Muôn nẻo mưu sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Men theo con đường đất ngoằn ngoèo, chúng tôi đến thôn 4 (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah, Gia Lai), nơi nhiều người chọn mưu sinh với nghề nhặt rác dù phải đối mặt với ô nhiễm và nguy cơ bệnh tật.
Vừa đến đầu thôn, chúng tôi đã thấy từng túi ni lông đủ màu được gom lại dọc đường, trên những bờ ruộng. Đó là thành quả “đi bãi” của những người dân mưu sinh nơi đây.   
 Một người dân mưu sinh ở bãi rác tập trung của huyện Chư Pah. Ảnh: H.P
Một người dân mưu sinh ở bãi rác tập trung của huyện Chư Pah. Ảnh: H.P
   
Hơn 11 giờ trưa, dưới cái nắng gắt giữa bãi rác mênh mông, khoảng 5-7 người vẫn đang luôn tay bới rác để kiếm tìm, nhặt nhạnh những thứ hữu dụng đối với mình. Người tìm quần áo cũ, người lượm nhặt vật thải bằng nhựa đem bán... Bà H'Lâm, một người dân ở xã Tân Sơn (TP. Pleiku) chia sẻ: “Cứ khi nào rác đổ về đây thì tôi lại tranh thủ đi nhặt ít quần áo cũ. Nhiều đồ ở đây còn tốt lắm…”.
Xung quanh, ai nấy đều đang cần mẫn với công việc của mình. Ở góc xa xa có đôi vợ chồng đang xúc từng xẻng than được đốt từ rác. Chồng xúc than đổ cho vợ sàng, khoảng 10-15 phút là đầy một bao. Quần áo họ đẫm mồ hôi, mặt mũi bám đầy bụi đất. Họ cho biết lấy than về trồng rau để bán lấy cái ăn.
Sức khỏe yếu, mắt kém nhưng ngày nào ông Nhút (làng Chuét 2, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) cũng đạp xe đến bãi rác, lủi thủi vác cào, bao tải vào nhặt từng bao ni lông, từng miếng sắt vụn để bán cho các đại lý thu mua phế liệu; mỗi ngày ông cũng kiếm được khoảng 80.000-100.000 đồng. Vừa dụi dụi đôi mắt bị lên mộng thịt, ông vừa chia sẻ: “Mắt bị mộng cả năm nay rồi, đau và khó chịu lắm nhưng không dám đi bệnh viện vì không có tiền. Nhưng nếu mình không “đi bãi” thì lại không có cái ăn”. Mưu sinh nhờ rác nên những người dân ở đây phải đối mặt mỗi ngày với ô nhiễm và nguy cơ bệnh tật. Quanh họ lúc nào cũng là cả một núi rác bốc mùi hôi thối, dù có bịt khẩu trang cũng không ngăn nổi mùi rác xộc vào mũi.
Chia sẻ với P.V, ông Nguyễn Công Minh-Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hưng-cho biết: “Đây là bãi rác tập trung của huyện Chư Pah. Rác thường được thu gom về đây vào các ngày thứ ba, thứ năm và thứ bảy trong tuần. Khi rác tập kết về thì nhiều người từ các nơi kéo về bới rác kiếm sống. Chúng tôi rất ái ngại nhưng cũng không biết làm gì hơn”. Ông Minh cho biết thêm, theo quy hoạch của tỉnh, để khai thác hiệu quả điểm du lịch núi lửa Chư Đăng Ya, bãi rác này sẽ dừng hoạt động nhằm đảm bảo môi trường sinh thái tại đây”.
Bãi rác “đóng cửa” thì những người nhặt rác sẽ lại phải vất vả để tìm kế mưu sinh. Ra về, lòng tôi cứ mãi trăn trở: không biết họ sẽ dạt về đâu khi nhiều người trong số họ tuổi đã xế chiều?
Hà Phương

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.
Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

(GLO)- Cách đây 5 năm, anh Tạ Ngọc Thinh quyết định từ bỏ cơ hội làm việc tại TP. Hồ Chí Minh để về Gia Lai lập nghiệp bằng việc mở Trung tâm Ngoại ngữ Việt Anh VES (số 30 Trần Quang Khải, TP. Pleiku). Từ đó, anh đã góp phần chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của nhiều em học sinh.
Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Thị trường lao động đang bắt đầu có dấu hiệu phục hồi tương đối nhanh nhờ việc kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19. Từ nay đến cuối năm, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp và người lao động có nhu cầu tuyển dụng và tìm kiếm việc làm ở mức cao. Do đó, các phiên giao dịch việc lưu động thời điểm này đang được tích cực triển khai thực hiện, nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa các bên.
Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

(GLO)- Trong 2 ngày (30 và 31-10), tại TP. Pleiku, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội cho 172 công chức văn hóa-xã hội thuộc các huyện: Đức Cơ, Ia Grai, Chư Păh, Chư Prông, Đak Đoa, TP. Pleiku và các cơ sở bảo trợ xã hội, gồm: Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh, Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh, Nhà trẻ mồ côi Sao Mai, chùa Bửu Châu, Làng trẻ em SOS Pleiku.
Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

(GLO)- Mặc dù còn nhiều khó khăn song kết quả cải cách hành chính (CCHC) nhà nước của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2011-2020 đã tạo sự chuyển biến về cải cách thể chế, thủ tục hành chính (TTHC), tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Đó là tiền đề để tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu CCHC, hướng đến sự hài lòng của người dân.