Về thu xếp lại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều nay, bác hàng xóm xuất viện về nhà, ngang qua ngõ nhìn tôi cười rưng rưng. Bác đi xuống cuối dốc vẫn còn nghe tiếng vọng lại: Mấy chậu cây trong vườn giờ chỉ để làm kiểng thôi, đau ốm miết không chăm bẵm được chắc nó khô héo rồi chết hết. Con hẻm nhỏ chỉ vừa vặn hai chiếc xe máy ngược chiều, nhưng lại chất chứa nhiều thú vị của một vùng trú ẩn toàn cư dân ngoại tỉnh, trong đó có tôi.
Hồi mới chuyển đến đây sống, buổi sáng sớm co ro vì lạnh, nhìn xuống con dốc thấy sương mờ ảo. Thỉnh thoảng, gió nổi lên làm một lượt lá nhãn khô rơi dồn thành từng đống trong sân. Lúc đó, tôi nghĩ, mình mà ở đây mãi chắc buồn lắm. Lúc đó, buồn mà không dám nói ra, nhất là trong suốt mấy tháng trời thất nghiệp ở nhà. Quãng thời gian này, tôi cứ quanh quẩn trong nhà rồi ra sân. Cái “thung lũng” nhỏ nơi cuối dốc, mùa khô dã quỳ thao thiết nở, tưởng như ông trời gom hết nắng bỏ trong lòng chảo cho mình vui; mùa mưa thì đất trời níu kéo, dầm dề nước cả tuần rồi mới heo heo chút nắng.
Rồi tôi xin được việc làm, từng sáng, từng chiều mải miết với công việc mới, rồi mùa đông đến cũng chẳng còn thắc mắc dưới thung lũng nhỏ dã quỳ đã nở chưa? Thấy mình nghiễm nhiên nhập vào hàng triệu người ngược xuôi đua tranh, quên mất có quãng thời gian mình rất thích giăng võng nằm dưới gốc cây mít nhà bác Ba đọc sách, quên những buổi chiều lành lạnh bưng chén cơm nóng ra sân ngồi ăn, nhiều lần mải miết ngồi nhổ cỏ quanh sân để đàn kiến đen trũi tha từng hạt cơm về tổ.
Bỗng có thời gian thấy mình cô đơn quá chừng, thấy giận mình quá. Chẳng biết mải miết kiếm tìm điều gì mà để trong thăm thẳm nỗi nhớ, tôi luôn mơ một mảnh vườn xanh cây trái. Đôi khi, đời sống có những khoảng lặng thật gần, nhưng có lẽ để cảm nhận được nó thì cần có những không gian gợi nhắc. Khi những căn nhà mới được xây lên, nhà tôi lọt thỏm giữa khoảng trời chật hẹp ấy. Rồi tôi về thu xếp lại, ban đầu trồng những bụi hoa, rồi dần dà trồng cây ăn quả để gầy dựng khu vườn của riêng mình.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Mùa khô, cây thay lá từ từ, lá già rụng đến đâu, lá non mọc lên đến đó. Vườn cây giờ được gần hai mươi giống hoa hồng, giờ tôi chẳng còn thấy buồn, buồn theo cái kiểu như người mới lớn thích những nơi ồn ào, khoa trương nữa. Bác Ba cũng bán hơn nửa mảnh vườn, chuyển lên Sài Gòn sống với con cái vì ở đây một mình lúc ốm đau không có ai chăm sóc. Gốc mít ngày xưa mỗi trưa tôi giăng võng nằm đọc sách cũng chẳng còn.
Bù lại, tôi đã gầy dựng được một khoảng sân rộng với nhiều cây lá đủ màu sắc. Mỗi chiều về nhà, ngồi tựa lưng vào gốc cây, ngước nhìn lên, thấy nắng xuyên qua mắt lá. Một cơn gió vừa cợt đùa ngang qua, lá vàng rơi lộp độp khắp sân, khoảnh khắc đó thấy mình được bình yên tuyệt đối. Và như thấy cây trái trong tâm hồn mình đã đơm bông.
BÌNH CHI

Có thể bạn quan tâm

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.
Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Phái đẹp, một nửa nhân loại của chúng ta có biết bao nhiêu nhà thơ từ xưa đến nay. Khi tôi tìm kiếm những câu thơ mà tôi cho là hay để đưa vào cuốn “Những câu thơ hay Đông-Tây-Kim-Cổ” (Nhà xuất bản giáo dục năm 2013) tôi mới biết được nhiều điều mà lâu nay tôi chưa hiểu hết.
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Màu Giêng

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Màu Giêng

(GLO)- Nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ miêu tả một bức tranh đồng quê rực rỡ hương sắc cỏ hoa, cây trái. Vẫn là con đường, cánh đồng ấy nhưng như được khoác lên mình một tấm áo mới tươi tắn, rộn ràng... được ông đặt tên là "Màu Giêng".