Mona Lisa của Mai Trung Thứ vừa được gõ búa khoảng 5,4 tỉ đồng ở phiên đấu giá của Sotheby’s Singapore. Ảnh: luxuo.vn |
Mới đây, tại phiên đấu giá Nghệ thuật Hiện đại và Đương đại của Sotheby’s Singapore, bức “Mona Lisa” năm 1958 của họa sỹ Mai Trung Thứ được gõ búa với mức 304.800 SGD (tương đương khoảng 5,4 tỉ đồng).
Dư luận xôn xao, bởi đây là mức gõ búa khủng đối với tranh của một hoạ sĩ người Việt ở các phiên đấu giá nghệ thuật quốc tế tính đến thời điểm này.
Đây cũng là bức Mona Lisa thứ ba của Mai Trung Thứ xuất hiện trên thị trường (cả ba đều từng được đấu tại sàn Sotheby’s) với tỉ lệ tôn trọng nguyên bản trong “Mona Lisa” của Leonardo da Vinci.
Mai Trung Thứ (1906 -1980) là hoạ sĩ người Việt sống ở Pháp và bị ảnh hưởng sâu đậm bởi các bậc thầy về Phục hưng. Ông được cho là họa sỹ có tinh thần dân tộc cao, thấm đẫm văn hóa Việt và luôn đau đáu gìn giữ bản sắc Việt. Đây là một trong những lý do khiến ông “Việt hoá” nhiều tác phẩm nổi tiếng trong hội họa Tây phương mà Mona Lisa là một điển hình.
“Việt hoá” kiểu Mai Trung Thứ, còn gọi là “Nghệ thuật chiếm đoạt hình ảnh” hiện rất phổ biến ở nhiều lĩnh vực ở Việt Nam và thế giới. Tất nhiên sự "chiếm đoạt" đang gây ra không ít tranh cãi về mặt bản quyền.
Trào lưu "chiếm đoạt", được bắt đầu từ năm 1919, khi hoạ sĩ Marcel Duchamp, người Pháp, công bố một tấm bưu thiếp. Có một trùng hợp rất thú vị là trên tấm bưu thiếp ấy cũng là hình ảnh Mona Lisa, nhưng được vẽ thêm bộ ria mép mỏng và chòm râu dê trên khuôn mặt như một lời thách thức, chống lại phương thức sáng tác của nghệ thuật truyền thống đương thời.
Trở lại với bức tranh nàng Mona Lisa năm 1958 phiên bản Mai Trung Thứ. Ngoài trị giá khoảng 5,4 tỉ đồng mức gõ búa, bức tranh này có là một giá trị thực thụ khi được đánh giá là một trong 13 tác phẩm thời Đông Dương nổi bật nhất tại phiên đấu giá Nghệ thuật Hiện đại và Đương đại vừa mới kết thúc của Sotheby’s Singapore.
Giá trị của Mona Lisa 1958 phiên bản Mai Trung Thứ là những giá trị văn hoá Việt, văn hoá phương Đông, thể hiện trong một Mona Lisa tóc đen mắt lá liễu, bận áo dài Le Mur đỏ thẫm và đội voan lụa màu rêu trải dài xuống thân mình.
Dựa theo bản gốc, nàng ngồi trên một chiếc ghế gỗ ở ban công, với thiết kế của ghế và ban công đều có các họa tiết Á đông. Khung cảnh đằng sau cũng phóng chiếu theo bản gốc, với lối thể hiện là sự kết hợp giữa cách vẽ hàn lâm sơn dầu Tây phương và thủy mặc Đông phương…
Trị giá và giá trị của Mona Lisa 1958 phiên bản Mai Trung Thứ là một ví dụ sống động về hội nhập, tiếp biến và phát huy các giá trị văn hoá của Việt Nam và thế giới.
Ví dụ này thêm lần nữa cho thấy: Văn hoá Việt Nam luôn có những giá trị của riêng mình. Tuy nhiên muốn phát huy, sánh vai... thì phải được đặt, va đập đúng chỗ trong dòng chảy văn hoá nhân loại, chứ không phải đi ra với tâm thế “ta là một, là riêng, là thứ nhất” như một tuyên ngôn bằng thơ của Xuân Diệu!