(GLO)- Là miền núi, nhưng ở Tây Nguyên đường qua lại giữa các tỉnh trong khu vực không có đèo ải nào đáng kể, chỉ những cung đường từ đây xuôi về các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ thì phải qua một số đèo lớn, nhỏ. Do cấu tạo địa hình địa vực của dãy Trường Sơn, khu vực Bắc Tây Nguyên tập trung núi non trùng điệp, rồi thấp và bằng dần vào phía Nam nên ở đây nhiều đèo dốc hơn khu vực Nam Tây Nguyên.
Chỉ trên địa bàn 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum đã có đến 8 con đèo lớn nhỏ, trong khi Nam Tây Nguyên chỉ chừng nửa số ấy. Chưa có dịp trải nghiệm các đèo Nam Tây Nguyên, xin vài ghi chép nhỏ về các đèo ở Bắc Tây Nguyên.
Kon Tum-du ngoạn trên những con đèo
Quốc lộ 14 (nay là một phần đường Hồ Chí Minh), từ TP. Đà Nẵng ngang qua mấy huyện miền núi tỉnh Quảng Nam, “đụng” vào điểm đầu tiên của Bắc Tây Nguyên tại Km 1402, tiếp đó là tỉnh Kon Tum. Tính đi từ Kon Tum ra Bắc, đến khoảng Km 1432 là coi như đã vào chân phía Nam đèo Lò Xo. Từ đây quanh co lên cao mãi với những khúc cua nguy hiểm nhất, cho tới đỉnh ở khoảng Km 1414, rồi lại đổ dốc đến khoảng Km 1412 là chân đèo phía Bắc. Đèo Lò Xo luồn lỏi khuất khúc giữa đại ngàn quần sơn Ngọc Linh, rất nguy hiểm cho các lái xe chủ quan hoặc bất cẩn. Do địa thế hiểm trở nên một thời gian dài con đèo này đã ngăn trở giao thương của cả khu vực về phía Bắc. Tên gọi Lò Xo do bộ đội Trường Sơn đặt thời đánh Mỹ, bởi nó xoắn ốc vắt ngang một trong những truông núi cao nhất nhì thuộc dãy Trường Sơn, giống một chiếc lò xo.
Đèo An Khê (Gia Lai) nhìn từ trên cao. Ảnh: Phan Nguyên |
Do vậy, lúc đang thi công đường Hồ Chí Minh, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên-nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn-khi đến thăm nơi này, có nói vui: “Đèo Lò Xo sẽ hết… lò xo!”. Là nói hình tượng vậy thôi, chứ dẫu đã được nắn sửa mạnh, con đèo vẫn khó phai được dấu vết của một chiếc… lò xo! Ở độ cao này và trong địa thế ấy, ngay cả vào mùa khô, đến 9-10 giờ sáng vẫn khói mây bảng lảng vắt ngang đèo, tạo nên cảnh quan thâm u, kỳ vĩ.
Quốc lộ 40B từ TP. Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) lên, đụng vào Bắc Tây Nguyên ở Km 141, tiếp đến là tỉnh Kon Tum. Tính từ Kon Tum đi, đến Km 118 là chân đèo Văn Rơi. Đèo chỉ dài khoảng 6 km nhưng dốc rất tức; ô tô, xe máy phải luôn cài số mạnh, nhất là đoạn vượt đỉnh đèo. Đến Km 182 là chân đèo phía bên kia, đường tiếp tục ngang qua vùng sâm Ngọc Linh nổi tiếng để về Quảng Nam. Đi trên đường này mới thấy được đỉnh Ngọc Linh-đỉnh núi cao thứ nhì Việt Nam. Tên gọi đèo Văn Rơi có nhiều cách giải thích, đến nay vẫn chưa thống nhất, kể cả từ nguyên ngữ Xê Đăng lẫn cách Việt hóa. Xin dẫn một cách giải thích theo bà con tại chỗ: “Văn” là Việt hóa từ “Váng” nghĩa là đèo, truông; “Rơi” là Việt hóa từ “Hro” hoặc “Hroh”, có nghĩa là “đủ sức, có khả năng”, hoặc “vượt qua, ra khỏi”-ý chỉ sự thử thách phải vượt qua con dốc tức!
Quốc lộ 24 từ tỉnh Quảng Ngãi lên, đụng vào Bắc Tây Nguyên ở Km 69, tiếp nối tỉnh Kon Tum. Tính từ Kon Tum đi, đến khoảng Km 130 là chân đèo Măng Đen. Đèo quanh co 12 km lên đến đỉnh ở khoảng Km 118. Đỉnh đèo là Khu Du lịch Sinh thái Măng Đen nổi tiếng. Tên gọi Măng Đen là chệch âm từ tiếng Mơ-nâm “Tơ-măng Dieng”. “Tơ-măng” có nghĩa vùng đất tương đối bằng phẳng (ngay trên đỉnh núi, đỉnh đèo mà được như vậy, coi như bằng phẳng); “Dieng” có nghĩa nhỏ, hẹp. Tơ-măng Dieng chỉ vùng đất tương đối bằng phẳng nhưng nhỏ hẹp, là để “đối trọng” với vùng đất kế liền bên cũng tương đối bằng phẳng nhưng rộng lớn hơn, là “Tơ-măng Kănh”, tức xã Măng Cành. Đèo Măng Đen rất đẹp, bởi lẽ ngoài chuyện uốn lượn quanh co ngoạn mục như bao nhiêu đèo dốc khác, nó còn luồn lỏi băng ngang một vùng rừng núi còn giữ được mật độ rừng che phủ đến 80%, lại được thiên nhiên ban tặng riêng cho một chế độ khí hậu đặc biệt ôn hòa mát mẻ quanh năm và cảnh quan đặc thù của cung đường xuyên sơn kỳ thú, khách du ngang qua đây không những “mát người” mà cũng vô cùng… “mát mắt”!
Cũng trên quốc lộ 24, qua Măng Đen, đường đổ dài theo những con dốc liên tục, quanh co khúc khuỷu, đưa xuống miệt Đông Trường Sơn, đến Km 69 thì gặp đèo Viôlắc, là ranh giới giữa Kon Tum và Quảng Ngãi. Đèo Viôlắc đổ xuôi chừng 12 km, đến khoảng Km 57 là chân đèo phía Đông, thuộc địa phận huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi). “Viôlắc” là cách phát âm kiểu Việt hóa. Theo cách gọi của bà con các dân tộc thiểu số tại chỗ, Viôlắc có nghĩa là “nơi bị chặn lại”, vì trước khi được mở đường và nắn sửa rộng thoáng thì nơi đây là điểm vô cùng nhiêu khê, hiểm trở, người ở trên phía cao và dưới thấp muốn đến thăm nhau không dễ vượt qua! Đứng ở chân đèo nhìn lên, sẽ thấy con đèo xếp nếp thành hình chữ “M” (hoặc chữ “W”) giữa lưng chừng núi xanh biếc, giống hệt một Hải Vân quan thu nhỏ.
Gia Lai và những chiếc “cầu nối đôi miền”
Quốc lộ 19 từ tỉnh Bình Định vươn lên Bắc Tây Nguyên, “đụng” ranh giới tỉnh Gia Lai ở Km 67. Tính từ TP. Pleiku-thủ phủ tỉnh Gia Lai, tại khoảng Km 168 đi về phía Đông, đến Km 112 thì gặp đèo Mang Yang ở cuối xã Hà Ra (huyện Mang Yang). Tên gọi con đèo này là từ ngôn ngữ đồng bào Bahnar: “Mang” nghĩa là Cổng; “Yang” (Yàng) nghĩa là Trời, Thần linh. “Mang Yang” dịch gọn là “Cổng Trời”. Mà đúng là… “cổng trời” thật, bởi về mặt dư địa chí, đây chính là nấc thang cuối cùng để “leo” từ vùng Trung du Đông Trường Sơn bước ngược lên điểm đỉnh Trường Sơn. Đèo chỉ dài 4 cây số, không có vẻ nhiêu khê hùng vĩ như những đèo khác, nhưng cũng nguy hiểm không kém nếu chủ quan, bất cẩn. Chân đèo Mang Yang ở khoảng Km 108, địa phận xã Hà Tam, huyện Đak Pơ.
Cũng trên quốc lộ 19, qua huyện Đak Pơ và thị xã An Khê-miền “Tây Sơn Thượng đạo” của nhà Tây Sơn xưa-thì gặp thêm đèo An Khê tại Km 67, là ranh giới giữa 2 tỉnh Gia Lai-Bình Định. Quanh co đổ đèo chừng 12 cây số, đến Km 59 là chân đèo, thuộc địa phận huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định), tức miền “Tây Sơn Hạ đạo”. Trước kia đèo An Khê còn có tên gọi đèo Bình Khê, đèo Lòng Mang… Đèo nổi tiếng xưa nay với một cái cua cùi chỏ rất ngoạn mục ở đoạn cách đỉnh đèo chừng 1 cây số, người nhát gan nhìn thấy phải… rùng mình! Đèo An Khê gắn bên mình nhiều truyền thuyết về lễ xuất quân nhà Tây Sơn trẩy về xuôi, mở ra công cuộc “bình thiên hạ” vang danh vào thế kỷ XVIII.
Quốc lộ 25 từ tỉnh Phú Yên nối lên quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh) tại trung tâm thị trấn Chư Sê (huyện Chư Sê ), dài 181 km. Từ Km 181 (là cột cây số cuối cùng của quốc lộ này) đi về Đông, đến khoảng Km 158 gặp đầu đèo Chư Sê, xổ dốc chừng 3 km, đến khoảng Km 153, là hết đèo. Đèo tuy ngắn nhưng cũng đủ cho khách đi đường ít nhiều cảm giác có sự chia biệt hẳn hoi giữa hai vùng cao-thấp.
Cũng trên quốc lộ 25, từ đèo Chư Sê ngang qua huyện Phú Thiện và thị xã Ayun Pa, đến khoảng Km 113 gặp đèo Tô Na kéo đến Km 111 là hết. Đây là một chân núi thấp đâm ra khúc quanh gấp khúc của sông Ba tạo nên địa thế hiểm yếu và cảnh quan sơn thủy hữu tình. Ngày nay đèo Tô Na đã được nắn sửa mạnh và hạ thấp độ cao, chỉ còn độ dốc 10% nên không có bảng báo đèo mà thay vào đó là tấm biển báo “Đoạn đường thường xảy ra sạt lở rất nguy hiểm”. Đèo Tô Na (nay là dốc) chỉ ngắn ngần ấy, nhưng lại chính là… “Ải Chi Lăng” của Quân Giải phóng trong cuộc phục kích xóa sổ đoàn bại binh rồng rắn từ thị xã Pleiku “tháo chạy tán loạn” đến đây của Mỹ-ngụy vào tháng 3-1975.
*
Tám con đèo Bắc Tây Nguyên (nay còn tính 7) như các bậc thang cấp để từ đồng bằng miền Trung bước lên Tây Nguyên. Ngoài ý nghĩa giao thương, nó còn là những bức “tranh họa đồ” cho người du ngoạn; là những “bảo tàng thiên nhiên” về đa dạng sinh học và cảnh quan kỳ thú; là chứng nhân của cả quá trình lịch sử các lớp lưu dân qua lại 2 miền làm ăn sinh sống thuở xa xưa. Chúng còn là chứng tích một thời của những bước chân kháng chiến đi bảo vệ quê hương; đồng thời gắn bên mình bao kho tàng văn hóa-xã hội phong phú của các tộc người anh em cư trú quanh vùng… Ngày nay, một số đèo trong những con đèo ấy lại nằm trên trục đường chiến lược hành lang kinh tế Đông-Tây, không những tạo điều kiện cho khu vực miền núi phát triển, mà còn là cầu nối hữu nghị quốc tế khu vực ASEAN…
Qua quá trình nắn sửa và mở rộng, ngày nay những đèo dốc không còn mang ý nghĩa về sự chia cách như xưa, mà chính là cầu nối đôi miền xuôi-ngược, để mọi người còn mãi ngâm ngợi câu ca: “Thương nhau mấy núi cũng trèo/Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua”… |
Tạ Văn Sỹ