Mùa hái cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tây Nguyên vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 Âm lịch hàng năm trên các sườn đồi, dưới thung lũng dã quỳ nở hoa vàng rực. Cà phê cũng đang chín đỏ vườn và ta luôn nghe âm thanh đã trở nên quen thuộc: tiếng lộp bộp như mưa của những quả cà phê rơi xuống nền bạt. Đang vào mùa thu hoạch, vui đấy nhưng cũng lắm nhọc nhằn...

Làm cà phê cũng một nắng hai sương

Nhiều người ở đồng bằng mới lên Tây Nguyên tưởng rằng làm cà phê dễ ăn hơn làm lúa. Thì cứ đến kỳ thu hoạch lại vào vườn hái quả sau đó cân cho đại lý, lấy tiền, nghe thì dễ nhưng để có được thành quả ấy nhà vườn đã đổ mồ hôi không ít, họ cũng sớm khuya vất vả không thua kém người trồng lúa. Vốn chỗ quen biết lâu nay nên khi nghe tôi hỏi thăm chuyện làm cà phê, chị Lê Thị Ngân (ở khối phố 5, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) không ngại tâm sự: Chị mua lại vườn cà phê 1.200 cây (hơn 1 ha) tại xã Ia Pếch, cách nhà gần 10 km. Chủ cũ trồng vườn cây thiếu đầu tư vật tư, phân bón nên chị phải bỏ công chăm sóc mất gần 4 năm mới bước vào kinh doanh được hai vụ gần đây. Chỉ trừ những lúc phải lo hiếu hỷ, còn thì quanh năm chị hầu như ở luôn trong vườn làm đến tối mịt mới về, việc nhà giao cho cô con gái lớn học cấp II. Thấy vậy mà cũng lắm việc: Nào vỏ trấu, phân chuồng bón gốc, đặc biệt là ba bốn đợt tưới, sau mỗi đợt lại bón thêm phân hóa học, phun thuốc bảo vệ thực vật, làm cành, bấm tỉa chồi... sức yếu nên tất tần tật chị đều thuê mướn thêm người làm, ngốn không biết bao nhiêu tiền. Đã vậy, nhân công không dễ kiếm bởi trong vùng này hầu như ai cũng có vườn cà phê nên chủ yếu họ dành thời gian chăm sóc vườn cà phê của mình, họa hoằn lắm mới đi làm thuê sau khi đã xong việc vườn nhà.

 

 Nông dân thu hoạch cà phê.
Nông dân thu hoạch cà phê.

Nhọc nhất là khâu tưới. Tưới cà phê không như tưới rau. Nước từ dưới suối bơm lên qua đường ống đặt sẵn chôn dưới đất, sau đó nối ống vào họng nước rồi kéo qua tưới vào các bồn, ống nước đường kính 60 cm, dài hàng mấy chục mét đầy nước rất nặng, người không có sức khỏe tốt không kham nổi. Mỗi đợt tưới vườn phải mất ba đến bốn ngày mới xong. Vườn nào lắp đặt được hệ thống tưới bằng điện thì đỡ nhọc hơn nhiều!

Thời gian chăm sóc cây cà phê phát triển, nuôi quả lớn để cho thu hái là cả một quá trình tiêu tốn công sức và tiền bạc khá lớn, nếu nhà vườn nào không tích lũy thì gặp nguy. Chị Ngân tính cho tôi nghe sơ sơ tiền phân bón (phân chuồng và phân hóa học), tiền thuốc bảo vệ thực vật, tiền công bón phân, mấy đợt làm cành, làm cỏ, phun thuốc và hái cà phê 1.200 cây của chị ngốn gần 70 triệu đồng cho mỗi vụ. Vườn mới vào kinh doanh vài năm nên chỉ thu được khoảng 11-12 tấn (tươi), không lời bao nhiêu, vài ba vụ nữa thu trên 20 tấn thì mới cho lời nhiều hơn. Những nhà chuyên sống bằng cà phê thì chủ yếu lấy công làm lời nên sau mỗi vụ cũng khá dư dả!

Rộn ràng vào vụ

Năm nào cũng vậy cứ bước vào mùa thu hoạch là người từ các tỉnh đồng bằng lên, từ Bắc vào, Tây Nguyên đông hẳn. Nhiều người làm công lâu năm nên cũng đã quen đất, quen việc, họ thường chia thành nhiều nhóm, có nhóm vào tận Lâm Đồng, Đak Nông, nhóm thì vào Đak Lak, Gia Lai, hành lý mang theo gọn nhẹ, chủ yếu vài bộ quần áo đi đường và quần áo lao động, vài bộ bao tay. Ấy là chưa kể đến những nhà vườn nuôi sẵn người làm, ngày thường chăm sóc vườn cây và đến kỳ thu hoạch thì hàng ngày hái dần mà cũng phải thuê mướn thêm nhân công. Mấy năm nay giá thuê nhân công không tăng, trung bình 150 ngàn đồng-160 ngàn đồng/ngày/người, nhà chủ hỗ trợ thêm tiền gạo hoặc thức ăn.

 

Tổng diện tích trồng cà phê hiện nay của cả nước là trên 653.000 ha, trong đó Đak Lak hơn 200.000 ha, Lâm Đồng hơn 150.000 ha, Đak Nông hơn 122.000 ha, Gia Lai hơn 78.000 ha... Cà phê Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang thị trường 70 quốc gia trên thế giới, trong đó có 14 thị trường đứng đầu, chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê cả nước. Bộ Nông nghiệp Mỹ USDA dự báo niên vụ 2015-2016 sản lượng cà phê Việt Nam được điều chỉnh giảm 1,1 triệu bao xuống còn 28,6 triệu bao (tương đương 1,7 triệu tấn) do năng suất đạt thấp.

Khi vườn cà phê đã có quả chín trên cây khoảng 60-70% là có thể cho thu hái. Nhà vườn nào cũng chuẩn bị hơn chục chiếc bạt lớn, loại bạt dài 4-5 mét và ba bốn chục chiếc bao (loại trên 50 kg) để hái cà phê. Đất vườn thường dốc nên phải hái theo hàng ngang để dễ kéo bạt qua các cây. Cứ hai người một cây, trải bạt vòng kín gốc. Mang bao tay, cứ thế vặn tuốt từng chùm mặc cho quả rơi xuống đã có bạt hứng bên dưới. Thấy thì dễ làm nhưng không quen chỉ tuốt chừng vài cây đã bã tay và làm cũng phải rất cẩn thận, tránh làm gãy những cành sẽ cho quả mùa sau. Xong một hàng thì mang ra trút bao, đóng và khâu miệng bao đã có người khác làm. Cứ thế hết hàng này đến hàng khác, hết lô này đến lô khác, tay cứ mải miết. Chủ vườn đã làm việc với đại lý nên đến chiều tối xe tải vào cân, hai bên ký nhận số lượng cà phê hái trong ngày.

Nhận hái cà phê cho chị Ngân là 2 anh Nguyễn Kim Ba và Lê Đình Trọng ở thôn Mỹ Trung, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Làm nông bây giờ lắm lúc nông nhàn, thanh niên dưới quê đều vào làm công nhân trong các xí nghiệp gỗ ở Phú Tài, ruộng vườn giao lại cho vợ trông coi. Số lớn tuổi hơn như anh Ba, anh Trọng thì làm “thợ đụng” nghĩa là gặp người ta thuê mướn việc gì thì nhận làm việc ấy, có đợt lên Tây Nguyên cả tháng hái tiêu, hái cà phê. Đợt này hai anh làm lán ở luôn ngoài vườn cà phê cho tiện, ăn uống và tiền xe đi lại chị Ngân hỗ trợ. Lương công nhật là 160 ngàn đồng/ngày/người với điều kiện phải hái được ít nhất 1,8 tạ/ngày, bằng không thì hái khoán. Trên 50, 60 tuổi và đã quen lao động chân tay như hai anh nên cuối đợt (thường khoảng nửa tháng) mỗi anh cũng mang về một khoản tiền kha khá cho gia đình.

Những nhà vườn có kinh nghiệm cho biết năm nay thời tiết không thuận lợi, mưa ít mà lại mưa sớm nên năng suất cà phê không cao hơn năm trước. Đã vậy giá cà phê cũng không tăng, đến ngày 7-11-2015 chỉ đạt 35,5 triệu đồng/tấn nhân, thấp hơn so với cùng thời điểm năm trước là 39,2 triệu đồng đến 40,1 triệu đồng/tấn. Tuy vậy các nhà vườn vẫn khẳng định: Lời ít lời nhiều gì thì cũng phải bám vườn mà sống!

Nếu tính từ thời hoàng kim của cà phê năm 1995 đến nay, người trồng cà phê đã qua nhiều cuộc “bể dâu” do giá cả thất thường. Song đến nay cà phê vẫn tiếp tục khẳng định vai trò là một trong các loại cây trồng chủ lực của Tây Nguyên, mang lại cuộc sống ổn định cho người trồng cà phê và tạo việc làm thu nhập khá cao cho người lao động. Làm cà phê vốn nhọc nhằn nhưng nếu thiếu công việc này, bao nhiêu gia đình sẽ lâm vào cảnh khó khăn, túng thiếu.

Vậy đó, những ngày này Tây Nguyên cứ như vào một vòng quay, hái cà phê xong là lại tất bật vào mùa tưới...

 Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm

Sản phẩm bò một nắng Mười Đức (huyện Krông Pa) đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Ảnh: N.D

Chương trình OCOP: Động lực phát triển kinh tế nông thôn

(GLO)- Sau 5 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều loại nông-lâm-thủy sản đặc trưng của tỉnh được đầu tư khai thác, chế biến thành sản phẩm OCOP, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn của tỉnh.

Dự án trụ sở HĐND-UBND TP. Pleiku đang được đơn vị thi công gấp rút hoàn thành các hạng mục còn lại. Ảnh: Q.T

Pleiku tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

(GLO)- Ủy ban nhân dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đang tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và các xã, phường quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn. Thành phố quyết tâm đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên 95% theo kế hoạch.

Nhà máy chế biến nông sản Olam của Chi nhánh Công ty TNHH Olam Việt Nam tại Gia Lai. Ảnh: H.D

Gia Lai đa dạng hình thức thu hút đầu tư FDI

(GLO)- Gia Lai đang đa dạng hóa các hình thức thu hút đầu tư, trong đó có các dự án đầu tư nước ngoài (FDI). Đây là cơ sở để các dự án FDI trên địa bàn tỉnh sẽ tăng cả về số lượng và chất lượng trong thời gian tới.

Sản phẩm được trao giải thưởng Mai An Tiêm của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang. ở xã Nam Yang, huyện Đak Đoa. *Ảnh: Hoàng Cư

Gia Lai có 3 sản phẩm được trao giải thưởng Mai An Tiêm

(GLO)- Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân mới ký quyết định công nhận danh hiệu sản phẩm tiêu biểu của Hợp tác xã năm 2024 và trao giải thưởng Mai An Tiêm lần thứ nhất. Toàn quốc có 100 sản phẩm thì Gia Lai có 3 sản phẩm được công nhận danh hiệu sản phẩm tiêu biểu của Hợp tác xã năm 2024 và trao giải thưởng Mai An Tiêm

Nhiều hội viên nông hội mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: H.D

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho nông hội

(GLO)- Mô hình nông hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần giúp nông dân chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng giá trị các sản phẩm.