Nga vừa tiến hành loạt trận không kích đầu tiên ở Tây Nam Syria để yểm trợ chiến dịch tổng tiến công của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.
Nga-Syria tiến công mặt trận Tây Nam nhân lúc Mỹ lơ là. (Ảnh minh họa: Getty Images) |
Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) có trụ sở tại Anh, chiến đấu cơ của Nga đã thực hiện ít nhất 25 lần xuất kích từ thành phố Daraa phía Đông Bắc Syria sáng sớm 24/6 để không kích vào các khu vực do phe đối lập Syria kiểm soát ở Tây Nam Syria. Chiến dịch này là để yểm trợ từ trên không cho cuộc tổng tiến công đầu tiên của quân đội trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad chiếm lại một trong những thành trì cuối cùng của phe đối lập ở miền Nam Syria.
Không lực Nga cùng với bộ binh và các nhóm vũ trang của Iran đóng vai trò quan trọng trong việc “lật ngược ván cờ”, giúp quân đội Syria giành lại các vùng lãnh thổ từ tay phe đối lập.
Nhờ sự giúp đỡ đó, chính phủ Syria mới có thể sử dụng đi sử dụng lại chiến thuật dội bom, tấn công ồ ạt, sau đó đề nghị thỏa thuận hòa giải mà theo đó chính quyền của Tổng thống Assad giành lại quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ còn các lực lượng đối lập nếu không đầu đầu hàng thì cùng chạy đến vùng Idlib do các tay súng thánh chiến (jihadist) kiểm soát hoặc khu vực do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát.
Vùng đất phức tạp
Hiện các khu vực của phe đối lập ở Idlib và vùng ngoại ô phía Bắc Aleppo đang được Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ. Còn lực lượng người Kurd và Arab ở khu vực Đông Bắc lại được Mỹ hậu thuẫn để chiến đấu chống cái gọi là “tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng”.
Vì thế, sau khi giành lại được các thành trì của phe đối lập quanh Damascus và phía Tây Syria trong những tháng gần đây, quân đội của ông Assad được cho là sẽ tiến công vào khu vực Tây Nam. Hồi đầu tuần trước, chính quyền của Tổng thống Assad đã tiến hành một chiến dịch tấn công đường bộ và đường không nhằm vào các khu vực phe đối lập kiểm soát ở Daraa, Quneitra và Sweida, đe dọa phá vỡ thỏa thuận “giảm căng thẳng” 3 bên suốt 1 năm qua do Nga, Mỹ và Jordan cùng bảo trợ.
Nằm giáp ranh với Jordan và khu vực do Israel kiểm soát trên Cao nguyên Golan, mặt trận Tây Nam Syria là một trong những điểm “nóng” phức tạp nhất của cuộc nội chiến kéo dài 7 năm qua.
Leo thang xung đột ở Tây Nam Syria không chỉ làm cho Jordan bất ổn, khiến hàng chục nghìn dân thường phải rời bỏ nhà cửa, cuốn các cường quốc khu vực và thế giới vào vòng xoáy này mà còn làm gia tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Israel và Iran.
Mỹ lơ là
Khoảng 50 nhóm đối lập hoạt động ở Mặt trận phía Nam dưới danh nghĩa Quân đội Syria tự do (FSA) đối lập vốn nhận được sự giúp đỡ của Mỹ, Jordan, Anh, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và Saudi Arabia từ trung tâm chiến dịch đặt ở Amman.
Tuy nhiên, sự hỗ trợ đó đã chấm dứt từ đầu năm 2018 sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump năm ngoái tuyên bố sẽ cắt đứt quan hệ với các nhóm đối lập tìm cách lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad.
Những tuần gần đây, chính quyền Mỹ lên tiếng khá gay gắt về vấn đề Syria, cảnh báo chính quyền của Tổng thống Assad và các đồng minh của ông rằng việc vi phạm thỏa thuận “xuống thang” sẽ phải chịu “sự đáp trả nghiêm túc” bằng “những biện pháp mạnh mẽ phù hợp”.
Tuy nhiên, Mỹ lại nói với lãnh đạo các nhóm đối lập ở miền Nam rằng họ không nên trông chờ hỗ trợ quân sự từ Washington.
“Các ông không nên quyết định dựa trên giả thiết hay kỳ vọng vào một sự can thiệp từ chúng tôi – thông điệp gửi ngày 24/6 nêu rõ. “Chúng tôi, những người trong chính phủ Mỹ, hiểu rõ hoàn cảnh khó khăn mà các ông đang phải đối mặt và vẫn khuyên chính quyền Nga – Syria không nên có biện pháp quân sự vi phạm vào vùng [giảm xung đột – NĐ] này”.
Israel sốt ruột
Trong khi thông điệp từ Washington còn quá nhập nhằng thì đồng minh của Mỹ ở khu vực – Israel – tỏ ra nóng lòng can thiệp trong trường hợp chính quyền Syria tổng tấn công.
Israel đã nhiều lần tiến hành các cuộc tấn công vào lực lượng Iran, các nhóm vũ trang do Iran hậu thuẫn cũng như quân đội Syria nhằm vạch ra những lằn ranh đỏ để Vệ binh Cách mạng Hồi giáo và các lực lượng được Iran hậu thuẫn phải tránh xa lãnh thổ của nước này.
Theo một báo cáo của Nhóm Khủng hoảng quốc tế (ICG) tuần trước, “nguy cơ Israel can thiệp và xảy ra leo thang diện rộng giữa Iran và Israel nổi lên như là hệ quả bất ổn nhất của chiến dịch tấn công Tây Nam Syria”.
Nga chớp thời cơ, chính phủ Syria hưởng lợi
Đối với Nga, việc yểm trợ cho quân đội chính phủ ở Tây Nam Syria chính là cách tốt nhất để ngăn chặn Israel đe dọa các tài sản quân sự của Moscow ở khu vực này.
Cùng với đó, chính sách của Nga còn đi kèm với một chiến lược ngoại giao phức tạp mà ở đó Moscow đóng vai trò chủ chốt trong việc giảm nguy cơ leo thang căng thẳng có thể gây nguy hiểm cho đồng minh Syria hay xung đột vũ trang giữa Israel và Iran.
Nga được cho là đã “đi đêm” đàm phán ngoại giao với Israel, trong đó Moscow đảm bảo rằng Iran và các lực lượng do Iran hậu thuẫn sẽ không tham gia vào cuộc tổng tiến công của quân đội chính phủ vào Tây Nam Syria để đổi lại việc Israel “bật đèn xanh” cho lực lượng trung thành với Tổng thống Assad giành lại quyền kiểm soát khu vực này.
“Damascus, Moscow và Tehran đều có vẻ hiểu lằn ranh đỏ của Israel dù thiện chí tôn trọng điều đó vẫn còn bất chắc” – ICG nhận định. “Thế nhưng họ dường như sẽ có những bước tiến để hóa giải một số quan ngại của Israel và nhờ đó dọn đường cho chính quyền Syria trở lại vùng Tây Nam”.
Diệu Hương/VOV
Theo DW