(GLO)- Báo Gia Lai điện tử, ngày 27-5 có phản ánh nội dung “Mang Yang: Rừng thông đang bị chặt hạ”. Ngày 31-5, trở lại khu vực này, ngoài khu vực rừng thông tiếp tục bị chặt phá, thì cách đó không xa, trên 150 ha rừng cây sao xanh đã bị triệt hạ, khi thấy phóng viên, chiếc xe đang móc rễ cây cũng nhanh chóng rời khỏi khu vực này.
Cả ngàn cây hay 50 cây thông bị chặt hạ?
Ngoài số cây thông bị chặt hạ, nhổ gốc, san ủi mặt bằng chuẩn bị cho việc trồng tiêu hay khu vực rừng thông mới bị băm chặt vỏ cho cây chết dần tại tiểu khu 499 thuộc địa phận làng Đê Rơn, xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang như Báo Gia Lai đã phản ánh, chỉ vài ngày sau tiếp cận lại hiện trường thì có thêm nhiều cây thông bị băm, chặt vỏ; một số lô đất trống được cày xới trước đó thì nay đã có người đến cắm hàng trăm trụ để trồng tiêu. Trong việc mua bán sang nhượng này có một người tên Dũng là người được cho là trực tiếp đứng ra mua bán bằng cách viết giấy tay và hứa hẹn sẽ làm sổ đỏ khi đã trồng hoa màu và một số hộ đã được chuyển đổi nhưng khi nghe có phóng viên đến tìm hiểu thì họ từ chối gặp.
Một lô đất vừa cắm trụ tiêu ngay bên cạnh khu vực rừng thông. Ảnh: Nguyễn Giác |
Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc-tổ 9- thị trấn Kon Dơng-huyện Mang Yang: Ở đây họ mua bán đất nhiều lắm, tôi không có tiền nên nói em trai ở tận Lâm Đồng đến hỏi và mua 1,6 ha với giá là 380 triệu đồng; mấy người bán đất ở đây hứa là sẽ làm sổ đỏ để trồng tiêu… Tôi thấy là họ phá rừng này từ lâu rồi và gần đây thì nhiều lắm, phá rồi mua bán đất, nhiều người mua để trồng tiêu, không biết thế nào chứ có một số người đã làm bìa đỏ rồi-bà Ngọc nói.
Để kiểm tra việc chặt phá rừng tại tiểu khu 499 này, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã đến tận nơi và thống kê được khoảng 50 cây thông bị chặt phá, còn diện tích đất bị lấn chiếm khoảng 5,1 ha? Con số trên được đưa ra nhưng chỉ nêu là “khoảng” như vậy chính xác là bao nhiêu cây bị chặt phá, diện tích đất bị lấn chiếm, chuyển đổi là bao nhiêu vẫn chưa được cơ quan chức năng công bố. Tuy nhiên, theo sơ bộ những gì nắm bắt tại hiện trường nơi diễn ra vụ chặt phá rừng thông phải có đến hàng ngàn cây thông bị chặt, phá; nhiều lô đất đã bị phân chia, có nơi đã trồng trụ, cắm dây tiêu.
Vô số cây thông bị chặt hạ nhưng khi kiểm tra chỉ có 50 cây? Ảnh: Nguyễn Giác |
Huyện Mang Yang buôn lỏng quản lý rừng?
Cách rừng thông bị chặt hạ, đốt, phá khoảng 2 km, thì có hàng chục ha đất trồng cây sao xanh cũng bị chặt phá, thậm chí nhiều diện tích đã được chia lô, cắm trụ, dựng cả trang trại trên vùng đất này. Khi tiếp cận hiện trường thì bỗng nhiên những hoạt động từ chiếc xe cạp đất đang lật từng gốc cây, san phẳng đất, người thì đào giếng, cắm cọc dựng lều… đều dừng hẳn, xe thì chạy nơi khác, người lẩn vào bụi cây, chỉ duy nhất đôi vợ chồng người đào giếng là còn lại, họ cho biết: Chúng tôi nhận được điện thoại thuê đào giếng còn chủ là ai, lô đất thế nào thì chịu. Qua tìm hiểu thực tế thì rừng sao xanh này đã trồng trên 20 năm với diện tích khoảng trên 150 ha nhưng hiện nay đã bị chặt phá gần hết, chỉ còn lại vài cây sao được giữ lại làm hàng rào bảo vệ khu vực được phân chia.
Để tìm hiểu rõ vấn đề này, chiều 31-5, chúng tôi đến UBND huyện Mang Yang và đề nghị được trao đổi với lãnh đạo huyện về việc rừng thông, sao xanh đang bị chặt phá, chiếm đất trái phép. Sau vài phút chờ đợi thì nhận được trả lời từ Chánh Văn phòng UBND huyện-bà Hoàng Thị Lan Anh: Chủ tịch chuẩn bị có cuộc họp nên không trao đổi với báo chí được; chúng tôi đề nghị cho một cuộc hẹn làm việc thì Chánh Văn phòng bảo là chưa biết được, phải chờ đến họp giao ban đầu tuần rồi mới biết được Chủ tịch rảnh ngày nào. Hai ngày trước đó chúng tôi cũng đã đến UBND huyện đề cập về vấn đề trên thì cũng nhận được câu trả lời tương tự và chuyển sang cơ quan khác để trả lời.
Các hộ lấn chiếm đưa cả máy móc cơ giới vào triệt hạ rừng cây sao xanh. Ảnh: Nguyễn Giác |
Nghiêm trọng hơn, tại tiểu khu 501 rộng gần 176 ha là nơi trồng thông gần 30 năm tuổi thuộc quyền quản lý của xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang đã bị tàn phá, san bằng từ nhiều năm qua. Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện tại đây thì đã có hơn 43 ha rừng thông và đất lâm nghiệp bị 80 hộ chiếm (trong đó, có gần 35 ha rừng thuộc vùng lõi bị lấn chiếm). Hàng chục vườn tiêu đã bắt rễ trên vùng rừng mà lẽ ra không thuộc về một cá nhân nào.
Ông Nguyễn Long Sơn-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang cho biết: Chúng tôi đã cho kiểm lâm địa bàn xuống họp dân vận động người dân không được phá rừng nữa thì người dân bảo là chúng tôi chỉ khai phá có 1 vài sào để trồng mì, sắn dây để ăn thôi mà sao bị phạt, chứ hàng chục ha đất trên khu vực này của cán bộ huyện, xã đã trồng cây tại sao được cấp sổ đỏ. Nếu phá bỏ thì phải phá bỏ hết… chúng tôi đã làm công văn gửi cho huyện rồi nhưng huyện vẫn chưa có ý kiến gì…
Cụ thể, ngày 26-4-2013 Hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang đã có công văn gửi UBND huyện, đề nghị UBND huyện chỉ đạo UBND xã và các cơ quan chức năng có liên quan của huyện tập trung phương án và tổ chức cưỡng chế nhổ bỏ toàn bộ cây trồng trên diện tích 43 ha đất bị lấn chiếm tại khu vực rừng thông thuộc tiểu khu 501 xã Đak Djrăng, thế nhưng cho đến nay UBND huyện vẫn chưa thấy động tỉnh gì.
Chặt phá, lấn chiếm diện tích rừng đang diễn ra ồ ạt tại xã Đak Djrăng. Ảnh: Nguyễn Giác |
Được biết ngày 3-5-2013, trong cuộc kiểm tra, làm việc với UBND huyện Mang Yang về việc kiểm tra đất rừng thông tại xã Đak Djrăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh-ông Đào Xuân Liên đã nêu lên việc thiếu chặt chẽ, chưa dứt điểm của huyện Mang Yang trong xử lý các đối tượng lấn chiếm đất rừng thông để xây nhà, sản xuất nông nghiệp, dẫn đến tình trạng lấn chiếm đất đai, chặt phá rừng thông để xây dựng nhà ở và sản xuất nông nghiệp diễn ra ngày càng phức tạp. Trước tình hình trên, UBND tỉnh yêu cầu dừng quy hoạch khu dân cư trên quỹ đất rừng thông tại xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang. Đồng thời, đề nghị xác định diện tích rừng thông đã bị chặt phá, đưa các đối tượng phá rừng ra truy tố; không cho sản xuất nông nghiệp trên đất rừng thông và buộc khắc phục hậu quả; kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của các cá nhân để xảy ra tình trạng chặt phá rừng…
Không chỉ riêng khu vực rừng thông thuộc các tiểu khu 499, 501 đang bị chặt phá, lấn chiếm lấy đất sản xuất nông nghiệp, mà theo quan sát của chúng tôi, tại nhiều nơi trên địa bàn huyện Mang Yang, nơi nào có diện tích đất trồng thông và tiếp giáp với các hộ dân thì ở đó có xảy ra tình trạng chặt phá thông, nhưng việc chặt phá này không diễn ra ồ ạt mà theo kiểu mưa dầm thấm lâu, mỗi ngày họ băm chặt vỏ một vài cây, lâu dần cây chết, bị chặt hạ rồi thay vào đó là một trụ tiêu hay một gốc cây mới.
Nguyễn Giác