(GLO)- Trong 10 năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai đã tập trung các nguồn lực, giải pháp để xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần thực hiện tốt các tiêu chí về lĩnh vực giáo dục trong xây dựng nông thôn mới (NTM).
Trong Bộ tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2017-2020 thực hiện trên địa bàn tỉnh có 2 tiêu chí thuộc lĩnh vực giáo dục là tiêu chí trường học và tiêu chí GD-ĐT. Theo đó, xã NTM phải đảm bảo tỷ lệ trường học các cấp mầm non, tiểu học, THCS có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia từ 70% trở lên; hoàn thành việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học lên phổ thông, bổ túc, trung cấp phải đạt từ 70% trở lên.
Nỗ lực từ cơ sở
|
Các em học sinh của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Kon Pne (huyện Kbang) đá bóng trên sân cỏ nhân tạo của trường. Ảnh: H.T |
Mặc cho tiết trời mùa này se lạnh, chiều nào sau giờ học, các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Kon Pne (xã Kon Pne, huyện Kbang) cũng tập trung đá bóng trên sân cỏ nhân tạo trong khuôn viên trường. Say sưa theo trái bóng lăn tròn, gương mặt các em hiện rõ niềm vui thích. Kể từ khi được đầu tư xây dựng vào năm học 2016-2017, sân bóng luôn là nơi thu hút đông đảo học sinh đến vui chơi và là địa điểm để nhà trường tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao, góp phần giáo dục toàn diện về đức-trí-thể-mỹ cho các em. Điều đáng nói là toàn bộ kinh phí xây dựng công trình này khoảng 190 triệu đồng đều được nhà trường huy động từ nguồn vốn xã hội hóa giáo dục trên địa bàn. Đây chính là kết quả của sự nỗ lực không ngừng trong việc đầu tư cơ sở vật chất nhà trường đạt chuẩn quốc gia, góp phần chung tay cùng cấp ủy, chính quyền xã Kon Pne xây dựng NTM.
Thầy Phạm Văn Hinh-Hiệu trưởng nhà trường-phấn khởi cho biết: Nếu những năm trước đây, cơ sở vật chất của trường còn thiếu thốn, tạm bợ; đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên còn hạn chế thì giờ đây mọi thứ gần như đã đi vào ổn định. Năm 2016, trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia và luôn cố gắng giữ vững qua các năm. Hiện cơ sở vật chất đã đảm bảo cho công tác dạy và học với 13 phòng học đủ diện tích/9 lớp; bàn ghế học sinh, bàn ghế giáo viên, bảng đúng quy cách; phòng học thoáng mát, đủ ánh sáng, an toàn; có phòng y tế, thư viện, 1 phòng máy chiếu bảng thông minh, phòng truyền thống, phòng làm việc các đoàn thể, sân bóng đá, sân bóng chuyền, bể bơi, khu nhà vệ sinh của giáo viên và học sinh nam-nữ riêng biệt; hệ thống nước sạch lấy từ nguồn nước tự chảy đủ phục vụ nhu cầu sử dụng của giáo viên và học sinh trong trường... Đội ngũ giáo viên có chuyên môn nghiệp vụ, nhất là người Bahnar cũng được tăng cường bổ sung hàng năm và chiếm tỷ lệ cao trong trường. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS hàng năm đạt 100%; số lượng học sinh giỏi cấp huyện qua các năm đều tăng.
|
Việc xây dựng môi trường học tập thuận lợi cho học sinh ngày càng được quan tâm. Ảnh: H.T |
Kbang là một trong 5 huyện được Trung ương chọn làm điểm xây dựng NTM của cả nước. Dù còn khá nhiều khó khăn song các ngành, địa phương, trong đó có ngành GD-ĐT luôn nỗ lực phấn đấu, quyết tâm đưa huyện “cán đích” NTM vào năm 2020. Bà Hoàng Thị Quế-Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Kbang-thông tin: Từ năm 2010 đến nay, huyện đã đầu tư đạt chuẩn 33/49 cơ sở trường học (đạt 68,8%), gồm: 12 trường mẫu giáo, 10 trường tiểu học, 10 trường THCS và 1 trường THPT; phấn đấu đạt tỷ lệ 100% vào năm 2020. Đến nay, huyện có 7/13 xã thực hiện đạt chuẩn tiêu chí trường học. Tổng kinh phí đầu tư cho tiêu chí này giai đoạn 2010-2019 là hơn 131,8 tỷ đồng. Tình trạng thiếu phòng học đã được khắc phục, không còn phòng học tạm bợ, đảm bảo cơ sở vật chất giáo dục theo quy định. Riêng tiêu chí GD-ĐT, hiện cả 13/13 xã đều đã đạt. Cụ thể: tỷ lệ trẻ em 5 tuổi được phổ cập giáo dục mầm non toàn huyện đạt 99,4%; tỷ lệ phổ cập giáo dục tiểu học và THCS đạt 99%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học THPT hoặc học nghề đạt 78%.
Tương tự, tại huyện Chư Pưh, ngành GD-ĐT cũng luôn chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ giáo viên, đổi mới phương pháp dạy và học để thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, gắn với xây dựng NTM. Gần 10 năm qua, huyện đã quan tâm đầu tư hơn 100 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất trường học, mua sắm trang-thiết bị dạy và học. Tính đến cuối năm 2018, toàn huyện có 15/34 trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Dự kiến đến năm 2020, huyện có 34/34 trường đạt chuẩn về chất lượng giáo dục, 17/34 trường đạt chuẩn quốc gia.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Theo thống kê, từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã nâng cấp và xây mới được 729 trường và điểm trường mầm non, tiểu học, THCS ở cấp xã. Đến tháng 9-2019, tỉnh có 102/184 xã đạt chuẩn tiêu chí trường học, đạt 55,4% (tăng 101 xã so với năm 2011 và tăng 23 xã so với cuối năm 2015); có 151/184 xã đạt chuẩn tiêu chí GD-ĐT, đạt 82,1% (tăng 129 xã so với năm 2011 và tăng 38 xã so với cuối năm 2015). Tuy nhiên, hiện nay, việc triển khai thực hiện tiêu chí trường học tại nhiều đơn vị vẫn đang gặp khó do hạn chế về nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất. Cô Huỳnh Thị Định-Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Uar (huyện Krông Pa) chia sẻ: “Trường chúng tôi vẫn chưa được đầu tư xây dựng các phòng chức năng chuyên biệt như âm nhạc, mỹ thuật, thư viện nên phải sử dụng các phòng học để bố trí nhằm đảm bảo công tác dạy và học. Trang-thiết bị học tập tại 4 điểm trường làng cũng thiếu thốn. Do đó, cùng với việc chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, hy vọng trường sẽ được quan tâm đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất để phấn đấu đạt chuẩn quốc gia trong những năm tiếp theo”.
|
Trường Tiểu học xã Chư Đăng Ya (huyện Chư Pah) được đầu tư phòng học vi tính có đầy đủ trang-thiết bị. Ảnh: ĐỨC THỤY |
Đến nay, toàn tỉnh có 331/770 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 42,98%. Trong đó, mầm non có 98/263 trường, tiểu học có 110/222 trường, tiểu học-THCS là 108/235 trường, THPT là 15/50 trường. Tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi đi học mẫu giáo đạt 88,5%; đi học đúng độ tuổi ở cấp tiểu học đạt 99,9%; đi học đúng độ tuổi ở cấp THCS đạt 90% và ở cấp THPT đạt 51,5%. |
Trao đổi với P.V, bà Bùi Khoa Nghi-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT-cho hay: Xác định thực hiện các tiêu chí về lĩnh vực giáo dục trong xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị của ngành, những năm qua, Sở đã tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, phụ huynh học sinh về ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình; đặc biệt, tuyệt đối không chạy theo thành tích mà phải hướng đến mục tiêu quan trọng là cải thiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục, huy động tối đa học sinh trong độ tuổi ra lớp, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học… Đồng thời, Sở cũng chỉ đạo các Phòng GD-ĐT làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục để góp phần hoàn thiện các tiêu chí NTM liên quan đến ngành và thường xuyên kiểm tra, thẩm định các tiêu chí tại các xã. “Việc đầu tư xây dựng các công trình cho trường học đã được quan tâm. Tuy nhiên, hiện nay, do nguồn kinh phí hạn chế nên một số trường vẫn còn thiếu các phòng chức năng, phòng hiệu bộ, phòng học bộ môn, trang-thiết bị dạy và học. Kinh phí bố trí cho kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành. Trong khi đó, việc huy động nguồn lực từ người dân, các thành phần kinh tế tại một số địa phương khá khó khăn, nhất là ở những xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”-bà Nghi phân tích.
Vì vậy, theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, thời gian tới, ngành GD-ĐT các cấp sẽ chủ động tham mưu cho UBND cùng cấp tiếp tục đầu tư nguồn lực, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia gắn với xây dựng NTM; đồng thời sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí ngân sách nhà nước kết hợp với các nguồn huy động hợp pháp khác từ công tác xã hội hóa giáo dục để tăng cường cơ sở vật chất, cải tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp. Ngoài ra, ngành sẽ đẩy mạnh các giải pháp để khắc phục tình trạng học sinh bỏ học; duy trì, giữ vững kết quả phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học đúng độ tuổi và THCS; nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc, quan tâm đến giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
HỒNG THI