Món cá gỏi kiến vàng của người Rơ Măm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cá gỏi kiến vàng, với hương vị thơm ngon và sức hút đặc trưng không thể tìm thấy ở đâu khác, là món ăn truyền thống đã có từ ngàn đời nay của người dân Rơ Măm tại làng Le, xã Mo Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.

Theo già A Blong, người có uy tín của làng Le, không ai biết món cá gỏi kiến vàng có từ bao giờ, già làng hay những người cao tuổi của dân tộc Rơ Măm chỉ biết rằng món ăn này đã xuất hiện lâu lắm rồi, từ thời cha ông truyền lại. Ngày xưa, người dân Rơ Măm chủ yếu ở trong rừng, đời sống vô cùng cực khổ, khó khăn. Để có lương thực sống qua ngày, người Rơ Măm thường xuyên lội xuống suối bắt cá và trèo lên cành cây hái tổ kiến vàng rồi chế biến thành món ăn, dùng chung với các loại rau rừng. Qua bao thế hệ, món cá gỏi kiến vàng dần trở thành đặc sản của đồng bào dân tộc Rơ Măm.

Già A Blong giới thiệu món cá gỏi kiến vàng.

Già A Blong giới thiệu món cá gỏi kiến vàng.

Cá gỏi kiến vàng là món ăn được chế biến bởi hai nguyên liệu chính là cá và kiến vàng. Đầu tiên là phải chọn đúng loại cá. Người dân ở đây thường ra sông Sa Thầy bắt loài cá trắng để về chế biến. Nếu không có cá trắng thì có thể chế biến bằng cá trắm cỏ, cá diêu hồng... Để làm ra món cá gỏi kiến vàng đúng chuẩn cần rất nhiều công đoạn và người chế biến phải thật sự tỉ mỉ. Cá bắt về sẽ được lọc xương, rửa sạch, băm nhỏ thịt cá rồi vắt nước để khử mùi tanh, sau đó ướp cùng với các loại gia vị, thêm một chút tiêu rừng và thính gạo. Đối với kiến vàng, người dân nơi đây sẽ tìm những tổ kiến non, có số lượng trứng lớn để làm tăng thêm hương vị ngọt của cá; vị ngậy ngậy, chua chua của trứng kiến, khi chế biến sẽ thơm hơn, ăn bùi và béo ngậy. Sau khi sơ chế cá suối, người dân tiếp tục đi bắt kiến vàng, rồi thả vào cá đã băm nhuyễn để kiến tiết ra chất axit làm chín cá. Khi lấy tổ kiến xuống, trước tiên sẽ đặt một chậu nước ở bên dưới rồi lấy cán dao gõ nhẹ cho kiến rơi hết xuống chậu; tiếp đến, nhẹ nhàng tách đôi tổ kiến và lấy trứng ra để riêng. Trứng kiến vàng thường có mầu trắng đục, to gần bằng hạt gạo và có mùi thơm nhẹ. Cuối cùng, trứng kiến được làm nhuyễn ra rồi đem phơi dưới nắng.

Công đoạn cuối cùng là nêm nếm gia vị cho cá và kiến. Các loại gia vị cần dùng là muối, hạt tiêu, ớt xanh và thính được làm từ gạo. Sau khi chuẩn bị đầy đủ gia vị thì mới bắt đầu cho vào hỗn hợp cá, kiến, trứng kiến một lượng vừa phải rồi trộn thật đều tay đến khi ngửi thấy mùi thơm phảng phất tỏa ra.

Tùy theo sở thích của mỗi người mà có nhiều cách để thưởng thức món cá gỏi kiến vàng. Món ăn này thường được dùng kèm với nhiều loại rau rừng như lá lộc vừng, lá sung, lá xoài non... Lá to thì dùng làm phần áo gói và được cuốn thành hình phễu, ở bên trong có thêm một vài loại bé hơn như rau răm để tăng thêm hương vị. Khi cảm thấy lượng lá đã đủ, thì cho cá gỏi kiến vàng vào trong rồi cuốn lại. Vậy là món đặc sản Kon Tum nổi tiếng này đã hoàn thành.

Già A Blong cho biết, những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống của người dân làng Le đã có nhiều thay đổi, phát triển cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần. Làng Le đang tích cực bảo tồn văn hóa của người Rơ Măm, trong đó có việc bảo tồn ẩm thực truyền thống. Hiện nay, những người dân trong làng thạo chế biến món ăn truyền thống đang dạy lại cho lớp trẻ để giữ gìn và phát huy giá trị ẩm thực của dân tộc mình. Trong các dịp lễ hội quan trọng của làng, cá gỏi kiến vàng luôn xuất hiện. Đây là món đặc sản người dân Rơ Măm dùng để chiêu đãi khách quý.

Theo Bài và ảnh: HIẾU NHI (NDO)

Có thể bạn quan tâm

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Du lịch dịp Tết: Tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày không chỉ làm bùng nổ các tua du lịch, mà còn tạo ra cuộc chạy đua hấp dẫn giữa những chuyến đi xa và những kỳ nghỉ gần. Thị trường đang bày ra “mâm cỗ” phong phú, đủ hương vị từ truyền thống đến hiện đại, tận dụng thế mạnh tinh hoa vùng miền.

Khám phá Ngọa Long Sơn

Khám phá Ngọa Long Sơn

(GLO)- Ngọa Long Sơn là một khu nhà vườn nghỉ dưỡng đẹp gần núi Hàm Rồng, trong một thung lũng đẹp, bao bọc bởi núi đồi và ruộng bậc thang, khí hậu trong lành, mát mẻ, thuộc địa bàn xã Gào, cách trung tâm TP. Pleiku khoảng 11 km về phía Nam.

Mô hình “Cà phê cảnh quan” ở xã Đak Krong, huyện Đak Đoa. Ảnh: H.T

“Cà phê cảnh quan”: Đa lợi ích

(GLO)- Cà phê cảnh quan là mô hình trồng cà phê xen canh với các cây trồng khác để tạo cảnh quan sinh thái, giúp mang lại giá trị cao cho cây cà phê, có thể phát triển du lịch.