Chiều nay ngồi cà phê, Trường nói với tôi có sách báo cũ gì của con cháu hay người quen thì gom lại đưa cho nó gửi về quê. Tôi nghĩ đến mớ sách của hai đứa con chất thành đống phủ bụi trong phòng liền gật đầu.
Minh họa: HIỂN TRÍ |
Trường nói thầy Sang nay về hưu, đang mở một thư viện nhỏ tại nhà cho ai muốn đọc thì tới mượn, còn sách giáo khoa cũ thì cho mấy đứa nhỏ khó khăn trong làng, trong xã. Nhiều đứa học trò chẳng có tiền mua sách. Nhấp ngụm cà phê, Trường nói bây giờ thầy Sang vẫn còn nuôi heo như hồi trước đó.
Nhắc đến thầy, tôi lại bồi hồi nhớ dáng người gầy gò vẫn hay cọc cạch đạp xe đến trường mỗi sáng tinh mơ. Nhà tôi và Trường cuối làng, ngược lên đi qua một quãng đồng là đến nhà thầy. Năm chúng tôi học cấp 2, thầy Sang mới qua ba mươi tuổi.
Hồi ấy, bà nội tôi hay nói thầy tên Sang mà chẳng sang chút nào. Ấy là lúc bà đang ngồi chân thấp chân cao ở thềm nhà xước trái cau rồi bổ làm tư, quẹt ít vôi lên nửa lá trầu rồi bỏ vào miệng vừa bỏm bẻm nhai vừa ngó ra đường.
Tôi nhìn theo ánh mắt của bà, thấy thầy Sang đang rướn người, kéo mớ dây bìm bìm phủ kín mấy cái cây ven đường trông chẳng khác nào những chiếc ô màu xanh.
Thầy thoăn thoắt hái mớ lá bỏ vào cái bao tời bên cạnh, chốc chốc lại cúi xuống lèn chặt cái bao. Đang định chạy đi chơi, thấy bóng thầy ngoài đường tôi nhanh chân lủi vào nhà bởi nếu thấy tôi kiểu gì thầy cũng bảo “bài tập thầy giao làm xong chưa mà đã đi chơi vậy Hiếu?”.
Bà nội nói thầy giáo là phải ngồi ở bàn trà nước có mấy cuốn sách dày cộm bên cạnh, thảnh thơi lật giở hết trang này đến trang sách khác chứ có đâu như thầy bây. Một buổi đi dạy, còn một buổi thầy xắn quần chân cao chân thấp vác cuốc ra đồng hay đi hái rau về cho heo ăn như mấy người đàn bà trong xóm.
Tôi định gân cổ cãi nội nhưng lại thoáng thấy cái bóng thầy đạp xe chở theo một bao đầy lá bìm bìm sau lưng khiến tôi im lặng. Mà cũng lạ, hình ảnh thầy Sang những giờ cầm phấn viết lên bảng mớ hằng đẳng thức đáng nhớ với thầy Sang đi hái rau cho heo sao mà khác nhau đến như vậy.
Xã miền sơn cước của chúng tôi nằm heo hút, trùng điệp núi non chạy đến tận chân trời. Sáng sớm, sương đẫm những vạt cỏ vệ đường, tôi sang nhà gọi Trường rồi cùng đi bộ đến lớp.
Đôi dép Trường mòn vẹt, chiếc bên phải lủng một lổ to tướng mà thím nó vẫn chưa chịu mua cho đôi mới. Tôi nghe có mùi cao su cháy. Nó bảo cái mũi tôi thính. Đêm qua, chú nó cắt cái lốp xe đạp, nung cái dao trong bếp lửa cho đỏ rực lên rồi vá dép cho nó. Đôi dép nó vá víu hết chỗ này đến chỗ kia.
Trường tôi cũ kỹ, tường vôi nguyên thủy màu vàng nhưng mưa nắng làm cho bạc thếch, có những mảng tường xám ngoét hay lún phún rêu bởi những cơn mưa kéo dài nhiều ngày. Những cạnh tường sứt mẻ, lởm chởm.
Những cánh cửa sổ được sơn màu xanh, thỉnh thoảng gió mạnh lại rung lên và kêu kèn kẹt. Mấy cây bàng già trong sân trường cứ thay lá hết mùa này đến mùa khác. Mới thoáng thấy mấy cái lá non tơ, bé xíu vậy mà ngoảnh đi ngoảnh lại đã thấy lá vàng trút đầy sân trường.
Giờ ra chơi, tôi và Trường thường lấy dép chọi những trái bàng chín vàng lấp ló trên cành lá. Bàng rụng xuống, tôi nhanh tay lượm rồi lấy đá ghè cho trái vỡ ra để lấy cái nhân bé tí bùi bùi bên trong bỏ vào miệng nhai ngon lành.
Mủ bàng văng ra dính trên áo, kiểu gì bà nội lại vừa giặt áo vừa la tôi om sòm. Mỗi bận tôi đập trái bàng, Trường né sang một bên bởi lỡ dính mủ sẽ không có áo đi học và có thể bị một trận đòn nhừ xương của thím nó.
*
* *
Ba mẹ tôi vắng nhà biền biệt. Họ nói lên thành phố làm công nhân gửi tiền về nuôi tôi. Tôi chẳng biết thành phố ở đâu, chỉ thấy vài ba tháng ông bưu tá ghé nhà bảo nội tôi ra bưu điện nhận tiền. Từng đồng tiền ít ỏi ba mẹ gửi về, nội chắt bóp với mớ rau cỏ trong vườn nuôi tôi lớn. Tôi cũng không muộn phiền gì nhiều bởi tôi sống với nội từ nhỏ cũng quen rồi.
Có lẽ do hoàn cảnh không sống với cha mẹ nên tôi và Trường thân thiết dẫu trong xóm cũng có nhiều đứa trạc tuổi. Trường ở với chú thím. Mẹ mất sớm, ba gửi nó cho chú thím nuôi rồi đi biệt hơn chục năm trời.
Nghe nói cha nó đã có vợ mới cùng những đứa con mới. Trường nói không nhớ mặt cha, cũng chẳng biết người cha ấy có khi nào nhớ nó không. Thím nó vì sợ người ta nói ra nói vào nên bấm bụng cho Trường đi học nhưng ánh mắt thím luôn nhìn nó liếc ngang liếc dọc.
Một buổi đi học, một buổi Trường phải ra đồng phụ chú. Mà chẳng phải chuyện thảnh thơi như giữ trâu, chăn bò như tụi con nít trong làng. Trường gồng mình cuốc đất, chặt bờ, tới mùa lúa thì gặt lúa, tuốt lúa…
Thỉnh thoảng tôi nhìn thấy những vết bầm dài trên cánh tay Trường. Nó vừa kéo tay áo che kín vừa bảo bị thím đánh suốt, toàn lựa những lúc chú nó không có nhà. Chú thương đứa cháu côi cút nhưng suy cho cùng thím nó có máu mủ ruột rà gì đâu mà thương.
Trường sợ chú muộn phiền nên những trận đòn Trường thường giấu giếm. Lạ lùng là Trường làm đồng cực nhọc, đêm về có khi còn ngồi lặt đậu phụng, tẻ bắp mà nó học giỏi nhất trường. Mấy bài toán thầy Sang ghi trên bảng, trong lúc chúng tôi vò đầu bứt tai thì Trường đã xung phong lên giải. Thầy Sang lúc nào cũng khen, bảo nó sáng dạ, ráng học cho giỏi mai mốt thi đại học. Nghe đến hai chữ đại học nó cúi gằm mặt, mắt buồn thiu.
Thím hay than với người này người kia nuôi ba đứa con lại cộng thêm thằng Trường cực nhọc quá! Phải chi ba nó biết điều tháng gửi về ít đồng cũng đỡ, đằng này quăng con cho thím như quăng một cục nợ.
Thím nói, để thằng Trường học hết lớp 9 rồi cho nghỉ. Học chừng đó đủ rồi, với lại nhà nghèo quá, học mãi chẳng biết có nên cơm nên cháo gì không. Học kỳ 2 lớp 9 năm đó, thím không đóng học phí. Nhà trường nhắc hoài, rồi bảo về mời phụ huynh lên, Trường chỉ im lặng. Mấy bữa sau nó nghỉ học.
*
* *
Thầy Sang qua nhà tìm, đúng lúc thấy Trường nhỏ thó vác trên vai chiếc cày thả xuống bụi chuối sau nhà. Thím nó mắng té tát mấy đứa con mải chơi quên quét nhà vừa nói với thầy rằng mình không có tiền đóng học phí cho thằng Trường đâu, bảo thầy về đi.
Vẻ mặt Trường đau khổ, nhìn thầy Sang không nói tiếng nào. Thầy nhìn đứa học trò rồi bảo với thím để mình đóng học phí, lo tiền học, miễn là thím cho nó đến trường. Thím chụp ngay câu nói của thầy “là thầy nói đấy nhé!”.
Nhà cùng làng nhưng tôi chẳng khi nào đặt chân tới nhà thầy cho đến khi thầy bảo tối tối mấy đứa rảnh qua học phụ đạo, thầy dạy miễn phí. Lúc đó tôi mới biết nhà thầy cũng nghèo y hệt nhà bà nội tôi vậy. Ba mẹ thầy cũng làm nông, tối tối họ hay ngồi ngoài sân uống nước chè nói chuyện. Đến riết rồi quen, có khi chúng tôi đến sớm, thấy thầy đang múc cám cho heo ăn.
Má thầy nói thầy nuôi cũng mấy chục con heo rồi. Một buổi đi dạy, một buổi đi hái rau, bứt bìm bìm, cắt môn về nuôi heo. Mà phải chi nuôi heo để dành tiền cưới vợ cũng được, đằng này bao nhiêu lứa heo bán được, thầy đều để dành mua sách vở, đóng học phí cho đứa này đứa kia trong làng, rồi cả làng bên kia nữa. Tôi và Trường nhìn nhau sững sờ, giờ mới hiểu, số tiền để đóng học cho Trường ở đâu mà ra.
Bà nội tôi kể thầy Sang hồi trước đỗ đại học khiến cả làng sửng sốt. Hồi đó, chuyện đậu đại học ở cái xứ thắt thẻo này nghe cứ xa xôi như chuyện hái sao trên trời vậy. Thầy học xong, tưởng ở lại thành phố, kiếm chuyện ngon lành làm vậy mà về quê làm một anh thầy giáo làng rồi nuôi gà, nuôi heo…
Hồi chúng tôi còn ở làng, nghe người ta cười thầy Sang nhiều lắm. Tụi con nít chẳng biết ai chỉ mà mỗi lần thấy thầy đạp xe đi qua thì đọc: “Nghe vẻ nghe ve/ Có ông thầy giáo/ Suốt ngày đi dạo/ Để kiếm rau heo…”.
Thầy Sang nghe được, chỉ cười. Còn chúng tôi hễ nghe chúng đọc vè thì rượt tụi nó chạy khắp đồng.
*
* *
Trường cùng tôi lên thị trấn học cấp ba. Thím nó cau có vì không có người làm đồng phụ nhưng cũng không cản được vì thầy Sang cho tiền đóng học phí, rồi tiền ăn, tiền trọ thầy cũng lo nốt.
Chúng tôi cùng nhận giấy trúng tuyển đại học một lần, điều đó làm cả làng sửng sốt. Thầy Sang vẫn một buổi làm anh giáo làng, một buổi hái rau nuôi đàn heo, nuôi thêm gà để kiếm từng đồng nuôi mấy đứa học trò. Thầy trở thành ông thầy nghèo nhất làng, nhất xã nên rốt cuộc chẳng cô nào chịu về làm vợ, thầy ở một mình đến tận bây giờ.
Một năm nào đó ba Trường về quê. Cha con gặp mặt nhau mà nhạt nhẽo chẳng khác người dưng. Chiều đó Trường trốn sang nhà thầy Sang ngồi đến tối mịt. Trường nói, ở một kiếp nào đó có khi thầy Sang là cha ruột của nó chứ chẳng phải người đàn ông kia.
Sau bận đó thì cha nó không về nữa. Trường nhận thầy Sang làm cha. Ngày Trường làm lễ tốt nghiệp đại học, thầy Sang bắt xe đò lên thành phố. Lúc người ta đọc tên nó lên nhận bằng, tôi quay qua thấy thầy kéo áo lau nước mắt.
Chúng tôi ra trường, cùng trụ lại thành phố. Trường trích ra số lương hàng tháng gửi về cùng với cha Sang phụ đóng học phí cho mấy đứa học trò nghèo ở quê. Thỉnh thoảng về quê tôi có ghé thăm thầy. Thấy thầy sống một mình, có phần lặng lẽ tôi thấy buồn. Thầy nói mình có buồn phiền gì đâu. Không có vợ nhưng thầy có tới chục đứa con, chẳng máu mủ nhưng thương thầy như ruột thịt.
Nội tôi ngày còn sống thường bảo thầy tên Sang mà chẳng thấy sang. Nhưng tôi lại thấy, thầy đã sống một cuộc đời sang trọng…
Theo NGUYỄN THỊ NHƯ HIỀN (QNO)