Mùi quê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đã hơn hai mươi năm tôi gửi lại tuổi thơ của mình nơi làng quê thanh bình. Đi học rồi làm ở xa, dù vẫn thường chạy đi, chạy về nhưng lúc nào cũng vội vàng, cứ chợt quên chợt nhớ xa xôi. Quê tôi cũng giống những vùng nông thôn khác, ở đó còn chảy mãi những nhớ thương đầy ắp. Trong dòng chảy êm đềm và ngọt ngào đó, ngoài những hình ảnh, âm thanh thân thuộc còn có những hương mùi rất riêng. Mùi của làng quê thôn dã!

Mùi khói.

Với tôi, mùi khói vừa quen thuộc vừa có sức ám ảnh đến kì lạ. Sau mùa cắt lúa, rơm được đưa về làm thức ăn cho gia súc, phần còn lại nằm phơi trên gốc rạ. Bà con đốt đồng để diệt sạch trứng sâu bọ và mầm cỏ còn sót lại. Mặt ruộng dễ cày hơn và tro sẽ thành phân cho đất tốt mùa sau. Mùi khói rơm còn ẩm ướt cứ hăng hắc, theo gió phả vào làng, có khi khó chịu nhưng đó là mùi của xứ sở quê hương.


 

 Chiều đồng quê. Ảnh minh họa
Chiều đồng quê. Ảnh minh họa


Đường làng rợp bóng tre xanh, lá rụng nhiều, nhất là mùa gió Tây Nam thổi. Lúc này cũng là mùa lúa chín, cộ bò kéo rơm làm vương vãi khắp đường làng. Thế là cùng nhau quét rác và đốt.

Mùi khói nồng nồng ấy ngày nào cũng có, mùa nào cũng quen và thân thương lắm. Trẻ con ở thôn quê ngày trước, thích thú việc chận bò, mót lúa, đào khoai, tát cá… Gom ít cỏ khô, quơ nắm củi tre, bẻ thêm vài cành cây bờ rào để nhóm lên đống lửa. Khói bốc lên cay xè khóe mắt nhưng theo sau đó là mùi thơm lừng lựng của khoai, bắp và cá nướng. Khói bay trên cánh đồng, khói lan từng con ngõ, khói tỏa bên ven sông sau mỗi mùa thu dọn dây dưa, dây mướp.

Ấm áp và gần gũi nhất vẫn là mùi trong gian bếp nhỏ. Bếp ngày xưa nấu bằng củi nên khói bụi cũng nhiều. Khói bốc lên, bay là là trên mái rạ đã đánh thức bao thứ mùi khác. Những thứ mùi xa xôi mà gần gũi, bay bổng mà thiết thực, nó giúp tôi no cái bụng trong những ngày nhiều thiếu thốn. Mùi cơm vừa chín tới, nhất là khi nấu gạo lúa mới, hạt mềm và rất dẻo thơm, nó như mùi no đủ đầu mùa. Sợ cơm bị nhão, mẹ thường chắt bớt nước cơm đang sôi ra một cái chén, bỏ thêm ít hạt muối bảo tôi uống. Mùi của loại nước đặc biệt ấy vẫn còn thơm béo, ngọt bùi trong kí ức. Có khi gian bếp thơm mùi cá rô đồng nướng dằm mắm ớt, mùi cá nhét kho lá gừng, mùi mắm chưng tiêu những buổi chiều mưa se lạnh.

Vùng đất Nam Trung bộ không đến nỗi lạnh rét nhưng giữa tiết trời se se buổi chớm đông, mẹ thường lấy chén nước mắm cho thêm gia vị rồi đặt lên lò lửa. Mắm sôi lên, từ từ keo khô lại, mùi thơm tỏa ra, dù ở xa vẫn nhận biết. Đây là mùi nồng nàn mang vị mặn mòi của một thời gian khó. Hay là thiếu thốn, khó khăn cũng có mùi riêng của nó và cả đời chẳng quên vậy!

Tuổi thơ sống ở thôn quê cũng khó quên được mùi hương trong các khu vườn. Ngày trước, nhà nào cũng có vườn rộng, chưa có tường rào kiên cố, quanh năm đủ loài cây trái. Trẻ con háo hức với những khu vườn rợp mát, ngạt ngào hương thơm. Mùi mít chín cây thơm lừng. Mùi đào lộn hột thơm nồng nàn. Mùi thị chín vàng ngào ngạt hương đưa theo gió. Rồi là bao thứ mùi chua chua đầy kích thích của me, xoài, khế, mận…

Những khu vườn xưa, chủ yếu là cây ăn trái truyền thống, không có cây ghép như bây giờ. Có điều là cây cao, trái nhỏ nhưng lại rất sai, đậm đà hương vị tự nhiên vốn có. Mỗi loài đều có mùi đặc trưng riêng, dễ nhận biết. Hương bưởi thơm thanh nhẹ, tinh khiết buổi sớm xuân. Hương hoa dủ dẻ thơm ngào ngạt vào mỗi dịp hè.

Trưa nắng, bẻ lá thầu đâu có mùi hăng hắc để lợp chòi, chơi trò trốn tìm. Hái trái bời lời để chơi trò đánh trận giả cùng nhau. Cây bời lời khá cao, có nhiều kiến đỏ làm tổ, mùi hăng hắc, mủ nhựa có nhiều chất nhớt, khi dính vào quần áo là rất khó chà rửa. Nhưng trái bời lời là nguồn “đạn dược” rất cần thiết để bắn ống bụp. Sau này tôi mới biết đó là loại cây quý, dùng chữa bệnh và đặc biệt là làm nguyên liệu để bào chế ra các loại nhang thơm khác. Riêng cây bồ kết cuối vườn, thân đầy gai nhọn, trái lủng lẳng từng chùm, chỉ dành cho các mẹ, các chị khèo xuống nấu nước gội đầu. Hương mùi bồ kết vẫn còn vương thơm, óng mượt trên mái tóc đen dài của các cô gái quê xưa.  

Ai rồi cũng phải lớn. Bọn trẻ ngày xưa mỗi đứa một nơi làm ăn sinh sống. Gặp được nhau đông đủ, thật không dễ chút nào. Bao bận bịu, lo toan xô đẩy kí ức trôi dạt về quá khứ, để một lúc nào đó bất chợt lắng lòng bỗng nhung nhớ miên man.

Thật quý giá những khi trở về để đắm chìm trong mùi quê thôn dã. Mùi bùn non của ruộng cày sắp sạ, mùi lúa mới vừa cấy dặm xong, mùi ngai ngái của phân bò đang chờ vận chuyển. Con đường làng vừa được bê tông hóa sạch sẽ, phong quang, còn thơm mùi xi măng mới, mùi sơn cổng ngõ, tường rào như phả vào lòng niềm hân hoan, vui sướng. Những thứ mùi thân thương ấy càng khiến tôi thêm yêu hơn quê nhà. Tôi hiểu rằng, dù ai có đi xa nhưng trong lòng mình vẫn mãi thơm mùi kí ức làng quê!

Theo PHAN HUY THÙY (QNO)

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.