Loay hoay xử lý những dự án để mất rừng ở Đắk Nông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhiều dự án nông, lâm nghiệp ở Đắk Nông để rừng, đất rừng bị lấn chiếm với diện tích lớn, nhưng chưa được xử lý dứt điểm.

Tháng 8/2007, UBND tỉnh Đắk Nông cho Công ty TNHH thương mại, dịch vụ Thiên Nhân II (tiền thân của Công ty Khoáng sản Đắk Nông Sài Gòn) thuê đất, thuê rừng để thực hiện dự án nông, lâm nghiệp tại xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông).

Rừng tại dự án của Công ty Khoáng sản Đắk Nông Sài Gòn còn diện tích khiêm tốn

Rừng tại dự án của Công ty Khoáng sản Đắk Nông Sài Gòn còn diện tích khiêm tốn

Sau nhiều lần điều chỉnh, dự án được thuê tổng diện tích hơn 590ha để thực hiện dự án nông lâm nghiệp. Trong số này, chủ đầu tư phải quản lý, khoanh nuôi bảo vệ rừng 204,33ha; trồng rừng 308,75ha; cải tạo mặt nước 42,1ha…

Qua thanh tra năm 2017, Sở NN-PTNT Đắk Nông xác định có gần 60ha rừng của dự án đã bị phá, lấn chiếm. Tổng diện tích trồng rừng của dự án đạt khoảng 161ha (chiếm 52% quy hoạch của dự án).

Theo kết quả rà soát mới nhất vào cuối năm 2023 của Đoàn kiểm tra liên ngành 415 tỉnh Đắk Nông, dự án có hơn 80ha rừng đã bị phá.

Có 145ha đất của dự án đã bị người dân lấn, chiếm trái phép. Nhiều diện tích quy hoạch trồng rừng đã được chủ đầu tư trồng các loại cây khác. Diện tích rừng còn lại nằm manh mún, bao quanh bởi đất trồng các loại cây nông nghiệp.

Phần lớn đất có vị trí đắc địa tại dự án của Công ty Khoáng sản Đắk Nông Sài Gòn đã được đầu tư trồng cây công nghiệp

Phần lớn đất có vị trí đắc địa tại dự án của Công ty Khoáng sản Đắk Nông Sài Gòn đã được đầu tư trồng cây công nghiệp

Đây chỉ là 1 trong số 13 dự án được Đoàn kiểm tra liên ngành 415 tỉnh Đắk Nông khoanh vào nhóm có nhiều vi phạm đầu tư, về quản lý đất đai và quản lý bảo vệ rừng.

Xếp chung nhóm này có thể kể đến như: Công ty TNHH Ngọc Thạch, Công ty TNHH Đầu tư Long Sơn, Công ty TNHH Việt Can, Công ty TNHH Bảo Lâm, Công ty Cổ phần Thiên Sơn…

Tổng diện tích tỉnh Đắk Nông giao cho 13 dự án này là hơn 5.600ha. Trong đó, diện tích quy hoạch trồng rừng hơn 2.120ha; quy hoạch trồng cao su gần 746ha; quản lý, bảo vệ và khoanh nuôi tái sinh hơn 2.500ha.

Đến cuối năm 2023, kết quả cho thấy các dự án chỉ mới trồng được 257,4ha rừng (đạt hơn 12% quy hoạch), 210,7ha cao su (đạt khoảng hơn 28% quy hoạch) và hơn 268ha cây khác.

Diện tích rừng của các dự án này đã bị mất là hơn 1.912ha (chiếm hơn 76% tổng diện tích quy hoạch dự án). Tổng diện tích rừng và đất rừng đã bị người dân lấn chiếm, trồng các loại cây công nghiệp, cây nông nghiệp khoảng gần 3.500ha.

Hàng ngàn ha rừng đã bị phá và đất rừng bị lấn chiếm tại các dự án nông, lâm nghiệp ở Đắk Nông

Hàng ngàn ha rừng đã bị phá và đất rừng bị lấn chiếm tại các dự án nông, lâm nghiệp ở Đắk Nông

Theo Đoàn kiểm tra liên ngành 415 tỉnh Đắk Nông, có 11/13 dự án đã được thanh tra và ban hành kết luận yêu cầu bồi thường thiệt hại về rừng và thu hồi đất bị lấn chiếm.

Sở NN-PTNT đã tính toán giá trị rừng bị thiệt hại nhưng chưa có doanh nghiệp nào thực hiện bồi thường. Việc thu hồi đất chưa được Sở TN-MT tham mưu, xử lý đến kết quả cuối cùng.

Cùng với các cơ quan chức năng, các chủ dự án cũng cơ bản chưa chấp hành theo kết luận thanh tra. Tới nay, hầu hết các yêu cầu của cơ quan thanh tra như: yêu cầu bồi thường thiệt hại về rừng; lập phương án rà soát, xử lý đất lấn chiếm… đều chưa được doanh nghiệp thực hiện.

Trên cơ sở rà soát, Đoàn kiểm tra liên ngành 415 tỉnh Đắk Nông đã kiến nghị UBND tỉnh thu hồi toàn bộ diện tích dự án của 5 công ty: Công ty TNHH Duy Hòa, Công ty TNHH Ngọc Thạch, Công ty TNHH chế biến, trồng trọt, chăn nuôi Thịnh An Khương, Công ty TNHH Việt Can và Công ty TNHH MTV sản xuất, thương mại, dịch vụ Bảo Châu. 8 dự án còn lại được yêu cầu thanh tra đề nghị thu hồi 1 phần.

Theo UBND tỉnh Đắk Nông, việc thu hồi dự án và thu hồi đất của dự án cần có sự chung tay của các sở, ngành chuyên môn, nhất là Sở TN-MT và Sở KH-ĐT.

Nhưng nhiều năm qua, việc xử lý thu hồi đất, thu hồi dự án giữa nhiều đơn vị ở Đắk Nông vẫn thiếu tiếng nói chung. Việc xử lý kết quả hậu thanh tra các dự án nông lâm nghiệp vi phạm đạt được kết quả rất khiêm tốn.

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.