Khi đứng nói trước một đám đông và được đám đông ấy lắng nghe, ta dễ có ảo tưởng mình là người có quyền lực, đặc biệt khi đám đông đó là những người nhỏ tuổi hoặc yếu thế hơn ta.
Người dạy học suốt đời chịu sự sát hạch của học trò, của xã hội - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Ta cứ nói thao thao bất tuyệt mà không biết người nghe nghĩ gì, họ tiếp nhận ra sao, họ chăm chú thật hay chỉ là làm ra vẻ chăm chú mà đầu óc thì lang thang vẩn vơ đâu đó. Họ tán thành ta hay chửi thầm trong bụng, ta cũng đâu hay.
Nghề dạy học là một trong những nghề dễ gây cho ta ảo tưởng đó. “Đối tác” của ta là một lớp học mấy mươi người, mặt đối mặt hằng giờ, hằng ngày, hằng tháng. Nói theo Jean-Paul Sartre, ta là “kẻ bị nhìn” trước mấy chục cặp mắt đối diện, một câu nói nhịu, một cử chỉ lệch chuẩn, một thái độ kẻ cả, bề trên không dễ thoát khỏi sự “kiểm soát” của đối tác.
Người tu sĩ thuyết pháp hay giảng đạo, phía trên họ có uy tín của Đức Phật hay Đức Chúa, họ là người truyền đạt hay nói thay những tín niệm tôn giáo và đạo lý. Người cán bộ tuyên huấn có chỗ dựa phía sau là sức mạnh của nghị quyết, họ chỉ diễn giải hay minh họa những nội dung có sẵn cho thật dễ hiểu. Trong khi đó, người dạy học chỉ có vật bảo chứng là kiến thức, là chân lý khoa học, là sự thật lịch sử.
Giáo viên giảng cho học sinh một định lý toán học, một định luật vật lý, một phản ứng hóa học, đó không phải là những điều tự người ấy nghĩ ra mà nhờ học hỏi từ những nhà giáo đi trước hay thu thập trong sách vở, tư liệu. Người giáo sư giảng cho sinh viên lịch sử triết học hay văn học, đó không phải là sáng tạo của người ấy mà là sự tích lũy từ kho tàng văn hóa của dân tộc và nhân loại.
Vậy nên người dạy học luôn luôn có tình cảm biết ơn: biết ơn thầy cô, biết ơn đồng nghiệp, biết ơn học giới đã xây đắp kho tàng khoa học, tri thức và văn hóa mà ngày nay mình thừa hưởng và truyền đạt lại cho thế hệ đến sau. Không có những người đi trước đó thì một người thầy giáo tài năng nhất cũng không thể làm nghề được. Đến lượt mình, người dạy học sẽ góp phần nhỏ bé vào thành tựu nghiên cứu chung và kinh nghiệm giảng dạy của đồng nghiệp cho các thế hệ sau kế thừa.
Người dạy học sẽ phản bội thiên chức của mình nếu truyền đạt những điều không trung thực, những điều mình nói mà chính mình không tin. Ngay cả với những chân lý hiển nhiên, người dạy học cũng không làm tròn sứ mệnh của mình nếu tìm cách áp đặt cho học sinh mà không chứng minh, thuyết phục; nhất là ở trường đại học, khi sinh viên đã đến tuổi trưởng thành, có năng lực tiếp nhận và đánh giá những kiến thức mà nhà trường truyền bá.
Nói giáo dục hiện đại lấy người học làm trung tâm không có nghĩa là xem nhẹ vai trò người dạy học. Người dạy học luôn luôn là người tổ chức lớp học, người định hướng mục tiêu bài học, môn học; nhưng không làm thay cho học sinh. Con đường đi đến mục tiêu đó phụ thuộc vào đặc điểm, tâm lý, tính cách, vào “chân trời chờ đợi” của học sinh. Học sinh không phải là đối tượng tiếp nhận bài học một cách thụ động mà là chủ thể tiếp nhận một cách chủ động. Người dạy cần tạo cho họ khả năng chọn lựa, óc phê phán và tinh thần phản biện.
Trong thế giới ngày nay, người đi học có thể tiếp cận biết bao nguồn thông tin trên sách báo, trên internet. Họ đủ sức kiểm chứng những kiến thức, luận điểm, tư tưởng mà người dạy truyền trao. Họ biết so sánh lý thuyết với thực tế và nếu phát hiện ra sự mâu thuẫn hay giả dối, họ sẽ thất vọng, thậm chí rơi vào khủng hoảng. Vì vậy, người dạy học đừng nghĩ rằng “uy tín” của mình sẽ bảo chứng cho bài giảng.
Có lẽ điều mà người đi học không tìm thấy đối chứng ở đâu khác ngoài trên bục giảng, chính là sự tận tụy, liêm khiết, công bằng của người dạy học. Một lời khen hay lời chê bất công, một điểm số thiên vị có thể làm mất niềm tin của học trò về lẽ phải. Khi sự công bằng chưa được thiết lập trong nhà trường thì khó có thể thiết lập ở ngoài xã hội.
Dạy học đâu chỉ là khoa học, là trao truyền kiến thức, mà còn là một nghệ thuật. Người dạy học luôn tra vấn trước lương tâm nghề nghiệp của mình, đâu là điều đúng, điều phải cần làm, cần nói cho học trò.
Vì vậy, nghề giáo là một nghề luôn đòi hỏi sự khiêm tốn. Người dạy học cũng là người đi học suốt đời. Và người dạy học cũng suốt đời chịu sự sát hạch của học trò, của xã hội, cho mãi đến ngày về hưu và có thể cả sau khi về hưu.
Huỳnh Như Phương (thanhnien)