Mưu sinh thời Covid-19: Vất vả chốn non cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thời dịch giã, khắp nơi gặp khó. Trong đó, nhiều người HRê ở các huyện vùng cao Quảng Ngãi vẫn phải gắn bó với nghề khai thác cây gỗ keo, dẫu hiểm nguy chực chờ.

Đồng bào HRê làm thuê trong rừng keo thưa thớt nên tiền công thấp
Đồng bào HRê làm thuê trong rừng keo thưa thớt nên tiền công thấp
Những ngày qua, hình ảnh đoàn người dân tộc thiểu số ở Quảng Ngãi lội bộ rời núi về quê khi hết việc làm thuê khiến dư luận xôn xao. Rồi họ được cơ quan chức năng đón và dùng ô tô đưa về cách ly tại nhà phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 lây lan. Nhiều người trong số họ vừa nhận được quà từ những nhà hảo tâm gửi tặng để sẻ chia phần nào khốn khó.
Tuy nhiên, vẫn còn bao người dắt theo con trẻ, trú ngụ tại khu vực rừng giáp ranh H.Ba Tơ và TX.Đức Phổ (Quảng Ngãi) để mưu sinh với muôn nỗi gian truân. Tôi đã ngược những dốc núi cao nhìn lên đỉnh thấy mây ngàn bay trong gió cuốn để đến với những người này. Đặc biệt, họ đều mang họ Phạm để tỏ lòng tôn kính cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Hiểm nguy lẫn nhọc nhằn
Chưa đến 4 giờ sáng, chị Phạm Thị Liên (ở thôn Hố Sâu, xã Ba Khâm, H.Ba Tơ, Quảng Ngãi) rời võng cột hai đầu vào thân cây keo lai giữa rừng sâu. Chị bật đèn pin lọ mọ vo gạo, thổi cơm; bếp lửa bập bùng trong sương sớm. Mọi người lần lượt thức dậy, lui cui vệ sinh răng miệng, nấu nướng trước khi rời lán trại bắt đầu ngày làm việc nhọc nhằn.
Bình minh ló dạng phía trời xa báo hiệu ngày nắng nóng như đổ lửa. Mỗi gia đình quây quần bên nồi cơm ăn cùng ít cá khô nướng chấm mắm hay kho mặn và gói mì tôm cho vào nước sôi thay canh. Sau bữa sáng vội vàng, cha mẹ mang máy cưa, rựa và nước uống đến nơi rừng keo 5 - 6 năm tuổi cưa hạ và lột vỏ thuê. Con trẻ thì quẩn quanh bên lán trại, tóc lòa xòa bay bay như cây non phất phơ trước gió.

Anh Phạm Văn Héo dùng cưa máy cắt keo. Ảnh: Trang Thy
Anh Phạm Văn Héo dùng cưa máy cắt keo. Ảnh: Trang Thy
“Mỗi nhóm làm thuê của chúng tôi thường có 5 đến 7 đứa trẻ. Ở những khu rừng quanh đây có nhiều nhóm nên trẻ con nhiều lắm, từ 2 đến 9 tuổi. Vì ba mẹ đều đi làm thuê, để ở nhà không ai trông nom nên đành phải dẫn theo. Nhưng chúng tôi chỉ cho con chơi quanh lán trại chứ không cho theo ra rừng khai thác keo, sợ nguy hiểm...”, chị Liên bộc bạch.
Tầm 5 giờ sáng, tiếng máy cưa cầm tay vang vọng khắp núi rừng. Keo lai ngã rạp bị cắt thành khúc dài trước khi lột vỏ. Mọi người cắm cúi làm việc: cưa hạ, cắt ngắn, đập giập, bóc vỏ rồi khiêng, vác gom cây thành đống trước khi chất lên xe tải. Họ khoác những bộ quần áo bạc màu bao lần ướt đẫm mồ hôi. Dáng người gầy ốm lom khom trên sườn đồi hay ẩn hiện giữa những hàng cây. Chốc lát, có tiếng la hoảng thét gọi tránh cây đổ với vẻ mặt đầy lo lắng. Nhiều vụ tai nạn gây thương tích ám ảnh bao người nhưng rồi họ vẫn đeo bám để kiếm tiền lo cho gia đình.
Anh Phạm Văn Héo không nhớ nổi bao lần mình bị nạn, dù rất cẩn thận khi cưa hạ keo. Bị thương nhẹ thì u đầu hay trầy sướt chân tay, nặng phải chuyển đến bệnh viện cấp cứu. Cách đây vài năm, anh hạ thân keo khá lớn ngã đổ làm gãy nhánh cây bên cạnh chừng bằng bắp chân rơi thẳng vào đầu ngất xỉu. Mọi người xúm quanh khiêng vào lán rồi chuyển về nhà. Sau nhiều ngày uống thuốc dần hồi phục, anh tiếp tục vác cưa ra rừng. Có bận, đầu anh bị chấn thương nặng khiến vợ cùng người làng vượt hàng chục cây số chuyển đến Bệnh viện đa khoa Đặng Thùy Trâm (TX.Đức Phổ) điều trị dài ngày.
“Nghề làm keo thuê nguy hiểm lắm. Nhiều lúc cưa trượt vào chân, cây đập vào đầu và mình mẩy. Cách đây chừng mười năm, có đứa con gái ở thôn Con Riêng, xã Ba Trang (H.Ba Tơ, Quảng Ngãi - PV) đang ngồi lột vỏ keo thì bị cây ngã đập chết...”, anh Héo kể.
Anh Phạm Văn Thủy góp chuyện: “Việc bị thương thường xảy ra với dân làm keo, kể cả người ôm cưa máy hay người đang lột vỏ. Tôi bị vết thương ở chân phải nằm nhà gần cả tháng mới đi được. Có lần nhánh cây đập trúng gáy chảy cả máu miệng lẫn máu mũi nhưng rồi sau đó vẫn đi làm lại. Làm keo thuê nguy hiểm lắm, ai cũng lo sợ nhưng không bỏ được vì chúng tôi đâu còn công việc nào nữa mà lựa chọn!”.
Ước lượng số gỗ gần đủ chuyến xe, anh Thủy điện thoại gọi chủ thuê với nét mặt vui vẻ. Hồi lâu, chiếc xe tải ì ạch bò qua những đỉnh cao đến bên đống keo vừa bóc vỏ. Nhiều người hì hụi khiêng, vác chất gỗ lên thùng xe, lưng áo ướt đẫm, mồ hôi chảy ròng trên những khuôn mặt sạm đen vì nắng gió. Xong việc, họ cưỡi xe máy chạy theo sau xe tải chất ngất gỗ keo cố bò qua những dốc núi chênh vênh. Bụi mịn tung mù theo gió sau vòng bánh xe lăn. Xe dừng, họ leo lên cao đẩy những khúc gỗ keo tuột đến trước khi đổ dốc ra phía sau để giữ thăng bằng. Phải vài bận như thế thì xe gỗ mới rời khỏi núi, họ cùng xe máy ngược dốc cao.
Đời nghèo thương nhau
Mỗi hộ dân sinh sống nơi bản làng heo hút chốn non cao sở hữu 1 - 3 sào ruộng bậc thang đất cằn trơ sỏi đá. Cây lúa phụ thuộc vào nguồn nước tự nhiên nên hằng năm chỉ sản xuất một vụ với năng suất “đủ ăn là may mắn lắm”. Lâm sản ngày càng cạn kiệt nên nhiều chuyến lội rừng dài ngày trở về với tiếng thở dài não lòng. Thế là họ dắt díu nhau vào rừng khi có người thuê cưa hạ và lột vỏ keo lai trên đỉnh cao lộng gió hay dưới khe núi âm u.
“Nhiều người đi làm keo lắm. Chỉ riêng thôn Hố Sâu của tôi có khoảng 200 hộ mà đến trên 150 hộ đi làm keo rồi. Vợ chồng con cái cùng đi làm để kiếm tiền. Mỗi nhóm có vài ba chục người...”, anh Phạm Văn Đức cho biết.
May mắn, họ tìm được việc làm thuê kéo dài trong những tháng mùa khô cho con trẻ có tấm áo mới ngày khai trường và để dành tiền sắm sửa lễ vật dâng cúng tổ tiên vào dịp tết. Ngày hè, học sinh theo người lớn vào rừng làm thuê kiếm tiền mua sách vở và quần áo trước khi vào năm học mới. Đôi tay yếu ớt khó nhọc đập giập rồi bóc vỏ keo bám vào thân gỗ.
“Nhà cháu nghèo nên nghỉ hè phải kiếm tiền giúp gia đình và mua đồ trước khi khai giảng năm học mới. Dù còn nhỏ nhưng cháu vẫn được chia đều tiền như mọi người...”, em Phạm Văn Tuấn (14 tuổi) bộc bạch.
Nghe thế, anh Thủy góp thêm: “Khu rừng này do tôi nhận của chủ thuê ở Đức Phổ rồi rủ bà con cùng đi làm. Tiền công tính theo số lượng tấn keo đã lột vỏ. Sau khi trừ chi phí khấu hao máy cưa thì chia đều. Ai nhận rừng cũng đều như vậy, người mạnh giúp đỡ người yếu chứ không tính toán thiệt hơn. Gặp rừng tốt, năng suất cao thì hằng ngày mỗi người được trên 200.000 đồng. Nếu nhận trúng rừng xấu thì chỉ khoảng 150.000 đồng”.

Xe tải vượt qua bao đèo dốc để chở gỗ keo về xuôi
Xe tải vượt qua bao đèo dốc để chở gỗ keo về xuôi
Chiều phai nắng, họ trở về lán trại rồi cùng nhau mang can nhựa vượt hơn cây số lấy nước và tắm gội. Những tấm lòng hồn hậu nhường nhau dòng nước mát lành chảy ra từ ống nhựa nhỏ nối với khe suối trên đỉnh cao. Họ vô tư cười đùa làm vơi đi mệt nhọc sau ngày lao động vất vả. Tắm gội thỏa thuê, họ lại cùng khiêng những can nước đầy vượt dốc về lán trại khi hoàng hôn bao phủ núi đồi. Phụ nữ nhóm lửa thổi cơm, khói lam vờn bay trong gió chiều.
Mâm cơm mỗi gia đình được bày giữa tấm lót đan bằng vỏ keo trải trên nền đất nâu. Dẫu ăn riêng nhưng họ luôn san sẻ cho nhau miếng cá khô, mắm kho mặn, chén canh mì tôm... thấm đẫm nghĩa tình. Vài ba bữa, có người cưỡi xe máy vượt hàng chục cây số đường rừng về thăm nhà và mua giúp hàng hóa cho những hộ trong nhóm. Thực phẩm chủ yếu là cá, thịt cùng mắm muối để kho mặn ăn nhiều ngày. Và cá khô được xem là “món ruột” đối với những người mưu sinh chốn non cao.
(còn tiếp)
Theo Trang Thy (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.