(GLO)- Nhằm tạo khí thế thi đua sôi nổi trong ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), những năm qua, Sở GD-ĐT đã phát động nhiều phong trào thi đua trong giáo viên và học sinh, góp phần đưa sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà phát triển bền vững, toàn diện.
Trong đó, phải kể đến phong trào thi đua với chuyên đề “Nâng cao tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT quốc gia” và “Duy trì sĩ số học sinh”. Đây là 2 phong trào thi đua then chốt nhằm tạo động lực thực sự để phát triển giáo dục lên một tầm cao mới.
“Yêu nghề, yêu trò thì phải thi đua”
Ông Huỳnh Minh Thuận-Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khen thưởng những tập thể có thành tích trong phong trào thi đua “Nâng cao tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2017”. Ảnh: N.G |
Đó là khẳng định của ông Huỳnh Minh Thuận-Giám đốc Sở GD-ĐT, bởi theo ông, những phong trào thi đua này sẽ giúp nâng cao ý thức trách nhiệm, sự hết lòng vì học sinh của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên. “Để đạt được kết quả tốt nhất ở từng phong trào thi đua, các đơn vị sẽ phải tự mình đề ra những giải pháp hay nhất, phù hợp nhất bên cạnh những giải pháp chung của toàn ngành. Do đó, đây sẽ là cách để phát huy trí tuệ tập thể nhằm cống hiến cho ngành những giải pháp thiết thực, áp dụng có hiệu quả ở từng chuyên đề giáo dục”-ông Huỳnh Minh Thuận cho biết.
Nói thêm về việc vì sao Sở GD-ĐT phát động 2 phong trào thi đua nêu trên, ông Huỳnh Minh Thuận phân tích: Năm học 2014-2015, Bộ GD-ĐT thay đổi hình thức thi tốt nghiệp THPT và thi đại học, cao đẳng thành một kỳ thi chung với tên gọi “Kỳ thi THPT Quốc gia” có tính chất “2 trong 1”, tức là vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển đại học, cao đẳng.
Kết quả, năm 2015, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của tỉnh chỉ đạt 73,74%; giảm hơn 20% so với năm học trước. Trước tình hình đó, Sở GD-ĐT đã tổ chức hội nghị chuyên đề bàn về những giải pháp nâng cao tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT, đặc biệt là ở những trường vùng khó.
Những người làm công tác giáo dục đã tìm ra những cách làm hay, phù hợp với từng đơn vị và biết cách quan tâm thường xuyên đến những học sinh có nguy cơ rớt tốt nghiệp THPT để phụ đạo, củng cố kiến thức cơ bản cho các em với mục đích giúp các em lấy được tấm bằng tốt nghiệp sau 12 năm đèn sách.
Tuy nhiên, để làm tốt hơn nữa công tác nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT thì việc quan trọng phải làm trước mắt là duy trì sĩ số học sinh. Với hơn 40% học sinh dân tộc thiểu số, công tác duy trì sĩ số của ngành GD-ĐT đang gặp phải những khó khăn nhất định, nhiều đơn vị chỉ duy trì được ở mức trên 50%.
Do vậy, năm học 2016-2017, Sở GD-ĐT tiếp tục phát động phong trào thi đua “Duy trì sĩ số học sinh” với phương châm “Tất cả vì học sinh thân yêu” nhằm tìm ra những biện pháp để học sinh cảm thấy “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Từ năm học 2016-2017, phong trào thi đua “Nâng cao tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT quốc gia” và “Duy trì sĩ số học sinh” cùng song hành đã mang lại nhiều kết quả tốt đẹp cho toàn ngành.
Chuyển biến tích cực
Sau một năm phát động phong trào thi đua “Nâng cao tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT”, tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT năm 2016 đã đạt trên 88%, tăng hơn 14% so với năm học trước. Đáng chú ý, một số trường vùng khó, trường có 100% học sinh dân tộc thiểu số có tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT đạt 100% như: Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh, Trường THPT A Sanh (huyện Ia Grai). Năm 2017, tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT đạt 92,89%, tăng hơn 4% so với năm học trước đó; có 9 đơn vị đạt tỷ lệ 100% học sinh đậu tốt nghiệp THPT, tăng 7 trường so với năm 2016. Trong số đó, có nhiều trường đứng chân trên địa bàn vùng khó, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Trường THPT Anh Hùng Núp (huyện Kbang), Trường THPT Plei Me (huyện Chư Prông), Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (huyện Đức Cơ)...
Riêng phong trào “Duy trì sĩ số học sinh”, dù mới chỉ phát động được một năm nhưng đã được cả hệ thống chính trị tại các địa phương hưởng ứng nhằm chung tay cùng ngành GD-ĐT huy động học sinh ra lớp và duy trì sĩ số học sinh.
Nhiều huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức hội nghị chuyên đề về duy trì sĩ số học sinh để xây dựng quy chế phối hợp; thành lập các ban vận động, duy trì sĩ số học sinh từ thôn làng đến xã, phường, thị trấn. Kết quả, năm học vừa qua, tỷ lệ học sinh bỏ học đã được kéo giảm xuống mức thấp nhất khi ở bậc Tiểu học chỉ có 0,03%; bậc THCS là 0,6% và THPT là 1,02%.
Quan trọng hơn, chính những phong trào thi đua đã làm chuyển biến tích cực về phong cách làm việc, giảng dạy của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên tại các trường. Thầy Nguyễn Thế Hùng-Hiệu trưởng Trường THPT Plei Me (huyện Chư Prông) đánh giá: “Chính những phong trào thi đua đã làm thay đổi rõ rệt thái độ công tác của đội ngũ làm giáo dục bởi từ đây những nỗ lực của họ sẽ được ghi nhận xứng đáng. Thi đua đã tạo ra các mục đích cụ thể để mỗi cá nhân, tập thể phấn đấu, khiến các thầy cô thấy yêu nghề, yêu trò hơn”.
Những phong trào thi đua kể trên đã tạo ra nhiều nhân tố tích cực, tập thể điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt để nhân rộng trong toàn ngành, góp phần xây dựng một nền giáo dục phát triển bền vững, toàn diện. Qua các phong trào thi đua, đã có hơn 80 cá nhân và gần 150 tập thể được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen và Giám đốc Sở GD-ĐT tặng giấy khen vì những nỗ lực phấn đấu, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong toàn ngành.
Nguyễn Giang