công tác này.
Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của nhà báo; nhiệm vụ, quyền hạn của từng chủ thể: tổng biên tập, phó tổng biên tập, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí. Cùng với đó, dự thảo Luật còn quy định cụ thể về cải chỉnh, phản hồi thông tin, khắc phục hậu quả do hành vi thông tin sai; quy định nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí; quy định về xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí đối với lỗi của cơ quan báo chí và nhà báo, quy định cụ thể từng trường hợp bị thu hồi thẻ nhà báo.
- Trong Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi có quy định các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước không có báo chí. Quan điểm của Thứ trưởng về vấn đề này như thế nào?
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Hiện nay, các giới, ngành, lứa tuổi đều có cơ quan ngôn luận của mình. Ví dụ báo in, chúng ta thấy từ người già đến thanh niên, nhi đồng đều có báo (báo Người Cao tuổi, Thanh Niên, Tiền Phong, Nhi đồng…), lực lượng vũ trang có báo quân đội, công an…
Đối với các tập đoàn, tổng công ty chỉ có tạp chí chuyên ngành để phục vụ nhiệm vụ của mình. Nếu ra báo phản ánh mọi vấn đề xã hội sẽ không phản ánh đúng tôn chỉ mục đích hoạt động của tập đoàn kinh tế.
- Thưa Thứ trưởng, trong Luật sửa đổi, vấn đề quản lý nhà nước với báo chí có thay đổi gì không?
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Về cơ bản, nhiệm vụ quản lý nhà nước về báo chí không có thay đổi nhiều. Song thực tiễn hoạt động báo chí đòi hỏi cơ quan quản lý phải đổi mới.
Dự thảo Luật đã quy định cụ thể thẩm quyền quản lý ở Trung ương, địa phương, liên quan các bộ, ngành, chủ quản; quy định cơ chế chủ động cung cấp thông tin cho báo chí; tạo điều kiện tối giản các thủ tục hành chính không cần thiết, bãi bỏ 11 thủ tục liên quan đến cấp phép, quy định thành thông báo… Đơn cử, bỏ hẳn quy định về giấy chứng nhận đăng ký chương trình, kênh chương trình phát thanh, truyền hình liên kết, giấy phép sản xuất chương trình đặc biệt; thay đổi một số nội dung ghi trong giấy phép…
Với quan điểm, quản lý đi đôi với phát triển báo chí, dự thảo Luật đã quy định về chính sách phát triển báo chí với cơ chế tài chính của cơ quan báo chí, cơ chế đặt hàng báo chí, hỗ trợ, đầu tư cho cơ quan báo chí thiết yếu thực hiện nhiệm vụ chính trị.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Theo TTXVN