(GLO)- Thời tiết nắng nóng kéo dài đã làm cho nhiều thôn, làng thuộc các huyện, thị xã phía Đông tỉnh rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Những giải pháp khắc phục được chính quyền và nhân dân địa phương áp dụng cũng chỉ mang tính tức thời nhằm đáp ứng nhu cầu cuộc sống trước mắt.
Khoảng 2 tháng nay, ông Đinh Văn Hlich (làng Kliek, xã Ya Hội, huyện Đak Pơ) đã quen với việc dậy thật sớm để đi lấy nước ở các con suối về phục vụ sinh hoạt gia đình. Mỗi lần đi như vậy, ông mang về khoảng 20 lít nước chứa đầy trong 2 chiếc can nhựa. Ông Hlich bảo, không riêng ông mà gần như cả làng đều tập trung xuống suối vào sáng sớm hoặc chiều muộn nếu muốn có nước để dùng. “Tôi sống ở đây đã hơn 60 mùa rẫy, nay mới thấy nắng hạn thế này. Mới tháng 1, tháng 2 mà nước đã cạn hết rồi, phải lên tận suối ở rẫy xa mà lấy nước về uống”- ông Hlich nói.
Anh Goenh bên giếng nước đã cạn của gia đình. Ảnh: Hồng Thi |
Làng Kliek có 24 hộ thì tất cả đều thiếu nước sinh hoạt. 3 giếng đào cùng hệ thống tự chảy do Nhà nước xây dựng đều đã gần như cạn khô. Các con suối gần làng cũng đang ở mực nước chết. Vừa kiên nhẫn đợi lấy những phần nước ít ỏi, chị Đinh Thị Lưới vừa tâm sự: “Đây là giếng đào duy nhất ở làng còn nước nhưng ít lắm. Bà con đều trông chờ vào nó để lấy nước nấu ăn thôi chứ rửa chén cũng chẳng đủ. Ai dậy sớm lấy tầm 4 giờ sáng thì may ra có nước chứ 6 giờ là chẳng có giọt nào”.
Không chỉ làng Kliek, 41/51 hộ dân ở làng Mông 2 cũng đang lay lắt vì thiếu nước từ nhiều tháng nay. Dân làng phải sang xin nước ở các làng khác hoặc mua nước về uống. Ai cũng bày tỏ sự lo ngại với thời tiết nắng nóng kéo dài như thế này, thì hơn 1 tháng nữa, các con suối ở trong vùng sẽ cạn kiệt. Khi ấy, họ không biết lấy nước đâu để sinh hoạt hàng ngày.
Người dân xã Ya Hội tận dụng nguồn nước suối ít ỏi còn lại để giặt giũ. Ảnh: Hồng Thi |
Cùng chung cảnh ngộ trên, trên địa bàn xã Kông Lơng Khơng (huyện Kbang) cũng có 420 hộ đang thiếu nước sinh hoạt. Đa số tập trung tại các làng có địa hình cao, giếng đào trúng đá hoặc đào cạn nên khô nước. Cụ thể: làng Kgiang có 50 hộ, thôn Hbang 15 hộ, làng Bờ Ngăl 30 hộ, làng Đáp 50 hộ, làng Mơ Hra 70 hộ, làng Mơ Hven 40 hộ, làng Ôr 30 hộ, làng Dơng 30 hộ, làng Bờ 30 hộ, làng Chư Pâu 60 hộ và làng Kdâu 15 hộ.
Trước tình hình này, nhiều hộ đã mua nước đóng bình về để uống, nấu ăn, dùng nước suối để tắm, giặt quần áo. Một số hộ khác đã đi xin nước ở những làng lân cận mang về phục vụ sinh hoạt cho gia đình. Anh Đinh Văn Goenh (làng Bờ, xã Kông Lơng Khơng) rầu rĩ nói: “Giếng nhà tôi đào từ năm 2002 đến nay nên đã xuống cấp, bọng giếng bị tụt khiến đất lấp đáy nhiều, từ tháng 9 đã cạn nước. Tôi cũng đã tiến hành đào thêm 1 giếng nữa nhưng vẫn không đủ nước để gia đình và 2 hộ khác dùng chung”.
Ngoài phạm vi hộ gia đình, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn xã cũng đang đối mặt với khó khăn tương tự. Theo thầy Hoàng Văn Meo-Phó Hiệu trưởng Trường THCS Kông Lơng Khơng, trường có 3 giếng (2 giếng đào, 1 giếng khoan) đều đã cạn. Dù đã đào sâu và khoan thêm, song lượng nước rất ít, không đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt chung cho 208 học sinh và 21 cán bộ, giáo viên, công nhân viên của Nhà trường.
Để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân, chính quyền các xã cũng như bản thân các hộ gia đình cũng đã có những giải pháp khắc phục trước mắt. Phó Chủ tịch UBND xã Ya Hội Dương Thái Thạch cho hay: Xã đã khuyến cáo các làng sử dụng nước tiết kiệm; tiến hành kiểm tra, tu bổ các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại khu dân cư; nạo vét giếng đào, vận động người dân có giếng chia sẻ nguồn nước với những hộ gia đình không có nước. Cùng với đó, xã cũng đang xin chủ trương của huyện và các ngành chuyên môn có chính sách hỗ trợ kịp thời cho nhân dân.
Cũng theo ông Thạch, cách tích trữ nước của bà con hiện nay chỉ là giải pháp tạm thời. Do đó, về lâu dài, địa phương mong muốn nhận được sự quan tâm của cấp trên về việc đầu tư các công trình thủy lợi, hồ chứa trên địa bàn để đảm bảo nguồn nước cho sản xuất lẫn sinh hoạt, tránh xảy ra tình trạng đói, khát trong dân.
Công trình giếng đào mới do huyện Kbang hỗ trợ xây dựng tại làng Bờ, xã Kông Lơng Khơng. Ảnh: Hồng Thi |
Đối với xã Kông Lơng Khơng, ngoài các giải pháp tương tự trên, UBND xã đã có văn bản đề nghị UBND huyện Kbang xem xét, hỗ trợ kinh phí mua, vận chuyển nước sinh hoạt cho các hộ thiếu nước. Một số làng bị hạn nặng như: Chư Pâu, Bờ Ngăl và Bờ đã được huyện hỗ trợ xây dựng mới 4 giếng sinh hoạt chung. Hiện cả 4 giếng đào đều đã có nước để dùng.
Riêng trường hợp của Trường THCS Kông Lơng Khơng, Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Văn Lum cho biết, được sự cho phép, hỗ trợ kinh phí của Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Kbang, nhà trường đã mua thêm ống dẫn nước để bơm nhờ từ giếng của dân và trả tiền điện cho họ. Trước mắt, nguồn nước sinh hoạt cho đơn vị này đã cơ bản được đảm bảo. “Vào năm học tới, Ban Giám hiệu nhà trường sẽ vận động phụ huynh học sinh chung tay với trường để khoan thêm một giếng mới ở vị trí khác để ứng phó với tình trạng thiếu nước do hạn hán gây ra”- thầy Meo nói thêm.
Hồng Thi