(GLO)- Những năm gần đây, chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình đã thực sự đi vào cuộc sống. Nhờ công tác tuyên truyền rộng khắp, có trọng tâm, trọng điểm, ngay cả người dân ở khu vực khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh cũng đã có những nhận thức, hành động tích cực trong việc tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình.
Nỗ lực vượt khó
Gia Lai đang phấn đấu đến năm 2020 có trên 15% lực lượng lao động tham gia BHXH, 11% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp và trên 90,13% dân số có thẻ BHYT. Qua đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ý thức tham gia BHXH tự nguyện và sử dụng BHYT ngay cả ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực. Khi đau ốm, người dân đã đến các trạm y tế khám-chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe; có ý thức trong việc sử dụng thẻ BHYT. Bà Ksor H’Graich (làng Pnuk, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) chia sẻ: Bây giờ, người dân trong làng đều đã ý thức hơn về việc chăm sóc sức khỏe và hiểu được giá trị quan trọng của tấm thẻ BHYT. Mình cũng như mọi người luôn giữ gìn thẻ BHYT cẩn thận, phòng khi đau ốm thì có cái mà dùng.
Phát huy vai trò của già làng, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố trong công tác tuyên truyền các chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Ảnh: Đ.T |
Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của cả nước, chỉ số tham gia BHXH, BHYT của tỉnh Gia Lai vẫn thấp hơn. Nhiều người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, chưa sẵn sàng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Trong những năm qua, tỉnh luôn trăn trở tìm nhiều giải pháp tích cực trong công tác phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, duy trì sự bền vững của độ bao phủ BHYT nhưng vẫn còn nhiều khó khăn nhất định. Việc đạt được mục tiêu đề ra hoàn toàn không phải là chuyện dễ, nhất là khi điều kiện tự nhiên, hạ tầng kinh tế-xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao… đã ảnh hưởng đến công tác phát triển đối tượng.
Theo thống kê của BHXH Gia Lai, qua 5 năm triển khai BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh (2012-2017), số người tham gia BHXH tự nguyện tăng năm sau luôn cao hơn năm trước. Nếu năm 2012, toàn tỉnh chỉ có 521 người tham gia BHXH tự nguyện thì đến ngày 31-10-2017 đã có 1.142 người tham gia, tăng 621 người (tăng 2,19 lần) so với năm 2012, tăng 27,93% so với cùng kỳ năm 2016, chiếm 1,42% tổng số người tham gia BHXH. Về BHYT, tính đến ngày 31-10-2017, số người tham gia trên địa bàn tỉnh là 1.269.664, chiếm 88,2% dân số, vượt 8,18% theo Quyết định số 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, vượt 5,16% kế hoạch của tỉnh. 17/17 huyện, thị xã, thành phố đều đạt và vượt chỉ tiêu bao phủ BHYT theo Quyết định 565/QĐ-UBND ngày 26-8-2016 của UBND tỉnh.
Khi Luật BHYT sửa đổi, bổ sung triển khai, nếu năm 2014, toàn tỉnh chỉ có 63.151 người tham gia BHYT hộ gia đình (chiếm 6,42% tổng số người tham gia BHYT) thì đến ngày 31-10-2017 đã có 143.590 người tham gia, tăng 33,3% so với cùng kỳ năm 2016, chiếm 11,42% tổng số người tham gia BHYT, tăng 127,37% so với năm 2014.
Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức
Ông Lê Quốc Khánh-Phó Giám đốc BHXH Gia Lai, thông tin: “Mặc dù số người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trên địa bàn tỉnh khá nhiều, số người tham gia năm sau luôn tăng cao hơn trước, tuy nhiên, về số tuyệt đối còn thấp so với tiềm năng. Cụ thể, tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp, chiếm 0,12% lực lượng lao động; số người tham gia BHYT hộ gia đình chiếm 11,3% tổng số người tham gia BHYT, còn khoảng 12% dân số chưa tham gia BHYT”.
Đa phần người dân trong tỉnh đều làm nông nghiệp, thu nhập thấp, không ổn định… nên công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT hộ gia đình gặp nhiều khó khăn. Ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, số người tham gia BHXH tự nguyện rất hiếm. Mặt khác, thời gian tham gia lâu dài nhưng chính sách BHXH tự nguyện chưa hấp dẫn nên khó tác động, vận động người dân tham gia. Bên cạnh đó, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; mới chỉ tập trung vào đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và đối tượng tham gia BHYT được Nhà nước đóng, hỗ trợ đóng; chưa phát huy hết vai trò của các tổ chức chính trị ở thôn, làng, tổ dân phố trong việc tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
Ông Lê Quốc Khánh cho biết thêm: Để chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình ngày càng đi vào cuộc sống cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tích cực hơn nữa của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác tổ chức thực hiện. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp với các Hội, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, đối thoại đến hội viên các tổ chức, đoàn thể về chủ trương, chính sách BHXH, BHYT của Đảng và Nhà nước.
“Trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cần phát huy tốt vai trò của già làng, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố. Ngoài ra, tăng cường mở rộng hệ thống đại lý tuyến cơ sở, ưu tiên đại lý là người dân tộc thiểu số, mỗi thôn, làng, tổ dân phố đều có nhân viên đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình… Bên cạnh đó, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính đơn giản, thuận tiện cho người tham gia BHXH, BHYT để khuyến khích người dân tham gia”-Phó Giám đốc BHXH Gia Lai Lê Quốc Khánh cho hay.
Như Nguyện