(GLO)- Nhờ cần cù, dám nghĩ dám làm, sau 30 năm đặt chân đến Tây Nguyên lập nghiệp, ông Nguyễn Anh Tuấn (thôn Nhân Đức, xã Ia Drăng, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đã có trong tay hơn 30 ha cây công nghiệp các loại, cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Sinh ra trong một gia đình đông con, nghèo khó ở Hà Nam, năm 1978, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Tuấn lên đường nhập ngũ và được biên chế về Lữ đoàn 299, Quân đoàn I. Ba năm sau, ông xuất ngũ trở về quê nhà lập nghiệp. Do không có đất sản xuất nên cái nghèo cứ bủa vây lấy gia đình ông. Không chấp nhận cuộc sống thiếu thốn đó, năm 1985, ông quyết định đưa gia đình vào Tây Nguyên lập nghiệp.
Ông Tuấn (bên trái) chăm sóc vườn tiêu với hơn 16.000 trụ của mình. Ảnh: N.N |
Trái với tưởng tượng về những nương rẫy ngập tràn lúa, bắp, khoai, mì, Tây Nguyên hiện ra trước mặt ông Tuấn chỉ toàn rừng rậm ngút ngàn. Muỗi, vắt thì nhiều vô kể, hở ra là bâu vào người hút máu. Chính bản thân ông cũng đã từng bị căn bệnh sốt rét hành hạ đến khốn khổ. Lâu lâu trong vùng lại có người dân cuốc phải bom đạn chiến tranh sót lại nằm lẫn lộn trong đất canh tác rồi mất mạng. “Lúc ấy cũng nản lắm chứ, cả gia đình đến bữa ăn chỉ toàn khoai, mì với rau dại. Nhà thì nằm trong góc rừng, hàng xóm gần nhất cũng cách cả mấy cây số, lúc ốm đau chả biết nhờ ai. Nhiều khi vợ con cứ đòi về quê nhưng tôi động viên mãi thế là mới trụ lại cho đến bây giờ”-ông Tuấn nhớ lại.
Với những đóng góp của mình, ông Nguyễn Anh Tuấn đã vinh dự được nhận bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương và UBND tỉnh Gia Lai vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; được Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng giao thông nông thôn; nhận bằng khen của Hội Cựu chiến binh tỉnh Gia Lai vì đã có thành tích xuất sắc trong việc phát triển mô hình làm kinh tế và giúp đỡ nông dân nghèo vượt khó... |
Khó khăn là thế nhưng anh Bộ đội Cụ Hồ năm xưa không nhụt chí. Ban đầu, ông Tuấn trồng các loại lúa, khoai, bắp, đậu,... để đảm bảo nguồn thức ăn. Khi đã không còn phải lo cái đói, ông tính đến chuyện chuyển đổi sang trồng cây công nghiệp. Nghĩ là làm, ông lặn lội sang tận Đak Lak để học hỏi kỹ thuật chăm sóc công nghiệp. Những năm 1993-1996, chương trình hỗ trợ mô hình cao su tiểu điền của Công ty Cao su Chư Prông được khởi động, ông quyết định vay ngân hàng hơn 100 triệu đồng để trồng cao su. Đến năm 2000, khi đời sống gia đình đã khấm khá hơn và nhận thấy giá trị cây công nghiệp lâu năm ngày càng cao, ông Tuấn quyết định phát triển thêm diện tích cao su và cà phê lên đến 19 ha.
Đến nay, ông đã có trong tay 16 ngàn trụ tiêu, 5 ha cà phê, 5 ha chanh dây, 5 ha bơ cùng với khoảng 10 ha cao su, tất cả đều đang cho thu hoạch. Năm 2015, trừ hết chi phí đầu tư, gia đình ông Tuấn thu lời hơn 4 tỷ đồng. Hiện trang trại của ông cũng giải quyết việc làm cho 14 lao động thường xuyên là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn với mức lương 5 triệu đồng/tháng, chưa kể khoảng 50 lao động thời vụ trong vùng. Ngoài ra, ông còn có nhiều đóng góp cho địa phương như: bỏ tiền làm 500 mét đường bê tông liên thôn; cho các hộ dân mượn 700 triệu đồng không lấy lãi; bỏ gần 150 triệu đồng để kéo điện cho các hộ nghèo sử dụng. Không những vậy, ông Tuấn còn thường xuyên hỗ trợ người dân trong vùng về khoa học kỹ thuật để chăm sóc, phát triển cây trồng.
Ông Mai Khắc Tuấn-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Chư Prông, nhận xét: “Ông Tuấn là một người rất có tâm, nhiệt tình trong công việc cũng như giúp đỡ người khác phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Những đóng góp của ông Tuấn đã góp phần không nhỏ làm đổi thay bộ mặt của xã Ia Drăng nói riêng và huyện Chư Prông nói chung”.
Nguyễn Nhật