Nghề cứu hộ bờ biển Nha Trang: Trăn trở, cắn rứt lương tâm khi thất bại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
'Giữa lằn ranh sinh tử, đưa người gặp nạn khỏi bàn tay thần chết để trở về an toàn với gia đình là hạnh phúc lớn nhất của những người làm nghề cứu hộ bờ biển', anh Ai (TP.Nha Trang) chia sẻ.

Một buổi chiều giữa tháng 9, biển Nha Trang đông nghẹt người dân, du khách đến tắm biển. Trên bãi cát nhiều trẻ em đang vui đùa, một số người nằm nghỉ ngơi, thư giãn. Lẫn trong đám đông đó, anh Nguyễn Văn Ai (38 tuổi) với thân hình vạm vỡ, nước da đen bóng vì rám nắng vẫn đang lặng lẽ đứng quan sát, mở rộng tầm nhìn ra xa, anh cố gắng không để bất cứ điều gì lọt ra khỏi ngoài tầm mắt của mình.

Anh Nguyễn Văn Ai đứng quan sát trên bờ biển Nha Trang. Ảnh: THẾ QUANG

Anh Nguyễn Văn Ai đứng quan sát trên bờ biển Nha Trang. Ảnh: THẾ QUANG

Nghề nguy hiểm

Hơn 9 năm làm công việc cứu hộ trên bờ biển Nha Trang, anh Ai đã trải qua rất nhiều tình huống, câu chuyện vui buồn trong nghề mà bản thân anh cũng không thể nhớ hết. “Nhiều người nghĩ rằng cứu hộ bãi biển là một công việc đơn giản, chỉ cần ngồi hay đi dạo mát quan sát. Nhưng thực tế, đây là một công việc vất vả và nguy hiểm”, anh Ai chia sẻ.

Tâm sự về chuyện nghề, anh Ai kể, cuối năm 2018 biển Nha Trang động dữ dội, sóng cao tới 5 - 6m. Vào cuối buổi chiều khi đang đứng quan sát anh phát hiện một người đàn ông tắm biển bị sóng nhấn chìm, cách bờ khoảng 12m, lúc đó tay nạn nhân chỉ còn lấp ló trên mặt nước, tính mạng rất mong manh. Không do dự anh cùng một thành viên trong đội lao vào con sóng dữ cứu người, thế nhưng sóng biển rất mạnh đã đánh bật 2 người trở lại bờ, lúc này nạn nhân càng bị sóng cuốn ra xa.

Không nản chí, 2 anh tiếp tục lao ra nhưng cũng như lần trước lại bị sóng đánh bật vào bờ và phải đến lần thứ 3 mới may mắn thành công, anh Ai và bạn đồng hành đã dìu được nạn nhân vào bờ, thực hiện sơ cứu, hô hấp nhân tạo, sau đó người này đã tỉnh lại.

"Lúc đó chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm, cả 2 anh em đều kiệt sức, tay chân bủn rủn. Nếu gặp đúng dòng nước chảy thì chắc chúng tôi cũng không vào bờ kịp", anh Ai chia sẻ.

Nhân viên cứu hộ bờ biển Nha Trang đi tuần. Ảnh: T.N

Nhân viên cứu hộ bờ biển Nha Trang đi tuần. Ảnh: T.N

Thế nhưng, nghề nào cũng có nỗi buồn và niềm vui riêng. Anh Ai nói rằng vào mùa biển động, thành phố có lệnh cấm tắm biển để đảm bảo an toàn cho người dân, du khách nhưng nhiều người vẫn cố tình vi phạm. Khi bị nhắc nhở, có người còn nói: "Mạng tôi chứ mạng ông đâu mà ông lo", thậm chí có người còn chửi bới, rượt đánh cả nhân viên cứu hộ khi bị yêu cầu lên bờ.

Cũng có người không hiểu lại nói là nghề này sướng quá, chỉ đứng một chỗ hóng mát, cuối tháng lĩnh lương nhưng họ không biết rằng nghề cứu hộ cũng vất vả, nguy hiểm, đòi hỏi cao về thể lực, sức chịu đựng nên cũng không hề dễ dàng.

Anh Ai cho hay, niềm vui lớn nhất của những người làm cứu hộ bờ biển là mọi người đều bình an, vui chơi, thoải mái và có ấn tượng tốt đẹp khi đến Nha Trang du lịch. "Nếu chẳng may gặp sự cố khi tắm biển thì hạnh phúc lớn nhất của anh em là đưa người gặp nạn khỏi bàn tay tử thần để trở về an toàn với gia đình. Tuy nhiên, cũng có trường hợp khi đưa được nạn nhân lên bờ nhưng không qua khỏi khiến các thành viên rất trăn trở và cắn rứt lương tâm”, anh Ai trải lòng.

Anh Phạm Sáng - một nhân viên cứu hộ có kinh nghiệm 13 năm cho biết, vào mùa đông tuy lượng khách ít nhưng cũng là thời điểm nguy hiểm nhất đối với người tắm biển và cả nhân viên cứu hộ. Thời điểm này sóng to, gió lớn và xuất hiện nhiều dòng nước chảy xa bờ. Nếu chẳng may bị cuốn vào dòng nước này thì dù có cố gắng bơi vào bờ thì sóng sẽ càng đưa ra xa hơn và nhấn chìm xuống nước. Lúc này nhân viên cứu hộ phải xử lý thật khéo léo, hiểu rõ dòng nước để có phương án đưa nạn nhân vào bờ một cách nhanh nhất. "Tuy vậy, cũng không tránh khỏi hiểm nguy, bởi trong lúc đuối nước, tâm thần hoảng loạn, người bị nạn sẽ ôm bất cứ thứ gì họ bám được. Nếu không cẩn thận hoặc chỉ cần một khoảnh khắc sơ sẩy là nhân viên cứu hộ sẽ trở thành nạn nhân và tất cả có thể cùng chết", anh Sáng cho biết.

Những chuyện "dở khóc dở cười"

Ông Lê Minh Quang, đội phó Đội tuần tra, cứu hộ cứu nạn tại bờ biển Nha Trang (thuộc Ban quản lý vịnh Nha Trang), cho hay để trở thành một nhân viên cứu hộ đòi hỏi phải có sức khỏe, bơi giỏi và có kinh nghiệm, kỹ năng xử lý tình huống tốt. Đặc biệt là phải có tâm huyết bởi nếu không thì sẽ không thể gắn bó lâu dài được. Thực tế, thời gian qua đã có nhiều nhân viên bỏ nghề để làm việc khác có thu nhập cao hơn và cũng bớt hiểm nguy hơn.

Ông Lê Minh Quang, đội phó Đội tuần tra, cứu hộ cứu nạn tại bờ biển Nha Trang. Ảnh: THẾ QUANG

Ông Lê Minh Quang, đội phó Đội tuần tra, cứu hộ cứu nạn tại bờ biển Nha Trang. Ảnh: THẾ QUANG

Theo ông Quang, hiện nay Đội tuần tra, cứu hộ cứu nạn tại bờ biển Nha Trang có 26 thành viên quản lý khoảng 10 km dọc bờ biển từ đường Trần Phú đến Hòn Chồng. Ngoài công tác cứu hộ dọc bờ biển Nha Trang, khi có yêu cầu các thành viên cũng tham gia cứu nạn, cứu hộ ở nhiều nơi khác, đặc biệt là trong các đợt lụt trước đây tại Nha Trang, các thành viên cũng tham gia giúp dân sơ tán hay cứu nạn, tìm kiếm những người mắc kẹt hay mất tích.

Những năm gần đây, lượng khách du lịch đến Nha Trang ngày một đông hơn. Đây là niềm vui chung nhưng cũng là trách nhiệm rất lớn của những người làm công tác cứu hộ bờ biển. Do đó những lúc người dân, du khách đổ ra tắm biển đông đúc là anh em cứu hộ phải căng mắt quan sát và nghe ngóng để ứng cứu kịp thời khi có sự cố.

Trong quá trình làm công tác cứu hộ, ông Quang cho biết cũng có rất nhiều câu chuyện "dở khóc dở cười". Cách đây khoảng 5 năm, có 2 vợ chồng du khách đi tắm biển với nhau, trong lúc tắm thì người vợ về khách sạn trước mà không nói với chồng. Ông chồng tắm biển không thấy vợ đâu thì hoảng hốt liền báo lực lượng cứu hộ tìm kiếm, giúp đỡ. Nhận được tin báo, các thành viên chia nhau ra tìm kiếm suốt mấy tiếng đồng hồ nhưng không thấy. Khi ông chồng tuyệt vọng trở về khách sạn thì thấy vợ đang ngủ, điện thoại thì tắt chuông.

Hay như có trường hợp để đôi dép, đồ đạc, quần áo trên bãi cát rồi đi bộ, tập thể dục rất lâu mà chưa thấy quay lại. Thấy thế, anh em cứu hộ nghĩ chắc chắn có người tắm biển rồi mất tích nên đi tìm kiếm. Hồi sau thì thấy người này quay lại lấy đồ đạc của mình.

"Còn việc báo tin giả có người tắm biển rồi mất tích thì nhiều vô kể, nhiều người không thấy bạn bè, người thân mình đâu, gọi điện thoại không được nên khẳng định là đang ở dưới biển. Lúc đó anh em cứu hộ phải đi rà soát, tìm kiếm dọc bờ biển. Đến tối thì người này đi dạo phố trở về, điện thoại hết pin, lúc đó mọi người mới cùng nhau thở phào nhẹ nhõm", ông Quang chia sẻ.

Những tháng cuối năm biển Nha Trang có sóng lớn rất nguy hiểm đối với những người tắm biển. Ảnh: T.N

Những tháng cuối năm biển Nha Trang có sóng lớn rất nguy hiểm đối với những người tắm biển. Ảnh: T.N

Du khách bình an, đó là niềm vui lớn nhất

Ông Nguyễn Văn Hùng, đội trưởng Đội tuần tra, cứu hộ cứu nạn tại bờ biển Nha Trang cho biết, để đảm bảo an toàn cho người dân, du khách khi tắm biển Nha Trang, những người làm công tác cứu hộ phải luôn túc trực, quan sát và ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra.

Để trở thành một nhân viên cứu hộ, ngoài các điều kiện cơ bản như sức khỏe, kỹ năng thì cũng cần phải nhạy bén, nhanh nhẹn và có tinh thần dũng cảm bởi nghề này là nghề nguy hiểm, nếu sơ sẩy thì tính mạng bản thân có thể bị đe dọa.

Theo ông Hùng, trong những năm qua, các thành viên trong đội đã cứu được rất nhiều người gặp nạn khi tắm biển Nha Trang. Mỗi năm có khoảng 20 - 30 người được đội cứu giúp. "Đây là niềm vui lớn nhất của anh em chúng tôi. Nếu chỉ chần chừ 1 phút là nạn nhân sẽ không qua khỏi nên anh em luôn tâm niệm phải làm việc bằng tất cả tâm huyết và trách nhiệm của bản thân", ông Hùng nói.

Link bài gốc: https://thanhnien.vn/nghe-cuu-ho-bo-bien-nha-trang-tran-tro-can-rut-luong-tam-khi-that-bai-18523091510474977.htm

Có thể bạn quan tâm

Quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong phòng, chống mua bán người - Bài 1: Những cuộc đời bị đánh cắp

Quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong phòng, chống mua bán người - Bài 1: Những cuộc đời bị đánh cắp

Nạn mua bán người gây ra những hậu quả không thể đo đếm được khi tước đoạt tương lai, cuộc sống và để lại nỗi đau tận cùng cho nạn nhân, gia đình họ cùng nhiều người khác. Thấu hiểu nỗi đau đó, Đảng, Nhà nước, Quốc hội và cả hệ thống chính trị quyết liệt đấu tranh với loại tội phạm này. Luật Phòng, chống mua bán người sau hơn 10 năm được Quốc hội thông qua đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, có ý nghĩa chính trị cả về đối nội, đối ngoại và thể hiện quyết tâm của Việt Nam trước vấn nạn nhức nhối cần loại bỏ.
Sóc, Bẹc dưới bóng mây Tà Xiên

Sóc, Bẹc dưới bóng mây Tà Xiên

Con chó Sóc có màu lông xám pha trắng giống màu gấu trúc, còn con chó Bẹc có lông vàng pha đen. Cả 2 con không phải vật lộn để sinh tồn như con chó Ca Dăng trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng thế giới của nhà văn James Oliver Curwood. Cả 2 con phải quen với mùi hương mới, khi sự đổi thay lan khắp vùng cao xã Ga Ri (Tây Giang).
Phía sau những gánh hàng rong - kỳ 2: Những đêm dài…

Phía sau những gánh hàng rong - kỳ 2: Những đêm dài…

Họ cũng muốn được quây quần bên mâm cơm tối cùng gia đình, được ngủ say trên chiếc giường có chăn ấm, nệm êm. Nhưng cuộc mưu sinh không cho họ lựa chọn nào khác. “Nghề của mình như vậy, đã đâm lao thì phải theo lao. Đời mình không sướng được thì cố để con cháu được sướng thay mình”, chị Lợi, một người bán hàng rong ở bờ hồ Hoàn Kiếm tâm sự...
Mùa thiên di của người

Mùa thiên di của người

Khi những cơn mưa dầm của tháng 11 dần tắt, gió chướng bắt đầu thổi về, mang cái hanh khô, se sắt phủ tràn lên những bạt ngàn cà phê chín đỏ, đó là khi đoàn người thiên di từ khắp các ngả quê đổ về Tây Nguyên. Dù đã nhiều lần đến Tây Nguyên vào mùa gió chướng, gặp những đoàn người thiên di mùa cà phê chín, nhưng tôi vẫn có cảm xúc khó nói hết thành lời…
Lấp lánh những 'vầng trăng khuyết', Kỳ 2: Chim cánh cụt vẫn có thể bay

Lấp lánh những 'vầng trăng khuyết', Kỳ 2: Chim cánh cụt vẫn có thể bay

Từ một người khuyết tật, chị Nguyễn Thị Huyền đến từ Đắk Nông không ngừng nỗ lực vươn lên làm chủ cuộc sống, tạo việc làm cho nhiều người cùng cảnh ngộ. Chị chia sẻ: “Đẹp không chỉ ở nhan sắc, đi không chỉ nhờ đôi chân, chim cánh cụt vẫn có thể bay nếu chúng ta đủ niềm tin và nghị lực”.
Mạch ngầm sông Ba - Kỳ 3: Đối đầu với quân đội Nhật ở An Khê

Mạch ngầm sông Ba - Kỳ 3: Đối đầu với quân đội Nhật ở An Khê

(GLO)- Trước khí thế sôi sục của Nhân dân từ nông thôn đến thành thị trên cả nước đang vùng lên như nước vỡ bờ, Tri huyện Tân An Phan Sĩ Sàng đã bỏ trốn; quân đội Nhật lặng lẽ rút khỏi An Khê. Đoàn Thanh niên Chấn Hưng cử anh Trần Thông cùng một số thanh niên cốt cán vào Đồn Bảo an gặp Đội Kiệt để giải thích hiện trạng đất nước, địa phương và đề nghị giải giáp vũ khí, giải tán lính Bảo an ở huyện lỵ.
Mạch ngầm sông Ba - Kỳ 2: “Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ”

Mạch ngầm sông Ba - Kỳ 2: “Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ”

Ư(GLO)- Đỗ Trạc thường đọc cho bạn bè ở vùng An Sơn nghe trong giai đoạn anh từ Huế trở về quê để chờ thời, chuẩn bị cho một hành trình mới trong đời, đó là những câu đầy trăn trở trước thời cuộc: “Nào ai tỉnh, nào ai say/Lòng ta ta biết, chí ta ta hay/Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ/Hà tất cùng sầu đối cỏ cây…” (Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác-người theo phong trào Đông Du của Phan Bội Châu và phong trào Duy Tân của Phan Chu Trinh). Một số thanh niên và trí thức nông thôn ở An Khê bấy giờ đang hoang mang, đứng ở ngã ba đường. Không khí chiến tranh khá ngột ngạt bao trùm khắp nơi, các tổ chức yêu nước bị giặc khủng bố, đàn áp.
Rước rể

Rước rể

Khi cô gái Êđê muốn lấy người con trai ưng ý làm chồng, bên nhà gái phải nhờ ông mai là em trai mẹ hoặc người lớn tuổi trong dòng họ am hiểu luật tục chuẩn bị sính lễ mang đến nhà trai làm lễ hỏi chồng. Sau thời gian 'gửi dâu' từ 2 đến 3 năm, nhà trai chấp thuận sẽ đồng ý cho nhà gái tiến hành rước rể.