Viết nhiều, viết hay về Hà Nội bằng thể loại tùy bút, đoản văn, có lẽ ít người có thể sánh được với nhà văn Băng Sơn. Những trang viết của ông thấm đẫm chất thơ và tình yêu Hà Nội, với những kiến thức đầy lý thú về mảnh đất kinh kỳ, qua sự “công phu đào sâu vào từng góc nhỏ của xã hội” của một con mắt tinh tế, giàu cảm xúc.
Nhà văn Băng Sơn tên thật là Trần Quang Bốn, sinh ngày 18-12-1932, quê ở Bình Lục, Hà Nam, nhưng ông lại sinh ra và lớn lên ở Cẩm Giàng, Hải Dương, và mảnh đất Hà thành lại là nơi ông bắt đầu với sự nghiệp văn chương.
Một tác phẩm của nhà văn Băng Sơn. |
Băng Sơn làm thơ và viết văn từ năm 1949 và đã có nhiều tác phẩm được đăng báo từ thủa đang còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhưng đến năm 1975, ông chuyển qua viết văn xuôi. Lúc đó, ông bảo: “Phải viết văn mới biểu diễn hết những cái mà mình chất chứa trong tâm hồn về con người, về cuộc sống, về quê hương, đất nước, đặc biệt là về Hà Nội mến yêu”.
Băng Sơn yêu Hà Nội theo cách riêng của mình. Bước chân ông đã đặt lên hầu hết khắp các nẻo đường, các khu phố, ngõ ngách. Ông la cà quán cóc, vỉa hè. Ông tìm đến những hàng ăn uống với các thứ “quà” Hà Nội để nhìn ngắm, suy ngẫm và để viết về tất cả những gì mà Hà Nội đang có. Tất cả những gì thuộc về Hà Nội, của Hà Nội dường như đã ăn sâu vào trong trí não, tâm hồn, con người ông.
Theo nhà thơ Vân Long, Băng Sơn mặc dù lớn lên ở Cẩm Giàng, nhưng cái phong thái, phẩm chất hoàn toàn là của người Hà Nội, đầy ắp cái chất Hà Nội trong người cho nên ông ấy viết ra là nó có cái lửa, cái tâm của người Hà Nội.
Đầu tiên là nói về văn hóa, ẩm thực thì ông có cái tinh và sành như là Thạch Lam ngày xưa. Cái thứ hai nữa là trong cách sống, cách chơi ông cũng rất hào hoa. Thí dụ như thích chơi đào thế chẳng hạn, ông ý rất kỵ cái đào nơm, bởi nó hàng loạt, nên dù nó nhiều nụ đến mấy cũng không hay mà phải là cái thế cơ, thế của gốc, thế của cành, làm sao cái cành, cái thế ý Hà Nội chỉ có một mình ông ý có, và mặc dù tiền không nhiều lắm nhưng mà Băng Sơn vẫn tìm mọi cách để có được nó, thế thì đấy chính là cách chơi của tài tử người Hà Nội.
Viết nhiều về Hà Nội, nhưng có lẽ, điều làm nên thương hiệu Băng Sơn chính là những đoản văn và tùy bút viết về Hà Nội. Theo cách của ông, đoản văn thì ngắn (khoảng 1 trang giấy khổ A4), còn tùy bút thì dài chừng 3.000 chữ. Cho đến bây giờ, ông đã có trong tay hơn 3.000 tác phẩm, và có tới 95% trong số đó đã được đăng tải hoặc in tuyển tập.
Nhà văn Băng Sơn tự nhận, ông chỉ viết văn theo hứng và tùy hứng để viết. Có lẽ chính vì vậy mà tùy bút của Băng Sơn luôn giàu chất thơ, tiết tấu nhẹ nhàng như một giai điệu trữ tình sâu lắng, tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc như “Thú ăn chơi của người Hà Nội” (4 tập), “Đường vào Hà Nội”, “Dòng sông Hà Nội”, “Phập phồng Hà Nội”, “Hà Nội 36 phố phường”.
Đọc các tác phẩm của Băng Sơn, chúng ta sẽ thấy một Hà Nội nhiều nét hào hoa. Mỗi góc phố, mỗi con đường, gốc cây, mỗi tính cách, mỗi tà áo dài qua phố đều nhắc nhở về nét hào hoa thanh lịch, về vẻ đẹp nghìn năm tiềm ẩn trong muôn mặt cuộc đời.
Yêu tất cả những cái gì thuộc về Hà Nội và viết về tất cả những gì mà Hà Nội có, nhưng đứa con tinh thần về Hà Nội mà nhà văn Băng Sơn tâm đắc nhất chính là cuốn “Thú ăn chơi của người Hà Nội.” Từ cuốn sách được biên khảo công phu này, văn hóa của người Hà thành đã hiện lên qua ngòi bút của nhà văn Băng Sơn với những đặc trưng riêng với tất cả độ cầu kỳ và tinh tế.
Yêu Hà Nội nên ông đã từng tâm niệm “Còn sống, còn viết về Hà Nội”. Và trong tùy bút “Nét đan thanh Hà Nội”, ông viết “Chỉ vì yêu Hà Nội quá, đẹp đến thiêng liêng nên ta không thể nào theo kịp, không thể nào mang hồn ta bé nhỏ ra mà đong đếm, giống như ta hiếu thảo cũng không thể đo hết lòng mẹ, tình mẹ đã cho ta. Và như vậy, ta vui sướng được là một nét đan thanh trong bức tranh muôn đời Hà Nội, đã vẽ và đang còn vẽ tiếp”.
Thế nhưng, nhẹ nhàng như một chiếc lá chạm vào gió thu se lạnh, một tâm hồn lãng mạn, một cây bút tinh tế về Hà Nội 36 phố phường đã về với đất mẹ, đúng những ngày Hà Nội rạo rực chào đón lễ kỷ niệm ngàn năm. Nhà văn Băng Sơn đã trút hơi thở cuối cùng vào một buổi sáng ngày 3-9-2009 tại nhà riêng sau một thời gian dài lâm trọng bệnh.
Suốt một cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp văn học nước nhà, ông đã tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý của nhà nước như Huy chương vì sự nghiệp văn hóa, Huy chương vì sự nghiệp giáo dục thanh thiếu nhi. Cuối năm 2009, ông được chọn vào danh sách đề cử giải thưởng lớn trong giải thưởng “Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội”.
Theo TTXVN