Nâng cao nhận thức về quy định không gây mất rừng của EU

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày 12/7, tại tỉnh Đắk Lắk, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Phái đoàn châu Âu (EUD) tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Trao đổi kỹ thuật nhằm nâng cao hiểu biết toàn diện về EUDR và các chuỗi cung ứng không gây mất rừng, suy thoái rừng tại Việt Nam”.
Tham tán thứ nhất về Hành động khí hậu, môi trường, việc làm và chính sách xã hội, Phái đoàn EU tại Việt Nam Rui Ludovino phát biểu tại hội thảo.

Tham tán thứ nhất về Hành động khí hậu, môi trường, việc làm và chính sách xã hội, Phái đoàn EU tại Việt Nam Rui Ludovino phát biểu tại hội thảo.

Hội thảo nhằm rà soát tình hình chuẩn bị đáp ứng Quy định không gây phá rừng, suy thoái rừng của EU (EUDR) và trao đổi thông tin về các biện pháp và công cụ hỗ trợ thực thi EUDR.

Tham dự hội thảo có sự góp mặt của hơn 80 đại diện từ các bộ, ngành ở Trung ương và các cơ quan địa phương tại các tỉnh Tây Nguyên, đại diện khu vực tư nhân bao gồm hiệp hội, doanh nghiệp các ngành hàng cà phê, gỗ và cao su cũng như các tổ chức trong nước và quốc tế.

Tiếp nối sự thành công của cuộc họp kỹ thuật vào tháng 3/2024, hội thảo này là sự kiện thứ hai trong chuỗi các hoạt động phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, góp phần cung cấp một nền tảng trao đổi và đối thoại giữa các bên liên quan chính trong việc thúc đẩy quá trình thực hiện EUDR.

Tại đây, các bên liên quan có cơ hội hợp tác cũng như trao đổi với nhau về các mối quan ngại, thách thức và cơ hội đối với việc quản lý chuỗi cung ứng không phá rừng, đặc biệt đối với ngành cà phê, gỗ và cao su tại Việt Nam, nhằm chuẩn bị quá trình tuân thủ một cách hiệu quả.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo.

Tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế (Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nhấn mạnh: “Việt Nam sẵn sàng đáp ứng EUDR không chỉ là tuân thủ yêu cầu của thị trường có tiêu chuẩn cao của xuất khẩu nông sản mà còn là cơ hội để nền nông nghiệp của chúng ta có thể chuyển đổi theo hướng xanh, bền vững đúng với định hướng về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn".

Ông Rui Ludovino, Tham tán thứ nhất về Hành động khí hậu, môi trường, việc làm và chính sách xã hội, Phái đoàn EU tại Việt Nam khẳng định: “EUDR sẽ góp phần giảm nạn phá rừng toàn cầu và suy thoái rừng trên toàn thế giới, do đó giảm phát thải khí nhà kính và giúp giải quyết hai cuộc khủng hoảng lớn đương đại là mất đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu. Sự gia tăng nhu cầu và thương mại của EU đối với các mặt hàng và sản phẩm hợp pháp, không phá rừng sẽ tạo cơ hội cho nông dân quy mô nhỏ ở Việt Nam. Việc tuân thủ EUDR sẽ cải thiện hệ thống sản xuất của họ, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm và khả năng truy xuất nguồn gốc theo chuỗi cung ứng; nhờ vậy, giá sản phẩm và sinh kế của nông dân cũng sẽ được cải thiện”.

Với quy định EUDR, EU hướng tới giảm thiểu sự đóng góp của liên minh vào phá rừng và suy thoái rừng trên toàn cầu và từ đó giảm thiểu tác động đến biến đổi khí hậu, phát thải khí nhà kính và mất đa dạng sinh học. Hơn nữa, EU cũng mong muốn đóng góp vào thực hiện Thỏa thuận Paris, các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất, Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Kunming-Montreal (GBF). Quy định EUDR chỉ tập trung vào các doanh nghiệp, không phải các quốc gia hoặc nhà sản xuất tại nước thứ ba. Đây là cách tiếp cận chuyển đổi từ tự nguyện hướng tới một khung pháp lý chặt chẽ, nhằm yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa vào thị trường EU phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm giải trình.

Quy định về việc quản lý nhập khẩu và xuất khẩu các sản phẩm không gây phá rừng, suy thoái rừng của châu Âu (EUDR) có hiệu lực thi hành bắt đầu sau ngày 30/12/2024. EUDR yêu cầu các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu vào thị trường EU và xuất khẩu từ EU không có nguồn gốc từ đất do phá rừng hoặc góp phần vào suy thoái rừng tính từ thời điểm 30/12/2020. Theo Quy định này, một số mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường EU như cà-phê, gỗ và cao su phải được truy xuất nguồn gốc đến từng vườn.

Có thể bạn quan tâm