Mê đắm thác Gre Glong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thác nước Gre Glong (làng Ngol, xã Ia Glai, huyện Chư Sê, cách trung tâm huyện hơn 7 km) là một cảnh quan thiên nhiên còn mang trong mình nhiều nét hoang sơ, chưa được nhiều người biết đến. Tuy vậy, đây hứa hẹn sẽ là một điểm đến đầy thú vị cho những ai có sở thích đi picnic hay tổ chức cắm trại vào dịp cuối tuần.
Nằm giữa một thung lũng được bao bọc bởi nhiều cây xanh và hệ thống đá tảng đồ sộ, thác Gre Glong đổ xuống từ độ cao chừng 15 m, duyên dáng như một suối tóc dày. Nước xuống đến chân thác va đập mạnh với những tảng đá lớn bên dưới khiến bọt nước tung lên trắng xóa, tạo nên một bức tranh thật sống động, kỳ vĩ. Tiếng suối reo ầm ào đủ sức xóa đi trong ta những âm thanh vội vã của cuộc sống thường ngày.
 Vẻ đẹp duyên dáng của thác nước Gre Glong. Ảnh: H.N
Vẻ đẹp duyên dáng của thác nước Gre Glong. Ảnh: H.N
Những người già ở làng Ngol kể lại: Thời xa xưa, xung quanh khu vực thác Gre Glong có rất nhiều cổ thụ, chim muông, thú rừng. Người Jrai quan niệm rằng ở đâu cây cối rậm rạp thì ở đó có Yàng trú ngụ. Vì vậy, dân làng không ai dám đi xuống thác một mình vì sợ đau ốm hoặc sẽ bị Yàng bắt ở lại và không tìm thấy lối về. Qua thời gian, cảnh quan ở khu vực thác nước đã có nhiều thay đổi, thông thoáng hơn nên bà con trong làng mới dám rủ nhau đi xuống thác hái rau rừng và bắt cá. Già làng Rah Lan Síp cho biết: “Người dân trong làng ai cũng vui mừng và tự hào vì thiên nhiên đã ban tặng cho làng mình một thác nước đẹp như thế này. Bà con làm ruộng gần khu vực thác nước thường cùng nhau đi xuống gần chân thác nghỉ ngơi sau những giờ lao động mệt mỏi”.
Vì vậy, đến với thác nước, du khách có thể lên ý tưởng ghi lại những hình ảnh đẹp nhất trong hành trình khám phá của mình với những góc máy bình dị về cuộc sống đời thường của người dân và thiên nhiên nơi đây. Thêm một điều thú vị là khách sẽ có cơ hội tham gia vào các hoạt động như: hái măng rừng ở gần bờ suối, tát nước bắt cá ở quanh khu vực thác nước. Ông Kpuih Lan, người dân làng Tel Yố (xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) chia sẻ: “Tôi và một số người dân trong làng cứ mỗi khi có thời gian rảnh rỗi thường đến dạo chơi ở thác Gre Glong. Không khí ở đây trong lành, mát mẻ lắm. Mùa mưa, thác nước này có dòng chảy rất mạnh, còn thời gian gần đây do thời tiết đã chuyển sang mùa khô nên dòng thác chảy yếu hơn nhưng vẫn rất hấp dẫn”.
Đến đây, du khách còn được chiêm ngưỡng một vẻ đẹp tự nhiên khác nằm cách thác nước chừng 15 m mà không phải nơi nào cũng có được, đó là hình ảnh những bộ rễ cây cổ thụ ngoằn ngoèo bám chặt vào tường đá lâu năm phủ kín rong rêu rồi ăn sâu xuống lòng đất. Những bức tường đá, rễ cây kỳ dị này trải rộng trên diện tích chừng 30 m2; nước mạch ngầm từ trong lòng đất chảy theo rễ cây róc rách tạo nên âm vang giống như tiếng đàn trưng với điệu nhạc nhẹ nhàng du dương. Đây chính là điểm nhấn thu hút du khách mỗi khi đặt chân đến tham quan, tựa như ta đang đi lạc vào giữa một khu rừng nhiệt đới ẩm ướt.
Nhiều du khách còn hết sức ấn tượng bởi đến đây, họ không chỉ được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của con thác mà còn được hòa mình vào một không gian yên bình với những thửa ruộng bậc thang được người Jrai canh tác từ bao đời nay trên vùng đất này. Khung cảnh ấy đủ sức hấp dẫn những ai có sở thích tìm hiểu về văn hóa, phong tục tập quán của người dân bản địa cũng như muốn trải nghiệm thực tế cách trồng cây lúa nước trên những thửa ruộng bậc thang. Đặc biệt, vào thời điểm tháng 9, tháng 10, khi bà con nông dân chuẩn bị thu hoạch, ta được thỏa sức nhìn ngắm cánh đồng lúa chín vàng, tận hưởng được những phút giây yên bình cùng bầu không khí trong lành đến tận cùng. Thỉnh thoảng, những cơn gió nhẹ thổi qua khiến ta ngỡ mình đang đứng cạnh chiếc máy điều hòa khổng lồ của mẹ thiên nhiên.
Huy Hoàng

Có thể bạn quan tâm

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

(GLO)- Chiều 9-12, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh đã có cuộc khảo thực tế tại huyện Ia Grai để đánh giá tiềm năng phát triển du lịch nâng cấp Lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên cấp tỉnh.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 sẽ được tổ chức với quy mô lớn, với nhiều hoạt động hấp dẫn.