Ngành chế biến cà phê tìm giải pháp ứng phó với biến động giá

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Giá cà phê liên tục tăng cao từ đầu niên vụ đến nay đã mang lại niềm vui cho người trồng. Song, việc giá nguyên liệu đầu vào tăng cũng đang gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp chế biến cà phê.

Doanh nghiệp chế biến “gồng giá”

Giá cà phê nhân hiện đang ở mức 95 ngàn đồng/kg, tăng gấp đôi so với năm ngoái. Điều này đã đẩy giá thành cà phê chế biến tăng thêm khoảng 70%. Trong khi đó, giá bán cà phê đã qua chế biến trên thị trường chỉ tăng 15-30%.

Để giữ ổn định sản xuất trong bối cảnh giá nguyên liệu biến động như hiện nay buộc các doanh nghiệp phải tính toán đường dài hơn cho hoạt động của mình. Ảnh: Vũ Thảo

Để giữ ổn định sản xuất trong bối cảnh giá nguyên liệu biến động như hiện nay buộc các doanh nghiệp phải tính toán đường dài hơn cho hoạt động của mình. Ảnh: Vũ Thảo

Ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm-Giám đốc Công ty cổ phần Cà phê Classic (TP. Pleiku) cho biết: Giá cà phê tăng cao đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp. Trước đây, 1 tỷ đồng có thể mua được 20 tấn cà phê nguyên liệu, nhưng năm nay chỉ mua được 10 tấn cà phê. Như vậy, nguồn vốn cho hoạt động thu mua nguyên liệu bị đội lên gấp đôi. Trong bối cảnh không thể tăng nguồn vốn thì doanh nghiệp cũng phải dè dặt dự trữ nguồn nguyên liệu. Mà càng dè dặt sẽ dẫn đến khủng hoảng trong tương lai càng lớn vì nguyên liệu đầu vào không phải lúc nào cũng có sẵn bởi các nhà xuất khẩu cà phê gom hàng để trả đơn cho khách hàng. Vì vậy, việc đảm bảo liên tục nguồn nguyên liệu cho chế biến cũng bị ảnh hưởng.

“Hiện nay, Công ty cổ phần Cà phê Classic có 18 nhãn hàng cà phê gồm cà phê hạt rang, cà phê bột, cà phê hòa tan, cà phê túi lọc. Thị trường tiêu thụ được mở rộng ra các tỉnh, thành phố trong cả nước và xuất khẩu sang Trung Quốc. Thông thường, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến đều chủ động dự trữ nguyên liệu cho cả 1 năm hoạt động. Nhưng với giá nguyên liệu liên tục biến động tăng, việc thu mua cũng gặp không ít khó khăn. Từ đầu vụ đến nay, giá cà phê nguyên liệu tăng cao đã đẩy giá thành sản phẩm tăng lên đến 70% nhưng doanh nghiệp chỉ điều chỉnh giá bán 2 lần với mức tăng khoảng 15% so với giá cũ. Trong khi đó, khách hàng rất nhạy cảm với việc tăng giá bán. Thực tế là thị trường đang có sự cạnh tranh rất lớn, cứ qua mỗi lần điều chỉnh giá thì sản lượng tiêu thụ của doanh nghiệp giảm đến 20%. Đây là rủi ro tiềm ẩn trong tương lai đối với việc duy trì thặng dư để sản xuất liên tục và tái đầu tư”-ông Lâm thông tin.

Chế biến cà phê tại Công ty TNHH Cà phê BaKa (huyện Ia Grai). Ảnh: V.T

Chế biến cà phê tại Công ty TNHH Cà phê BaKa (huyện Ia Grai). Ảnh: V.T

Tương tự, ông Phan Bá Kiên-Giám đốc Công ty TNHH Cà phê BaKa (huyện Ia Grai) cho hay: “Chúng tôi tự xây dựng vùng nguyên liệu, rồi liên kết với bà con thu mua nguyên liệu, lại vừa chế biến thành phẩm. Với đặc thù như vậy, doanh nghiệp đã có sự chủ động trong việc dự trữ nguyên liệu suốt 1 năm sản xuất. Hiện nay, giá thành sản phẩm tăng đến 70%, trong khi giá bán không thể tăng tương ứng vì còn phải đảm bảo tính cạnh tranh. Khi doanh nghiệp muốn tăng giá bán thì phải thuyết phục khách hàng đồng ý, nhưng mức điều chỉnh giá bán sản phẩm không thể tăng lên tương ứng với giá đầu vào được. Đây là cái khó đối với hầu hết các doanh nghiệp chế biến hiện nay. Đối với các đơn hàng đã ký theo giá nguyên liệu cũ thì chúng tôi buộc phải chấp nhận chịu lỗ để hoàn tất hợp đồng, sau này mới tính toán điều chỉnh giá cho hợp đồng tiếp theo. Thị trường cà phê chế biến đang có sự cạnh tranh rất lớn nên biên độ lợi nhuận đối với các dòng sản phẩm rang xay, cà phê bột không cao”.

Cũng theo ông Kiên, Công ty TNHH Cà phê BaKa đang có các dòng cà phê rang xay, cà phê bột và các sản phẩm cà phê tiện lợi như túi lọc, phin lọc, hòa tan. Hiện nay, giá bán được điều chỉnh tăng 20-30% tùy dòng sản phẩm. Với diễn biến như hiện nay, Công ty rất khó để tính toán sản lượng tiêu thụ. Tuy nhiên, Công ty đặt mục tiêu năm nay sẽ đưa ra thị trường khoảng 200 tấn sản phẩm.

Theo thống kê sơ bộ, hiện nay, tỷ lệ cà phê chế biến chiếm khoảng 23% tổng sản lượng cà phê toàn tỉnh với hàng chục doanh nghiệp cùng hàng trăm cơ sở chế biến nhỏ trên địa bàn. Việc giá nguyên liệu tăng cao nhưng giá bán thành phẩm ra thị trường tăng rất dè dặt đồng nghĩa với việc doanh nghiệp, cơ sở chế biến đang cố gắng kiềm giá để giữ chân khách hàng.

Tìm giải pháp ứng phó với biến động giá

Ông Thái Như Hiệp-Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam-cho biết: “Niên vụ 2023-2024, sản lượng cà phê cả nước giảm 17-20%. Riêng tại Gia Lai, sản lượng cà phê giảm 28-30%. Giá cà phê tăng mạnh là do thiếu hụt sản lượng quá lớn. Trong những năm giá cà phê ở mức thấp, người dân bắt đầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tính chung diện tích cà phê chuyển đổi trong cả nước khoảng 50 ngàn ha thì sản lượng hụt ít nhất khoảng 120 ngàn tấn. Năm nay lại mất mùa, do đó, lượng thiếu hụt càng lớn hơn, từ đó đẩy giá cà phê tăng rất cao. Với sự thiếu hụt lớn về nguồn nguyên liệu, dự báo giá cà phê có khả năng tăng nữa, sau đó mới giảm trở lại và chắc chắn sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới tốt hơn rất nhiều so với một thời gian dài giữ ổn định ở mức 40-45 ngàn đồng/kg”.

Giá nguyên liệu đầu vào tăng gấp đôi so với năm ngoái đang tạo ra không ít thách thức cho các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực chế biến cà phê. Ảnh: Vũ Thảo

Giá nguyên liệu đầu vào tăng gấp đôi so với năm ngoái đang tạo ra không ít thách thức cho các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực chế biến cà phê. Ảnh: Vũ Thảo

Theo nhận định của nhiều người trong ngành cà phê, có nhiều nguyên nhân khiến giá mặt hàng này tăng cao. Bên cạnh yếu tố cung-cầu thì yếu tố đầu cơ của các tổ chức tài chính lớn cũng đẩy giá cà phê lên mức kỷ lục 95 ngàn đồng/kg như hiện nay. Trên bình diện chung, giá cà phê tăng cao là tín hiệu tốt cho người trồng.

Ông Nguyễn Tấn Công-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa) chia sẻ: “Năm nay, giá cà phê tăng đột biến là tín hiệu tốt cho người nông dân. Khi giá lên đỉnh điểm, nhiều hộ dân không được hưởng, song nhìn chung bà con vẫn bán được giá cao hơn các vụ trước rất nhiều. Khi sản lượng giảm, giá tăng lên thì sự cạnh tranh của các doanh nghiệp sẽ lớn hơn, có thể khiến việc thu mua nguyên liệu phục vụ chế biến sẽ khó khăn hơn”.

Theo ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm, để giữ ổn định sản xuất trong bối cảnh giá nguyên liệu biến động như hiện nay, các doanh nghiệp phải tính toán đường dài, từ vấn đề tái cơ cấu lại hoạt động, tiết giảm tối đa chi phí không cần thiết và điều chỉnh quy mô cho phù hợp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tính toán lại nhu cầu sản xuất và nguyên liệu dự phòng nhằm bảo toàn, cân đối được nguồn vốn sản xuất.

Có thể bạn quan tâm

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

(GLO)- Nhờ biết tính toán và tích cực lao động sản xuất nên gia đình ông Rơ Châm Pyik (làng Châm Aneh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) có nguồn thu ổn định hơn 900 triệu đồng/năm. Không những thế, ông còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở cơ sở.

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

(GLO)- Chiều 29-10, tại xã Ia Tô, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng, vật nuôi Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo đánh giá kết quả sản xuất giống lúa HG12 trên địa bàn huyện trong vụ mùa năm 2024.