Mùa ốc đá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khi những mỏm đá ven sông bắt đầu nhô lên giữa làn nước cũng là lúc loài ốc đá trườn lên tìm thức ăn cho đến hết mùa khô.
Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, Trạm xá xã Ya Ma (huyện Kông Chro) là nơi những cán bộ đi công tác xa như tôi thường vào trọ. Trạm xá nằm sát mé sông nên tôi mới có cơ hội biết đến loài ốc đá. Thì ra, ốc đá là món ưa thích của người dân nơi đây vào những lúc khan hiếm thực phẩm, đồng thời cũng là món đổi bữa thay cho cá khô, rau rừng.
Chiều xuống là lúc cả nhóm y tá, y sĩ của trạm xá rủ nhau ra sông, tập trung vào những bãi đá nhấp nhô để vừa tắm vừa bắt ốc. Hồi ấy, ốc rất nhiều; chúng sống ẩn mình trong khe đá, thân mình đen trũi, con lớn nhất chỉ bằng ngón tay cái. Cứ bắt vài hôm, nghỉ vài hôm, kéo dài suốt mùa khô. Các chị em nữ không dám ra chỗ vũng nước sâu thì cứ bám trên các lèn đá thò tay xuống nước, vuốt lên là có cả nắm tay. Nhóm thanh niên chúng tôi còn có sáng kiến làm thêm gương lặn bằng tấm kính trong 5 ly cắt hình bầu dục, lấy ruột xe ô tô kẹp vòng tấm kính, sau đó mắc một sợi dây thun tròng qua ót. Vậy là có tấm kính bịt mặt, lặn lâu mà không bị rát mắt. Chúng tôi bơi ra các vũng sâu ngập đầu người, nín thở lặn xuống quan sát hông các gộp đá thì thấy ốc bám dày đặc. 2 tay bụm lại, chúng tôi hốt ốc đá lên rồi chọn những con lớn cho vào túi vải, con nhỏ bỏ lại. Lặn chừng nửa giờ có cả rổ to mang về.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Sau khi chặt đuôi, rửa sạch, ngâm nước ớt chừng 1 giờ cho ốc nhả nhớt, rong, cát ra, các chị em trổ tài nấu những món ăn chiều rất hấp dẫn. Ốc đá nấu canh, ốc đá luộc, ốc đá xào sả ớt. Trong số này, món tôi thích nhất là ốc lể xào lá lốt. Sau khi trụng ốc qua nước sôi vài phút đổ ra, ta cắm cây gai bưởi vào miệng ốc sẽ rút ra được trọn vẹn ruột ốc. Nắm lá lốt hái bờ sông rửa sạch để sẵn, bắc chảo phi mỡ hành cho thơm rồi bỏ ruột ốc vào đảo qua cho chín, nêm gia vị xong mới cho lá lốt cắt nhỏ vào đảo tiếp vài lần rồi đổ ra tô, mùi thơm bốc lên ngào ngạt. Tôi nhón lên một con, chấm vào chén nước chấm giã ngò gai với sả ớt, đưa vào miệng nhai nhẹ. Thịt ốc dai dai, giòn giòn, ngấm mùi gia vị dầu hành, mùi thơm của lá lốt làm dậy lên một hương vị đặc trưng. Phải nhai thật chậm rãi mới cảm nhận hết vị ngon riêng có của sản vật vùng sông nước này. Trên mâm còn có tô ốc xào sả ớt thơm lừng, bắt mắt. Ốc vừa cay nồng vị ớt, vị béo của dầu, thơm lựng của sả, rất gần gũi nhưng cũng thật lạ miệng. Bát canh ốc nấu lá giang, rau dớn và một ít rau rừng khi chan cơm cũng thành một món ngon khó cưỡng.
Những ngày nghỉ, vào đêm trăng sáng, chúng tôi thường tụ tập nhau dưới những tàng cây to che rợp trước sân trạm xá. Bên thau ốc đá xào sả ớt và ché rượu cần, chúng tôi vừa nhâm nhi vừa tâm sự chuyện công tác, dạy cho nhau những câu, tiếng Bahnar “bỏ túi” khi vào làng gặp gỡ người dân. Các chị, các em y tá, y sĩ, bệnh nhân sắp ra viện cũng ham vui ngồi vào góp chuyện, lúc ngẫu hứng còn ca lên vài bài với cây đàn guitar, đưa thanh âm vang vọng núi rừng.
Những ngày công tác xuống làng, tôi thấy trong mâm cơm các gia đình Bahnar cũng có nồi ốc đá, ngoài ra còn có 1 giỏ vỏ ốc khô treo gần bếp. Tôi thấy lạ dò hỏi thì được các mẹ cho biết đó là nguyên liệu làm ra vôi. Sau đó tôi mới được chứng kiến cách làm. Các mẹ bỏ vỏ ốc vào một chum sành đậy nắp bằng đất sét, đốt lửa than hầm xung quanh chum, khoảng gần non buổi mở nắp ra thì vỏ ốc đen trũi đã biến thành màu trắng đục. Rưới tí nước lã vào, vỏ ốc sôi lên và nghếu ra bột. Vôi ốc được các mẹ dùng để pha trộn vào các chất nhuộm vải. Đặc biệt hơn, trong các lễ hội, để có màu trắng sơn lên các cây gỗ, tượng, cột Klao, nhà mới…, các nghệ nhân dùng vôi ốc pha trộn thêm một ít nước da trâu nấu sôi để có độ kết dính và bền màu hơn. Những chiếc chuồng gà, sàn nhà lâu ngày sinh ra con mạt, con bọ chét thì cũng dùng nước vôi này để vẩy lên xua đuổi. Không biết từ khi nào người dân ở vùng rừng núi đã biết cách dùng vôi từ nguyên liệu ốc đá để khử trùng như vậy.
Gần đây, tôi có dịp về thăm lại Kông Chro. Trạm xá xã Ya Ma xưa giờ là Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện. Bến sông xưa nay đã trở thành một hồ nước mênh mông sau khi con đập Đak Srông chắn ngang sông phía hạ lưu chừng 1 km để làm thủy điện. Trong thời buổi thịt cá đủ đầy, món ăn ốc đá quê hương trước kia đã làm dậy lên trong tôi nỗi nhớ. Đứng trên cầu nhìn xuống hồ nước mênh mông, những ký ức tươi đẹp, nổi sôi lại ùa về.
AN SINH

Có thể bạn quan tâm

Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đặng Phan Chung tặng quà cho bà Nguyễn Thị Sự (dân công hỏa tuyến, xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện). Ảnh: Vũ Chi

Thăm, tặng quà thân nhân, chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ tại các huyện Ia Pa, Phú Thiện và Krông Pa

(GLO)- Ngày 2-5, đoàn công tác do ông Đặng Phan Chung-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai làm trưởng đoàn đã đến thăm, tặng quà gia đình thân nhân, chiến sĩ Điện Biên trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đang sinh sống tại các huyện Ia Pa, Phú Thiện và Krông Pa.
Sức sống mới ở xã Anh hùng Ia Hrung

Sức sống mới ở xã Anh hùng Ia Hrung

(GLO)- Trong không khí sôi động của những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi về thăm xã Anh hùng Ia Hrung (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai). Nhiều công trình dân sinh được đầu tư, những ngôi nhà mới khang trang, đường bê tông sạch sẽ... là minh chứng cho sự khởi sắc của vùng quê nghèo.
Về Hà Đông ngắm nhà sàn vách đất

Về Hà Đông ngắm nhà sàn vách đất

(GLO)- Trên địa bàn xã Hà Đông (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) hiện còn 12 nếp nhà sàn vách đất, lợp mái ngói. Chẳng phải do đời sống khó khăn, mà kiểu nhà ấy phù hợp với điều kiện khí hậu nơi này, còn gia chủ thì luôn mong muốn bảo tồn giá trị truyền thống đặc sắc của dân tộc.
Hội Nông dân Trà Đa hướng hoạt động về cơ sở

Hội Nông dân Trà Đa hướng hoạt động về cơ sở

(GLO)- Những năm qua, Hội Nông dân xã Trà Đa (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) luôn đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng thiết thực, gắn với sản xuất và đời sống của hội viên. Qua đó đã giúp nhiều hội viên nông dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, góp phần xây dựng địa phương.
Lần đầu đến Krong

Lần đầu đến Krong

(GLO)- Cho đến thập niên 90 của thế kỷ trước, những người có mặt ở Gia Lai sau năm 1975 như chúng tôi cũng chỉ nghe nói đến căn cứ địa cách mạng Krong chứ không mấy ai vào được nơi này, bởi điều kiện giao thông và phương tiện đi lại vô cùng gian khó.
Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

Tặng mái ấm cho học sinh nghèo xã Pờ Tó

(GLO)- Sáng 25-4, thầy giáo Vũ Văn Tùng-đại diện “Tủ bánh mì 0 đồng” phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Ia Pa tặng ngôi nhà cho gia đình em Nay H'Lại (lớp 6, Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp, xã Pờ Tó).
Phú An chuyển mình

Phú An chuyển mình

(GLO)- Từ vùng quê nghèo đói ngày nào, Phú An trở thành một trong những xã đầu tiên của huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) “về đích” nông thôn mới.
Pleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

E-magazinePleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

(GLO)-Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Pleiku đã chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, phát huy bản lĩnh, trí tuệ để kiến thiết, xây dựng quê hương. Từ một thị xã hoang tàn sau chiến tranh, Pleiku đã phát triển mạnh mẽ và trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.