(GLO)- Qua 9 năm thực hiện Luật Đất đai năm 2003 và Luật Đầu tư năm 2005, hiệu quả công tác quản lý và sử dụng đất đai gắn với các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh nhìn chung là đạt yêu cầu đề ra trên một số phương diện. Tuy nhiên, để đất đai thực sự trở thành nguồn lực quan trọng, phát huy tối đa vai trò phục vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương thì cần nhiều giải pháp đồng bộ thúc đẩy từ cơ chế chính sách đến năng lực quản lý nhà nước...
Theo số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường, kể từ khi Luật Đầu tư 2005 có hiệu lực, toàn tỉnh đã có 125 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 19.033 tỷ đồng. Tính đến nay đã có 64 dự án hoàn thành, sử dụng đất có hiệu quả 13.156,79 ha (chiếm tỷ lệ 51% về số dự án và 76,4% về diện tích); 38 dự án đang xây dựng với diện tích 3.023,78 ha (chiếm tỷ lệ 30,45% về dự án và 17,56% về diện tích); 13 dự án chưa khởi công với diện tích 966,19 ha và 10 dự án bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư với diện tích 71 ha.
Nhìn chung, các dự án triển khai đã góp phần tích cực cho mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đảm bảo quốc phòng-an ninh, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước và tạo việc làm cho lao động tại chỗ. Các dự án xây dựng khu đô thị mới, cao ốc, nhà ở... đã thúc đẩy quá trình đô thị hóa, nâng cao thu nhập và góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Trên lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai, tỉnh đã cho thuê đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với 174 dự án, có tổng diện tích 55.041 ha. Các khoản thu từ đất như thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thuế trước bạ đã đóng góp tích cực cho ngân sách nhà nước với số tiền 2.509,377 tỷ đồng.
Riêng 9 tháng năm 2012 các khoản thu từ đất nộp vào ngân sách đạt 302,4 tỷ đồng. Thống kê cụ thể về diện tích đất trên từng lĩnh vực cho thấy, tỉnh đã cho thuê và giao đất để đầu tư 4 dự án cao ốc với diện tích 17.663,6 m2 trên địa bàn TP. Pleiku. Đến nay, có 3 dự án là: cao ốc Hoàng Anh Gia Lai, khu căn hộ Hoàng Anh Gia Lai, Đức Long Tower đã đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động.
Riêng dự án cao ốc liên hợp Tahami chưa triển khai thực hiện nên UBND tỉnh đang tiến hành lập thủ tục thu hồi đất theo quy định. Tỉnh cũng đã giao đất có thu tiền sử dụng đất cho 3 nhà đầu tư xây dựng 6 khu đô thị trên địa bàn TP. Pleiku, có diện tích 72.643,18 m2. Đến nay các dự án đang tiếp tục triển khai thực hiện các hạng mục hạ tầng cơ sở, xây dựng nhà ở (riêng khu Trung tâm Thương mại Hội Phú của Công ty VK Highland đang bị chậm tiến độ).
Cùng thời gian, tỉnh cũng đã cho thuê đất đầu tư xây dựng 36 dự án thủy điện với diện tích 12.769,125 ha. Đến nay đã có 24 dự án thủy điện hoàn thành đi vào vận hành, 12 dự án đang xây dựng; ngoài ra, còn có 9 dự án đang trong giai đoạn hoàn chỉnh hồ sơ để xin thuê đất. Cho thuê đất để đầu tư 52 dự án trồng cao su trên đất lâm nghiệp với 35.462,29 ha.
Cho thuê đất để đầu tư 6 dự án trồng rừng với tổng diện tích 6.315,5 ha, đã triển khai trồng được 2.266,85 ha, còn 3.438,05 ha sử dụng không hiệu quả nên UBND tỉnh đã cho thu hồi. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục rà soát để thu hồi 610,6 ha đất chậm đưa vào sử dụng. Cho thuê đất để khai thác khoáng sản với diện tích 484,93 ha/70 dự án. Trong đó có 47 dự án sử dụng đất có hiệu quả với diện tích 307,56 ha; 23 dự án chuẩn bị đưa vào sử dụng với diện tích 177,37 ha.
Đánh giá về tình hình quản lý, sử dụng đất gắn với hiệu quả các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, đại diện Sở Xây dựng cho rằng, công tác quản lý đất đai trên thực tế hiện nay gặp rất nhiều vướng mắc. Mặc dù tỉnh có nhiều quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhưng tổ chức thực hiện không tốt dẫn đến tình trạng “quy hoạch treo”, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất và tác động tiêu cực đến đời sống dân sinh trong vùng quy hoạch.
Một tồn tại khác là công tác đo đạc, lập bản đồ hiện trạng chỉ mới thực hiện được 404.731,4 ha/1.553.693 ha (đo đạc lập bản đồ theo tọa độ độc lập, giả định 256.656,8 ha; đo vẽ chính quy theo tọa độ HN-72 là 34.942,7 ha; đo vẽ theo hệ tọa độ VN-2000 là 113.131,9 ha; đất lâm nghiệp đã đo đạc theo dự án và đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức), trong khi đó tình hình sử dụng đất luôn biến động nhưng không được cập nhật kịp thời nên rất khó khăn cho công tác quản lý. Mặc dù có nhiều dự án triển khai nhưng hiệu quả sử dụng đất không cao, tình trạng nhiều chủ đầu tư tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất trước khi được cấp phép đầu tư dự án, hoặc vướng đền bù-giải phóng mặt bằng đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án.
Trước những tồn tại này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Xuân Liên cho rằng, các địa phương cần khẩn trương hoàn thành quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất đến năm 2015 để tạo tiền đề cho việc giao đất, cho thuê đất, cấp đất. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh việc kiểm tra giám sát các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh thuộc các lĩnh vực xây dựng khu đô thị, dân cư, trồng rừng, trồng cao su, đất khu công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp...
Kiên quyết thu hồi diện tích đất không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả hoặc không đúng mục đích được giao, cho thuê và có biện pháp xử lý nghiêm nếu có vi phạm. Đồng thời, kiểm tra đối chiếu lại diện tích đất đã giao cho các tổ chức, đơn vị như công ty lâm nghiệp, nông nghiệp, Ban Quản lý Rừng phòng hộ, tổ chức kinh tế. Giao cơ quan Thuế, Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, phúc kiểm việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai đối với các dự án.
Sơn Ca