(GLO)- Không những được mệnh danh là “dòng sông năng lượng” mang lại gần chục tỷ kWh điện mỗi năm mà Sê San còn được biết đến bởi nguồn thủy sản phong phú, đa dạng với nhiều loại quý hiếm.
Sông Sê San được hợp thành bởi 2 nhánh chính là Krông Pôkô phía hữu ngạn và Đak Bla phía tả ngạn rồi chảy từ hướng Đông Bắc sang Tây Nam dãy Trường Sơn, qua địa phận 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Với tổng chiều dài sông chính là 237 km, diện tích lưu vực khoảng 11.450 km2, Sê San đứng ở vị trí thứ 3 về tiềm năng thủy điện trên toàn quốc (chỉ sau sông Đà và sông Đồng Nai) cùng với nguồn thủy sản đa dạng, phong phú.
Nhà máy Thủy điện Sê San 3A. Ảnh: L.L |
Dồi dào năng lượng
Một ngày đầu tháng 6, trong cái nắng gắt của mùa khô Tây Nguyên, chúng tôi đã có hành trình thăm Nhà máy Thủy điện Sê San 3A (xã Ia Khai, huyện Ia Grai). Chuyến đi mang nhiều cảm xúc mới lạ, từ hình ảnh chuyên nghiệp của công nhân Nguyễn Thanh Tuấn, sự thông thạo của kỹ sư Trần Văn Viên-hiện là Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Thủy điện Sê San 3A; sự cẩn thận, tỉ mẩn kiểm tra từng hạng mục, thiết bị của Trưởng phòng Quản lý Điện năng (Sở Công thương) Nguyễn Tấn Hữu, đến sự nhiệt tình của Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Thủy điện Sê San 3A Trần Văn Xô… “Tất cả đều miệt mài với công việc mà mục đích cuối cùng đó là bảo đảm tốt nhất việc vận hành sản xuất, bảo vệ an toàn đập thủy điện và sẵn sàng những phương án bảo vệ đập, phòng-chống lũ lụt cho vùng hạ du”-ông Trần Văn Xô chia sẻ.
Thời tiết khắc nghiệt bỗng tan biến khi chúng tôi lướt nhẹ trên ca nô đi thăm lòng hồ. Cảm giác thật thư thái dễ chịu. Diện tích lòng hồ có dung tích lên tới 80,6 triệu km3, đảm bảo cho 3 tổ máy hoạt động với công suất 108 MW để Nhà máy Thủy điện Sê San 3A có thể cung cấp trung bình khoảng 479,3 triệu kWh mỗi năm… Nếu tính 6 nhà máy thủy điện trên dòng Sê San (gồm các nhà máy: Thủy điện Ia Ly, Plei Krông, Sê San 3, Sê San 3A, Sê San 4 và Thủy điện Thượng Kon Tum (với tổng công suất lên đến 1.800 MW), thì bình quân mỗi năm “dòng sông điện” này đưa lên điện lưới quốc gia hơn 8,5 tỷ kWh. Một con số “khủng” mà không phải dòng sông nào cũng có thể tạo ra. Nó không chỉ là niềm tự hào của 2 tỉnh Bắc Tây Nguyên nói riêng mà còn là sức mạnh kinh tế năng lượng của cả nước nói chung, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Phong phú thủy sản
Được mệnh danh là “dòng sông năng lượng” nhưng Sê San còn được biết đến bởi nguồn thủy sản dồi dào với hệ thủy sinh phong phú gồm những loài cá quý như: anh vũ, lăng, sihanouk, chạch, chép… Chưa thấy thống kê cụ thể về sản lượng thủy sản đánh bắt được trên dòng Sê San nhưng chắc chắn một điều là trữ lượng cá ở đây rất lớn. Nếu không dân chài tứ xứ đã không đổ về đây đánh bắt, lập nên một làng chài nổi (kết thành từ nhiều bè cá) và được đặt cho cái tên khá mỹ miều: Đảo Điếu Ngư. Đó là chưa kể ngư dân sống dọc 2 bên dòng sông và vô số quán ăn nổi lên với đặc sản cá Sê San.
Cuối cuộc hành trình tôi được tiếp xúc với cặp vợ chồng làm nghề chài lưới trên sông Sê San. Ấy là lúc trời đã về chiều, họ đang bán cá ven đường. Cạnh đó là một chiếc thuyền độc mộc, trên thuyền vẫn còn những chú cá chép, chạch, lóc… thi thoảng vùng vẫy. Chỉ vào con cá chép to nhất, anh chồng cho biết: “Hôm nay trúng lớn nên mới có cá chép cỡ bự như vầy, 8 kg lận, cá lớn đều có người đặt rồi”. Tuy nhiên, trước sự thích thú của đoàn chúng tôi đối với chú cá chép “khủng”, chị vợ đã “mềm lòng” quyết định bán lại, giá mỗi kg 70.000 đồng, bớt một chút vậy là chú cá chép được định giá trên nửa triệu đồng. Một chị trong đoàn lưỡng lự: “Bằng cả một con heo nhỏ còn gì”. Cuộc mua bán đã thành công, chú cá chép đổi chủ ngược về phố.
Lê Lan