Mưa sóc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cuối thu, chuẩn bị sang tiết đông, hàng năm vẫn có một trận mưa lớn, dân gian gọi là “mưa sóc”. “Mưa sóc con cóc cũng đi”-trận mưa lớn ấy như giục giã những đàn cá cả năm ngao du nơi đồng ruộng trở về chốn cũ.
Không biết đồng ruộng, cây lúa có gì vui trong trận mưa sóc không, nhưng với con người đó là dịp đơm cá tưng bừng trong năm. Mưa sóc là đợt di trú sớm nhất của các loài cá tìm cách xa lánh xứ đồng ruộng mỡ màu.
Tất cả các loài cá đầu mùa mưa thì ngược hết các khe rãnh luồng lạch, vượt các bờ bậc chỗ trổ để đến với đồng ruộng, giao phối, sinh nở, lớn lên... Đến khi mưa sóc thì kéo nhau trở về. Đợt mưa này cá đi xuôi, đặc biệt, các loài cá trắng đua nhau kéo về nhanh nhất. Những chỗ trổ, người ta tháo cho nước chảy thông từ ruộng này sang ruộng khác và hợp dòng về với hạ nguồn. Trên các trổ tháo nước, người đơm cá đặt những chiếc đó nhỏ cỡ như thân cây chuối, có hom tre. Chiều tối đặt đó, tờ mờ gà gáy đi đổ cá. Người xưa bảo: Tôm đi chạng vạng, cá đi rạng đông!
Tại những chân ruộng thấp, những thung lũng hợp thủy, để bắt cá phải đặt những chiếc đó to bằng cả người ôm, có khi 2 người ôm. Những chiếc đó ấy thường rất nặng và được đóng cố định xuống trổ mương nước. Phía cuối cái đó tóp nhỏ lại, được găm một cái giỏ đựng cá. Khi đổ đó, người đơm chỉ cần đưa phần giỏ phía sau lên tháo ra nhẹ nhàng trút cá mang về. Mỗi khi nâng đuôi đó lên nghe phừng phực, rung rung là xôn xao rạo rực trong lòng. Những con cá lớn quẫy đạp vùng vằng khi bị đưa lên khỏi mặt nước!
Ảnh minh họa: INTERNET
Ảnh minh họa: INTERNET
Trên các con suối lớn, trước đó, cả làng đã hợp sức làm những cái sa lớn giữa lòng suối để bắt cá trong nước lũ. Hình dáng cái sa bắt cá giống như một cái nhủi tép nhưng to lớn hơn, vững vàng hơn và đóng cố định trên suối, nơi dòng nước chính chảy qua. Khung sa được làm bằng những thân tre lớn, có cột gỗ chắc chắn, chằng néo bằng các loại sợi mây, chạc chìu, dây cóc và sợi dây trống. Lát sa là những cây hóp (một giống tre nhỏ tầm cán dao, cao vút và không có gai), theo chiều dọc từ miệng đến đuôi sa. Các cây hóp ghép sát nhau hở tầm lọt ngón tay ngón chân cho dễ thoát nước.
Miệng sa bằng phẳng như miệng nhủi nhưng rộng chừng 3-4 m. Trước miệng sa được dựng nghiêng một thanh gỗ mỏng, có chiều dài bằng miệng sa, chiều cao tầm 30 cm làm thành một cái “ghềnh nhỏ”, ngăn cá vào rồi không vượt trở ra được. Thân sa bằng phẳng, thuôn dần lên cao và tóp lại ở phần sau đuôi. Hai bên thành sa được ghép hóp nằm ngang, cao lên khoảng 1 m. Cái sa như vậy, khi nước lớn cũng chỉ tới tầm nửa thân sa. Trước cửa sa là 2 hàng đăng bằng tre lớn, tạo thành cái miệng hình chữ V, vừa giúp thoát bớt nước, vừa hướng đàn cá bơi vào sa.
Dưới mưa lâm thâm, qua thanh gỗ chắn ở miệng sa, dòng nước gợn lên chút cầu vồng như ghềnh thác trút vào. Tất cả các loài cá lớn đi xuôi đều phơi mình hết trên sa. Cá nhảy tưng tưng xếp lớp. Cá lao xao lăn lóc. Những con cá nhỏ thì tự lọt theo kẽ hở nan sa mà đi. Nước dội ì ầm suốt ngày đêm. Làng luôn cắt cử người canh sa thu cá. Ban đêm phải có người trực thức thâu canh, phòng kẻ trộm và đuổi rái khe ăn cá.
Canh sa thu cá là một thú vui trong mùa mưa sóc. Có chút rét của mưa gió. Có chút lầy lội của bùn đất. Nhưng trên hết là những âm thanh khe suối và cá đủ loại giãy tanh tách chờ bàn tay người bắt như lượm lặt những củ khoai trên đồng ruộng.
Bao năm rồi, cứ nhớ những cơn mưa sóc đồng quê rậm rịch trong đêm rét mướt mà xôn xao niềm vui tôm cá.
PHẠM ĐỨC LONG

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.