(GLO)- Sau gần 40 năm xây dựng và phát triển, Trường Trung cấp Nghề Gia Lai có bề dày kinh nghiệm trong đào tạo nghề có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Nhiều thế hệ học sinh của trường đã vươn lên trở thành doanh nhân thành đạt hoặc những người thợ có “bàn tay vàng” được xã hội tôn vinh.
Tiếp tục tăng cường quan hệ với doanh nghiệp
Năm học mới 2012-2013, một trong những mục tiêu hàng đầu của nhà trường là đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Theo đó, trong quá trình chuẩn bị năm học mới, nhà trường đã tập trung tăng cường tiếp xúc, tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp và các địa phương trong tỉnh để tư vấn tuyển sinh và giao ước giữa đào tạo và sử dụng nhân lực.
Các chuyên gia Hàn Quốc chuyển giao công nghệ ô tô cho giáo viên nhà trường. Ảnh: Đ.Y |
Với mô hình này, nhà trường đã tư vấn, giới thiệu đến các doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo nghề cho lao động và nâng cao tay nghề cho công nhân. Đặc biệt, trong tình hình kinh tế khó khăn, nguồn nhân lực đang vừa “thừa” lại vừa “thiếu” như hiện nay, mô hình này đã giúp nhà trường thành công hơn trong việc tuyển sinh đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm.
Chỉ tính từ đầu năm đến nay, nhà trường đã tư vấn, giới thiệu sinh viên cho 103 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; tư vấn giới thiệu việc làm cho 188 sinh viên tốt nghiệp tại trường vào làm việc ở các doanh nghiệp, công ty lớn có uy tín, cho thu nhập cao, như Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai đã tiếp nhận hàng chục sinh viên của nhà trường sang Lào làm việc với mức lương bình quân từ 8 triệu đồng đến 15 triệu đồng/tháng; nhà trường đã đào tạo trực tiếp 87 lao động do các doanh nghiệp hợp đồng gửi đến trường để đào tạo lại.
Trong quá trình đào tạo, nhà trường đã gắn bó chặt chẽ với các doanh nghiệp trong việc đưa toàn bộ học sinh năm cuối đi thực tập tại các doanh nghiệp góp phần nâng cao tay nghề và tạo điều kiện làm quen với công nghệ sản xuất của doanh nghiệp, qua đó doanh nghiệp có thể lựa chọn và tiếp nhận lao động ngay sau khi tốt nghiệp.
Sinh viên đang thực hành PLC điện công nghiệp. Ảnh: Đ.Y |
Đánh giá về công tác đào tạo đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, thạc sĩ Trần Văn Kiệm-Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Gia Lai, cho biết: Từ năm 2006 đến nay, nhà trường đã đào tạo nghề cho gần 20.000 lượt lao động, trong đó có trên 80% được các doanh nghiệp tiếp nhận làm việc. Nhiều doanh nghiệp có “quan hệ” cung-cầu với nhà trường, trong đó 16 doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn tỉnh thường xuyên đặt hàng với nhà trường để đào tạo lao động cho doanh nghiệp, với các nghề: cắt gọt kim loại, hàn, công nghệ ô tô, điện, xây dựng, vận hành nhà máy thủy điện... (như: Công ty Điện Gia Lai, Công ty cổ phần Xây dựng và Vận tải Gia Lai, Công ty thủy điện Đak Pơ Si, Công ty cổ phần thủy điện Ry Ning II, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển thủy điện Phan Vũ, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển thủy điện Bảo Long, Công ty cổ phần thủy điện Đak Đoa, Tập đoàn Tấn Phát, Xí nghiệp khảo sát điện Sông Đà, Công ty Quốc Cường, Công ty thủy điện Đak Rơ Sa Kon Tum…).
Với phương châm đào tạo nghề có địa chỉ và theo nhu cầu của doanh nghiệp, nhà trường đã tạo nhiều thuận lợi cho học sinh sinh viên khi tốt nghiệp nhanh chóng tìm kiếm được việc làm, rất nhiều sinh viên tốt nghiệp đã tìm được việc làm từ các doanh nghiệp. Không những thế, nhiều sinh viên còn tự tạo được việc làm cho mình, mở được doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh các nghề hàn, sửa chữa ô tô và máy nông nghiệp, sửa chữa xe máy, lắp đặt điện nước...
Đa dạng hóa ngành nghề theo nhu cầu xã hội
Là một cơ sở dạy nghề chủ đạo của tỉnh, nhà trường thường xuyên nắm bắt kịp thời chủ trương chung của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, của tỉnh để đổi mới và mở rộng ngành nghề đào tạo. Bước vào năm học mới 2012-2013, nhà trường tiếp tục thực hiện những mục tiêu đã đề ra cho 5 năm (2011-2015), đó là tập trung vào một số nội dung có tính đột phá như: Đổi mới chương trình đào tạo các nghề theo hướng dẫn của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trong đó đưa nội dung đào tạo khởi tạo doanh nghiệp để trang bị kỹ năng kinh doanh, tự tạo việc làm và làm giàu từ nghề nghiệp cho học sinh sinh viên khi ra trường.
Ảnh: Đinh Yến |
Đổi mới phương pháp đào tạo: chuyển toàn bộ hình thức dạy chuyên môn từ tách biệt học lý thuyết với thực hành sang hình thức dạy nghề tích hợp; tiếp tục biên soạn giáo trình các mô đun, môn học để đảm bảo 100% môn học, mô đun có giáo trình. Xây dựng và phê duyệt các chương trình đào tạo trình độ Cao đẳng nghề, bổ sung chương trình đào tạo trung cấp nghề công tác xã hội và 8 chương trình đào tạo trình độ trung cấp nghề. Biên soạn thêm giáo trình trình độ trung cấp nghề để nghiệm thu, thẩm định, đồng thời trong quá trình biên soạn, nhà trường đã tham khảo công nghệ sản xuất của một số doanh nghiệp và tham khảo ý kiến các chuyên gia của doanh nghiệp để nội dung vừa có tính thực tiễn, vừa có tính khoa học cao.
Nhà trường sử dụng có hiệu quả nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư thiết bị các nghề trọng điểm; sử dụng vốn thường xuyên và tự có để bổ sung thiết bị các nghề còn thiếu. Tiếp nhận và sử dụng tốt thiết bị đầu tư ODA; trang bị thêm sách, tài liệu, học liệu, đồ dùng phục vụ đào tạo. Nhà trường sẽ tuyển dụng đội ngũ giáo viên, thực hiện đúng quy định của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về đảm bảo tỷ lệ giáo viên/học sinh, sinh viên quy đổi (1/20); ưu tiên cử cán bộ và giáo viên đi đào tạo trình độ sau đại học để nhằm đạt tỷ lệ sau đại học trong các nghề đào tạo cao đẳng theo quy định của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho những năm học tới.
Năm học 2012-2013, tổng chỉ tiêu đào tạo của Trường Trung cấp Nghề Gia Lai là 4.956 học sinh, sinh viên. Trong đó cao đẳng nghề 300; trung cấp nghề 510: (450 ngân sách cấp và 60 thu học phí); dạy nghề phổ thông 2.500 học sinh; dạy nghề nông thôn 1.646 học viên. |
Tuy sự tham gia của các doanh nghiệp hàng năm có tăng nhưng còn quá ít so với nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp hiện nay. Vì thế, nếu việc đào tạo nghề của nhà trường có sự liên kết phối hợp của doanh nghiệp tích cực hơn nữa thì sẽ tạo điều kiện cho cả 3 bên: doanh nghiệp-nhà trường-người học; vừa có nguồn nhân lực để phục vụ doanh nghiệp, người học cũng yên tâm học nghề. Khi đó xã hội cũng bớt đi gánh nặng, không như hiện nay thanh niên dân tộc thiểu số học nghề nhà nước mới chỉ đảm bảo hỗ trợ học bổng xã hội 140.000 đồng/tháng, số tiền này không đủ để các em trang trải cuộc sống hàng ngày.
Đã có không ít thanh niên dân tộc thiểu số ở vùng sâu theo học nhưng tiền hỗ trợ thấp, gia đình khó khăn nhiều em đã phải bỏ về, mặc dù nhà trường đã tìm nhiều cách hỗ trợ nhưng kinh phí có hạn, quy định chưa cho phép. Thêm phần khó khăn hiện nay là công tác tuyển sinh không được thuận lợi do tâm lý xã hội về con đường học hành vào đời của thanh niên chỉ muốn vào đại học, trong khi hệ thống giáo dục đại học mở cửa thu hút sinh viên thì hệ thống giáo dục nghề nghiệp khó tuyển đủ chỉ tiêu.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề của một số nghề không thuộc nghề trọng điểm thiếu, không đồng bộ; học sinh phổ thông học nghề tăng từ 76 lên 84 lớp nên phòng học và xưởng thực hành càng thiếu. Bước vào năm học mới, sinh viên hệ Cao đẳng nghề chưa được miễn học phí theo Nghị định 49 của Chính phủ nên chưa thu hút được người học.
Để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu xã hội, Hiệu trưởng Trần Văn Kiệm, khẳng định: Năm học này nhà trường tiếp tục mở rộng quy mô, đa dạng hóa ngành nghề đào tạo đi đôi với nâng cao chất lượng đào tạo, thực hiện các giải pháp xây dựng hoàn thiện bộ máy quản lý nhà trường; tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; hoàn thiện chương trình giáo trình; đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề; tăng cường giáo dục học sinh sinh viên.
Đồng thời nhà trường tiếp tục gắn kết chặt chẽ với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh để cung cấp đầy đủ thông tin về chủ trương, biện pháp và mục tiêu chính sách của Nhà nước về dạy nghề; cung cấp thông tin về học nghề, lập nghiệp từ hoạt động nghề nghiệp để các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là cho các đối tượng thanh-thiếu niên biết và lựa chọn ngành nghề cho mình. Đặc biệt nhà trường tiếp tục gắn kết mạnh mẽ hơn nữa với các doanh nghiệp để các doanh nghiệp cùng chia sẻ trách nhiệm trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực cho chính mình và cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà.
Đinh Yến